'Thế hệ vĩ đại nhất' - sự xuất hiện của họ thay đổi diện mạo thế giới như thế nào?

Thế hệ vĩ đại nhất (Greatest Generation) còn có tên gọi khác là thế hệ Đại chiến thế giới lần thứ II (World War II Generation) vốn là tên gọi dành cho những người Mỹ trưởng thành trong cuộc Đại suy thoái (Great Depression) và tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Thế hệ vĩ đại nhất (1910-1924)

"Thế hệ vĩ đại nhất" trên thế giới

Thế hệ vĩ đại nhất (Greatest Generation) còn có tên gọi khác là thế hệ Đại chiến thế giới lần thứ II (World War II Generation) vốn là tên gọi dành cho những người Mỹ trưởng thành trong cuộc Đại suy thoái (Great Depression) và tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Tên gọi này được đặt bởi hai tác giả William Straus và Neil Howe trong cuốn sách Generations: The History of America Future, 1991.

Mô tả về các thế hệ của nước Mỹ trong cuốn sách của William Strauss và Neil Howe.

Mô tả về các thế hệ của nước Mỹ trong cuốn sách của William Strauss và Neil Howe.

Về quãng thời gian sinh ra thế hệ vĩ đại nhất, giữa mấy nhà nghiên cứu không có sự thống nhất, nhưng tôi – người tóm tắt các tư liệu – đã chọn quãng đó là 1910-1924.

Trong cuốn sách The Greatest Generation, tác giả Tom Brokaw đã mô tả những nét điển hình chung nhất của thế hệ này với sự ngưỡng mộ của ông. Đã có nhiều thế hệ qua đi, họ làm nên bao nhiêu điều tốt đẹp cho thế giới này, nhưng Brokaw đã đánh giá ở Greatest Generation với những đặc điểm nổi bật sau đây:

Greatest Generation đề cao trách nhiệm cá nhân

Nhìn vào nhiều nước trên thế giới, trong đó có nước Mỹ, cuộc chiến tranh thế giới II đã tàn phá đời sống con người khiến cho giá trị đạo đức rất dễ bị suy đồi.

Rất có thể người ta chà đạp nhau để sống sót hoặc giành quyền lực, nhưng những thành viên thuộc thế hệ này thường xem trách nhiệm là một vinh dự. Giá trị đó ảnh hưởng tích cực đến những thế hệ sau.

Greatest Generation thể hiện là một thế hệ khiêm tốn

Vào giai đoạn sinh thành của thế hệ này, xã hội trông chờ vào từng con người nhiều phẩm giá và đức khiêm nhường. Khi xã hội đang quá thiếu thốn về đời sống vật chất và tinh thần, sự thể hiện tinh thần khiêm tốn và biết hi sinh vì cộng đồng, vì đất nước của thế hệ này là vô giá.

Greatest Generation phải đối mặt với những thay đổi chóng mặt trên thế giới và trong xã hội của họ

Khi thế hệ vĩ đại nhất bắt đầu trưởng thành, ở châu Âu đã có những biến đổi không ngừng về chính trị và quyền lực. Trong khi đó nước Mỹ vẫn chưa phát huy được sức mạnh quân sự. Tất cả những điều đó đã diễn ra trong chiến tranh và cuộc Đại suy thoái.

Ra khỏi tình trạng đó, nước Mỹ bắt đầu thịnh vượng và quyền lực ngày càng lớn. Greatest Generation vốn từng "thắt lưng buộc bụng" thì giờ đây phải đối mặt với cuộc sống thay đổi khác trước.

Đạo đức nghề nghiệp của Greatest Generation là cống hiến hết sức cho lao động sau khi rời cuộc chiến

Trong thời chiến và trước bối cảnh Đại suy thoái, con người hầu như "cố gắng sống sót", và khi đã qua khỏi cảnh khốn nguy, tâm lý tận hưởng rất dễ nảy sinh. Song, thế hệ này nói chung là những người đã rất chăm chỉ làm lụng bằng chính đôi tay của mình.

Lòng trung thành tuyệt đối của Greatest Generation thể hiện rất rõ

Họ chung thủy với vợ con và gắn bó với nghề nghiệp. Ngày nay, ở Mỹ cũng như ở nhiều quốc gia, nguyên tắc sống thoải mái và quyền tự do lựa chọn được đề cao, nhưng có lẽ, sự cam kết và lòng trung thành cũng là một phẩm giá mà dù thế hệ nào sau này cũng phải tôn trọng.

Greatest Generation chấp nhận sự hi sinh bản thân

Phẩm chất này dù trong thời đại nào, dù với thế hệ nào cũng cần phải được đề cao. Thế hệ vĩ đại nhất ở Mỹ, Liên Xô, Pháp, Ba Lan, Nam Tư… đã bị tổn thất quá nhiều. Lòng quả cảm và đức hi sinh của họ là vô cùng lớn lao và thật đáng khâm phục.

Giờ đây, trên thế giới, thế hệ này còn tồn tại được bao nhiêu người? Người thuộc lứa đầu của Greatest Generation đến nay còn sống thì đã là cụ già 125 tuổi, và người trẻ nhất vừa tròn 100! Chắc sẽ rất hiếm gặp được những người có tuổi thọ cao như vậy.

Theo Family Search, hiện có khoảng từ 300.000 đến 390.000 cựu chiến binh tham gia Đại chiến thế giới II còn sống. Họ là những nhân chứng sống với một thời kỳ lịch sử đáng nhớ nhất của nhân loại.

"Thế hệ vĩ đại nhất" ở Việt Nam

Những người đầu tiên của thế hệ vĩ đại nhất bước vào tuổi thiếu niên đã được sống một cuộc đời khá sôi động vì những thay đổi của thế giới bên ngoài và các sự kiện lịch sử lớn lao trong nước. Tuy nhiên, cuộc sống của họ hết sức khó khăn bởi chế độ áp bức của thực dân Pháp và sự hà khắc của giai cấp địa chủ phong kiến.

Trên thế giới, các nước thắng trận trong chiến tranh thế giới lần thứ I đã phân chia lại thế giới, thiết lập một trật tự thế giới mới theo hệ thống Versailles – Washington. Tuy nhiên, trong hệ thống này các nước Nhật Bản, Đức và Italia không thỏa mãn nên trật tự này bị phá vỡ.

Cách mạng tháng Mười Nga thành công năm 1917 đã có sức động viên lớn đến phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa ở phương Đông và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống giới chủ tư sản ở các nước phương Tây. Ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười ngày càng tăng ở Việt Nam.

Bị thiệt hại nặng nề bởi chiến tranh, thực dân Pháp mở ra cuộc khai thác lần thứ hai với các thuộc địa, trong đó, Việt Nam đã nằm trong kế hoạch khai thác triệt để của chúng.

Về công nghiệp, Pháp tăng cường vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong giai đoạn 1924-1929, vốn đầu tư của Pháp đã gấp 6 lần so với vốn đầu tư vào Việt Nam 20 năm trước chiến tranh. Một số ngành được mở ra, chủ yếu là công nghiệp chế biến kẽm, thiếc, sản xuất tơ sợi, gỗ, diêm, đường và xay xát gạo.

Pháp độc chiếm thị trường ở Đông Dương, lập hàng rào thuế quan hết sức chặt chẽ với hàng từ các nước vào Việt Nam, còn hàng hóa Pháp vào Đông Dương hoàn toàn miễn thuế.

Đối với dân Việt Nam, Pháp chủ trương tăng các loại thuế khiến quần chúng lao động khốn khó. Ngân hàng Đông Dương bắt đầu in tiền giấy.

Về giáo dục, Pháp đã cho mở trường nhiều hơn, từ tiểu học, trung học, cao đẳng đến đại học, song chủ yếu là đào tạo những viên chức phục vụ chính quyền cai trị của Pháp, làm tay sai đắc lực cho chúng.

Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét, số trường học do Pháp mở ra còn thua xa số các nhà tù dành cho những người chống đối chúng. Nội dung giáo dục trong nhà trường thì 99% là phản động, còn 1% là phản khoa học.

Sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp càng tăng thì các cuộc chống đối của người dân Việt càng mở rộng và quyết liệt.

Sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương học vẽ. Ảnh: Tư liệu năm 1925

Sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương học vẽ. Ảnh: Tư liệu năm 1925

Từ năm 1919 đến năm 1925, có những sự kiện lịch sử sau đây:

Năm 1923, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Lâm Đức Thụ đã lập ra tổ chức Tâm Tâm Xã hay còn gọi là Tân Việt Thanh niên Đoàn. Đây là một tổ chức cách mạng của những thanh niên yêu nước.

Tâm Tâm Xã đã kêu gọi đồng bào thức tỉnh để đấu tranh giải phóng kiếp nô lệ. Để gây thanh thế, Tâm Tâm Xã chủ trương ám sát Merlin – Toàn quyền Đông Dương - khi hắn tới nghỉ tại khách sạn Victoria ở Quảng Châu (Trung Quốc).

Lê Hồng Phong đã dùng bom để diệt hắn, nhưng ý định không thành. Lê Hồng Phong hi sinh, để lại danh tiếng lẫy lừng trong quần chúng.

Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, thuyết phục những thành viên của Tâm Tâm Xã tham gia thành lập Việt Nam Thanh niên Đồng chí Hội (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Vì thế, đến năm 1925, Tâm Tâm Xã tự giải tán.

Ngày 14/7/1925, một số sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương cùng một số tù chính trị cũ ở Trung Kỳ đã thành lập Hội Phục Việt, rải truyền đơn đòi nhà cầm quyền Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (11/1925).

Hội đổi tên nhiều lần trong quá trình hoạt động, và cuối cùng đã đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng (7/1928). Đây là Đảng của những thanh niên, sinh viên và những trí thức trẻ thuộc tầng lớp tiểu tư sản.

Cùng với Hội Phục Việt, trong giai đoạn này còn có nhiều tổ chức hoạt động chính trị được thành lập như Hội Hưng Nam ,Việt Nam Nghĩa Đàn, Thanh niên Cao vọng, Đảng lập Hiến…

Ngày 25/12/1927, Nguyễn Thái Học đã lập ra Việt Nam Quốc dân Đảng. Đồng chí của Nguyễn Thái học gồm nhiều người như Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Hồ Văn Mịch…

Năm 1930, Nguyễn Thái Học đã tổ chức khởi nghĩa ở Yên Bái và ở một số tỉnh. Ở Hà Nội, Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức ném lựu đạn để phối hợp với Yên Bái. Cuộc khởi nghĩa ở các nơi nhanh chóng bị dập tắt, nhiều đảng viên Quốc dân Đảng bị bắt.

Ngày 17/6/1930, Nguyễn Thái Học cùng với Bùi Tử Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hồ Văn Lạo, Đoàn Văn Nhít, Nguyễn Văn Du, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Sử, Bùi Văn Cửu… bị Pháp đem xử chém.

Thế hệ vĩ đại nhất đã lớn lên trong không khí cách mạng sục sôi, và nhiều người trong số họ đã trở thành những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử.

Bảng 5. Một số nhân vật tiêu biểu của thế hệ vĩ đại nhất ở Việt Nam

Trường Đại học Đông Dương xưa ở Hà Nội. Ảnh; Tư liệu

Trường Đại học Đông Dương xưa ở Hà Nội. Ảnh; Tư liệu

Thế hệ vĩ đại nhất ở nước ta hầu như đến nay đã vắng bóng trong xã hội, vì nếu còn có ai đó sống thọ đến năm 2024 thì người trẻ nhất sẽ trên 100 tuổi, và người có tuổi cao nhất ở độ tuổi 114 tuổi.

Đây là một thế hệ của những người tham gia vào các phong trào cách mạng để giải phóng dân tộc. Họ trưởng thành trong phong trào cộng sản mà vị lãnh tụ vĩ đại là Hồ Chí Minh. Rất nhiều người đã trở thành các tướng lĩnh tài ba, góp phần không nhỏ cho 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều người trở thành các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đông đảo người là những doanh nhân trong Khoa học Kỹ thuật, Y học, Văn học, Nghệ thuật… Một số khác đã trở thành anh hùng liệt sĩ, đời đời vẻ vang.

Đây là một thế hệ có công với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Họ đã phục vụ hết mình cho nền độc lập đất nước, tự do cho đồng bào, cho sự thống nhất nước nhà.

Tên tuổi họ được ghi trong lịch sử, ở các pho sách về Danh nhân đất Việt, trong các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Nhiều đường phố ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… đã mang tên của họ.

GS.TS Phạm Tất Dong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/the-he-vi-dai-nhat-su-xuat-hien-cua-ho-thay-doi-dien-mao-the-gioi-nhu-the-nao-179240709124038044.htm