Thế hệ X - biểu tượng của tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp

Thế hệ X (Generation X) là nhóm nhân khẩu được sinh ra trong khoảng 15 năm từ 1965 đến 1980. Đây là thế hệ đầu tiên được tiếp xúc với công nghệ thông tin, có tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp rất rõ rệt.

65 triệu người Mỹ nằm trong nhóm tuổi Gen X, chủ nghĩa cá nhân là đặc điểm xác định của Gen X—điều này được minh họa bằng tinh thần kinh doanh rõ rệt của thế hệ này. Minh họa: Visual Capitalist

65 triệu người Mỹ nằm trong nhóm tuổi Gen X, chủ nghĩa cá nhân là đặc điểm xác định của Gen X—điều này được minh họa bằng tinh thần kinh doanh rõ rệt của thế hệ này. Minh họa: Visual Capitalist

Thế hệ X trên thế giới

Cụm từ Thế hệ X (Gen X) lần đầu được sử dụng bởi một nhiếp ảnh gia Thế chiến II, tên là Robert Capa. Song thuật ngữ này được dùng phổ biến sau khi tiểu thuyết "Generation X: Tales for an Accelerated Culture" (Thế hệ X: Truyện ngắn về nền văn hóa tăng tốc) của Douglas Coupland, xuất bản năm 1991. Về sau, Gen X còn được dùng để chỉ về một nhóm người trưởng thành trong thời kỳ xã hội với một nền kinh tế không chắc chắn.

Gen X còn được gán cho nhiều tên gọi khác như Latchkey (Thế hệ tự xoay sở), Baby Bust Gen (Thế hệ giảm sinh), Gen MTV (Thế hệ Truyền hình cáp)…

Ở nhiều quốc gia, Gen X là nhóm dân số có tỷ lệ nhỏ nhất. Có thể, trong những năm 1965-1970, những hậu quả do Thế chiến II để lại lúc này mới tạo ra nhiều khó khăn trong cuộc sống nên hiện tượng bùng nổ trẻ sơ sinh lắng xuống, Gen X không còn là những lứa người được sinh ra trong tình trạng tăng dân số như trước.

Trong giai đoạn này, phụ nữ đi làm ngày càng đông, làm giảm đi tỷ lệ phụ nữ nội trợ trong các gia đình. Cũng ở giai đoạn này, các công nghệ bắt đầu thay đổi nhanh chóng. Tình trạng li hôn trong nhiều gia đình đã diễn ra nhiều hơn trước.

Cùng với sự chứng kiến các sự kiện lịch sử như chiến tranh lạnh, các cuộc biểu tình xã hội, sự thay đổi vai trò giới tính và gia đình, Gen X tiếp cận sớm với Internet và sự phát triển công nghệ thông tin.

Khác với thế hệ Baby Boomer, thế hệ X năng động và tháo vát, thích ứng nhanh với công việc, mà lợi thế của họ là được sống trong điều kiện của xã hội thông tin đang hình thành.

Thế hệ X được đánh giá cao ở những phương diện sau đây:

Đặc điểm về tính cách

Tính độc lập:

Nhiều người thuộc thế hệ X theo chủ nghĩa cá nhân coi trọng sự tự do và có ý thức không lùi bước trước thử thách. Tính độc lập này giúp họ thường hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Khi làm việc, họ không thích bị giám sát quá chặt chẽ, muốn được làm theo cách của mình, có xu hướng hướng đến công bằng giữa công việc và cuộc sống, tức là muốn có thời gian dành cho cá nhân mình và gia đình mình.

Làm quen nhanh với công nghệ

Ở những quốc gia phát triển, quãng thời gian cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, công nghệ Analog bắt đầu chuyển sang công nghệ kỹ thuật số.

Sự ra đời của điện thoại di động và Internet đã giúp họ nhanh chóng làm quen và có kỹ năng sử dụng những thiết bị công nghệ đa dạng như máy tính bàn, máy tính bảng.

Tính cách đa dạng

Thế hệ X có tính cởi mở và đông đảo người trong nhóm nhân khẩu này biết chấp nhận sự đa dạng và khác biệt. Cũng không ít người có xu hướng cực đoan.

Đầu óc thực tế

Do trải qua sự suy thoái kinh tế nên thế hệ X là những người thiết thực trong cuộc sống. Chính vì vậy, trước công việc, họ đặt ra những mục tiêu rõ ràng, tìm những giải pháp khả thi. Đây là tính cách quan trọng của người có xu hướng làm công tác quản lý và kinh doanh.

Tham vọng

Thế hệ X thường không ngại thử thách, không thích sống kiểu an toàn do đầu óc muốn mạo hiểm để phát triển. Ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nhiều người thuộc thế hệ X mở ra các doanh nghiệp, đi tiên phong trong cải tiến kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin. Cách thức làm việc của họ có những điểm khác biệt với thế hệ trước.

Với những đặc điểm tính cách như trên, thế hệ X khi trưởng thành đã có vai trò khá quan trọng đối với sự phát triển kinh tế.

Những tác động của vai trò với nền kinh tế mà thế hệ X thể hiện:

Kinh tế tiêu dùng

Thế hệ X có ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiêu dùng ở các lĩnh vực sức khỏe, giải trí và gia đình. Họ khó tính hơn thế hệ trước khi đánh giá chất lượng và giá trị hàng hóa, và do đó, các nhà cung cấp đã phát triển mạnh các lĩnh vực công nghiệp đáp ứng nhu cầu về hàng hóa của họ. Mặt khác, thế hệ X có khả năng tiêu dùng mạnh nhờ thu nhập ổn định hơn so với thế hệ Baby Boomer.

Lao động và lãnh đạo

Khi trưởng thành, nhiều người thuộc thế hệ X giữ những vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp và các tổ chức. Họ có kiến thức chuyên môn để từ đó tạo ra sự phát triển của doanh nghiệp. Họ được xã hội đánh giá cao về khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh.

Chuyển giao tri thức

Thế hệ X có vai trò quan trọng trong việc chuyển giao tri thức từ thế hệ trước và tiếp nhận tri thức từ thế hệ sau. Khi họ ở cương vị quản lý, họ có khả năng hướng dẫn các nhân viên trẻ góp phần làm tăng hiệu suất doanh nghiệp nhờ vào những tri thức họ được chia sẻ.

Khả năng thích nghi công nghệ

Mặc dù không sinh ra trong môi trường kỹ thuật số và chỉ tiếp xúc với công nghệ khi họ trưởng thành, nhưng họ có khả năng thích nghi và sử dụng công nghệ hiện đại. Chính từ đó, họ trở thành cầu nối giữa các thế hệ và làm việc hiệu quả trong môi trường công nghệ phát triển liên tục ở đầu thế kỷ XXI.

Nhiều công trình nghiên cứu về thế hệ X cho thấy, trong thế hệ này có nhiều CEO nổi tiếng và thành công. Đây là thế hệ tham gia vào thời kỳ khởi nghiệp và sự bùng nổ của các công ty công nghệ.

Nghiên cứu của Korn Ferry, trong năm 2023, 37% CEO của các công ty Fortune 500 là thế hệ X.

Một số CEO nổi tiếng toàn cầu mà chúng ta thường nghe danh là:

Jeff Bezos: Người sáng lập và từng là CEO của Amazon, một trong những công ty công nghệ thành công nhất thế giới.

Elon Musk: CEO của các công ty SpaceX, Tesla, Neuralink với những ý tưởng đột phá trong ngành công nghiệp công nghệ và năng lượng.

Satya Nadella: CEO của Microsoft - một trong những công ty phần mềm quan trọng nhất thế giới.

Sundar Pichai: CEO của Google, một trong những công ty công nghệ hàng đầu có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Thế hệ X có tuổi thơ giản dị, tham gia các trò chơi ngoài trời với nhóm bạn, thường đọc sách in, xem phim, nghe nhạc…, không suốt ngày có chiếc điện thoại thông minh trên tay như trẻ thế hệ Z và Alpha bây giờ.

Có điều đặc biệt là thế hệ X có quan niệm về hôn nhân không như thế hệ Baby Boomer, tỷ lệ li hôn của họ khá cao, gấp đôi thế hệ trước.

Thế hệ X là một đối tượng nghiên cứu của nhiều công ty thời trang, giải trí, ăn uống… Trong các lĩnh vực này, họ tỏ ra có nhiều khác biệt với thế hệ cha anh, là khách hàng khó tính hơn, khiếu thẩm mỹ cũng khác đi nhiều. Mặt khác, họ có lối sống thực tế, năng động, sáng tạo, chịu khó học, biết sống kết nối đa dạng trên mạng với bạn bè và giải trí trực tuyến.

Thế hệ X Việt Nam

Thế hệ X ở Việt Nam giai đoạn 1965-1975 sống trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, nhân dân hai miền Nam - Bắc đang sát cánh chiến đấu, thực hiện chiến lược "Động viên lực lượng của cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào" theo Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XII (khóa III).

Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 bắn rơi tại chỗ 4 máy bay B52 trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 bắn rơi tại chỗ 4 máy bay B52 trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Mỹ đã huy động một lực lượng quân sự đông đảo và một khối lượng khổng lồ vũ khí, khí tài kỹ thuật loại hiện đại nhất vào cuộc chiến tranh xâm lược này.

- Khoảng 3.000.000 lượt quân Mỹ sang miền Nam VIệt Nam. Năm 1968-1969, có mặt ở miền Nam trên 638.000 lính Mỹ.

- 75 kiểu loại máy bay hiện đại được sử dụng. Số máy bay lên tới 1270 chiếc các loại.

- 65 tàu chiến và tàu đổ bộ được huy động, trong đó có 5 tàu sân bay.

- 24 tiểu đoàn thiết giáp (trong đó có 950 xe tăng), 1412 khẩu pháo.

- Sử dụng 7.882.547 tấn bom, 45.260 tấn thuốc độc hóa học, 338.000 tấn bom napalm.

Ở miền Nam, quân dân Việt Nam đã đập tan 4 chiến lược quân sự của 5 đời tổng thống Mỹ, tiêu diệt và làm bị thương 905.537 lính Mỹ và chư hầu, phá hủy hơn 46.500 máy bay các loại, hơn 13.000 khẩu pháo, 38.000 xe tăng và xe bọc thép, 10.000 tàu xuồng chiến đấu.

Ở miền Bắc, quân dân Việt Nam đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại (Chiến dịch sấm rền 1964-1968 và Chiến dịch Linebacker 1972-1973), bắn rơi 4181 máy bay gồm 48 kiểu loại hiện đại, diệt và bắt sống hàng ngàn phi công, bắn cháy và bắn chìm 271 tàu chiến và tàu biệt kích.

Những trẻ em từ 1 đến 10 tuổi (1965-1975) của thế hệ X đã hoàn toàn sống trong chiến tranh. Nhiều trẻ thế hệ này đã chết và bị thương bởi bom đạn. Những trẻ thế hệ X được sinh ra từ 1976-1980 bắt đầu được sống trong một nước Việt Nam hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thế hệ X ở Việt Nam lại tiếp tục sống với những khó khăn mới, hết sức gay gắt và căng thẳng.

Những sự kiện tạo ra đời sống khó khăn của Thế hệ X

1. Cuộc chiến biên giới Tây Nam

Ngày 21/12/1978, quân lính Khmer Đỏ tấn công lãnh thổ Nam Việt Nam, dọc theo biên giới Tây Nam và biên giới phía Đông Thái Lan. Phía Việt Nam đã huy động tới 180.000 quân nhân với khoảng 20.000 quân của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia. Phía Khmer Đỏ Campuchia đã dùng tới 23 sư đoàn với gần 200.000 lính, trong đó có 19 sư đoàn tấn công vào Việt Nam.

Sau hơn 10 năm, ngày 26/9/1989 cuộc chiến mới kết thúc, chế độ diệt chủng Pôn Pốt bị tiêu diệt. Tính ra, phía Việt Nam bị tổn thất 55.300 người (cả quân nhân và dân thường). Nhiều làng mạc, nhà cửa bị phá hoại. Phía Khmer Đỏ có trên 100.000 lính bị chết, hàng chục ngàn dân chết vì bệnh tật hoặc thiếu thốn.

Cuộc chiến mang lại hệ lụy nhiều mặt, mất nhiều thời gian để phục hồi.

2. Cuộc chiến biên giới phía Bắc

Cuộc chiến này xảy ra gần như đồng thời với cuộc chiến biên giới Tây Nam. Đây là cuộc chiến ngắn ngày, nhưng đẫm máu và sự tàn phá rất nặng nề.

Ngày 19/2/1979, quân đội Trung Quốc nhất loạt tấn công vào các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.

Phía Trung Quốc đã huy động hơn 600.000 bộ binh (7 quân đoàn với 21 sư đoàn tác chiến và 9 sư đoàn dự bị), 400 xe tăng và hàng vạn dân công hỗ trợ. Cuộc chiến đã làm cho 26.000 binh lính Trung Quốc tử trận, 37.000 bị thương, 280 xe tăng bị phá hủy.

Phía Việt Nam huy động hơn 100.000 quân chính quy và 150.000 dân quân, tự vệ (7 sư đoàn, 15 trung đoàn độc lập, biên phòng và dân quân tự vệ). Hơn 10.000 dân thường bị giết hại. Nhiều thành phố, thị trấn, làng mạc bị phá hoại nặng nề.

Chiến tranh kết thúc, nhưng các xung đột quân sự vẫn tiếp diễn cả chục năm sau đó.

3. Cuộc khủng hoảng kinh tế

Cuộc khủng hoảng này đã có nguy cơ tiềm ẩn từ năm 1977 và bùng nổ vào năm 1979. Đây là một hiện tượng suy thoái kéo dài nhiều năm, diễn ra trên 4 phương diện sau:

Tăng trưởng kinh tế thấp

Thời kỳ 1977-1980, GDP chỉ tăng 0,4%/năm khiến GDP bình quân/đầu người sụt giảm (giảm 1,87%/năm), nền kinh tế "tăng trưởng âm".

Lạm phát phi mã kéo dài

Tình trạng chênh lệch giữa giá trong và ngoài ngày càng lớn. Năm 1985, cuộc cải cách "Giá - Lương - Tiền" sai lầm, gây ra siêu lạm phát. Suốt từ năm 1988 đến hết năm 1989, lạm phát kéo dài ở 3 con số (đỉnh cao là 774,7%). Đến năm 1990, lạm phát mới hạ xuống 2 con số.

Thất nghiệp cao

Tỷ lệ thất nghiệp có năm lên tới 12,7% tổng số lao động. Do quy mô sản xuất thấp và giảm, dân số tăng, bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái chỉ có 86 USD.

Cán cân thanh toán mất cân đối

Sản xuất chỉ đạt 80-90% nhu cầu trong nước. Một phần quỹ tiêu dùng phải dựa vào viện trợ và vay nợ nước ngoài.

Vì thế, thế hệ X ở Việt Nam không chỉ chứng kiến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cực kỳ gian khổ, mà còn lớn lên trong 3 sự kiện nói trên. Nhìn chung, đây là thế hệ có tuổi thơ đầy những khó khăn trong xã hội. Sự trì trệ của kinh tế đã kéo theo những khó khăn về văn hóa, giáo dục. Trong những năm 1979-1985, rất nhiều trường học lao đao vì thầy giáo bị nợ lương nhiều tháng liền, phải bỏ trường làm việc khác để kiếm sống.

Học sinh trung học ở nhiều địa phương cũng bỏ học để tìm kiếm việc làm cứu đói cho gia đình. Tại nhiều xã, cơ sở nuôi dạy trẻ và mẫu giáo bị "trắng" vì các cô bảo mẫu và giáo viên không có lương.

Việc học hành của thế hệ X của chúng ta bị thiệt thòi quá nhiều.

6 tỉ phú của Việt Nam hiện nay (từ trái qua): Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Đình Long, Trần Bá Dương, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang. Nguồn: Forbes

6 tỉ phú của Việt Nam hiện nay (từ trái qua): Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Đình Long, Trần Bá Dương, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang. Nguồn: Forbes

Nhìn lại sự trưởng thành của thế hệ X

- Khi Thế hệ X của nhiều quốc gia được gọi là thế hệ truyền hình cáp thì ở miền Nam, lứa trẻ đầu tiên của thế hệ X mới biết TV trắng - đen, còn ở miền Bắc, Radio bóng điện từ còn là hàng xa xỉ.

Năm 1976, TV trắng - đen ở miền Bắc mới bắt đầu phát tin hàng ngày. Mãi đến năm 1986, Việt Nam mới có truyền hình màu hoàn toàn, việc tiếp cận và sử dụng phương tiện thông tin hiện đại của thế hệ X là khá muộn.

- Tháng 12/1986, Đại hội VI của Đảng đưa ra nghị quyết đổi mới nền kinh tế, và làn gió đổi mới đã làm thay đổi nhanh chóng nền giáo dục. Nhờ đó, thế hệ X đã được thụ hưởng những tiến bộ của nền giáo dục phục vụ kinh tế thị trường, Thế hệ X đã tỏ ra là những lứa học sinh, sinh viên học tập thông minh và chăm chỉ. Nhờ đó, nhiều người thuộc thế hệ X ở nước ta đã thành đạt.

- Tính đến năm 2025, những người đầu tiên của thế hệ X sẽ vào tuổi về hưu, còn lứa cuối cùng ở thế hệ đang ở độ tuổi 45, nghĩa là, họ đang sung sức trong lao động, khá nhanh chóng và tháo vát.

Trong lĩnh vực khoa học, Ngô Bảo Châu (sinh năm 1972) là một người thành đạt tiêu biểu. Ông là người đã được Huy chương Fields năm 2010, là giáo sư khoa Toán, Đại học Chicago (Hoa Kỳ), là nhà toán học Pháp - Việt, nhận Huân chương Bắc Đẩu bội tinh.

Trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều người thuộc thế hệ X của chúng ta trở thành những doanh nhân nổi tiếng trên thế giới. Trong số này có thể kể đến những nhân vật sau:

Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970, Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet.

Hồ Hoàng Anh sinh năm 1970, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank.

Đặng Lê Nguyên Vũ sinh năm 1971, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên.

Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) sinh năm 1972, Chủ tịch CENINVEST.

Trần Trọng Kiên sinh năm 1973, Chủ địch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh, Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động.

Nguyễn Hòa Bình sinh năm 1981, Chủ tịch Tập đoàn NextTech.

Bên cạnh những nhân vật trên, thế hệ X còn có nhiều người giữ nhiều cương vị quản lý hoặc chuyên môn trong các ngành văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học, y học, an ninh và quốc phòng.

GS.TS Phạm Tất Dong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/the-he-x-bieu-tuong-cua-tinh-than-kinh-doanh-khoi-nghiep-179240725124937305.htm