Thế hệ Y - xa lộ thông tin và cơ hội tăng tốc của các cá nhân nhạy bén

Những người thuộc thế hệ Y đang ở độ tuổi 28 đến 44 và là lực lượng lao động chính ở mọi quốc gia. Sự trưởng thành của họ gắn liền với thời đại thông tin. Họ rất thoải mái sử dụng các thiết bị số và mạng xã hội.

Thế hệ Y là gì?

Thế hệ Y (Generation) còn được gọi là thế hệ Millennials, thế hệ Thiên niên kỷ. Họ còn được gán cho nhiều tên gọi khác, như thế hệ Peter Pan (Tên của nhân vật được hư cấu), Thế hệ Boomerang hay thế hệ WE, Thế hệ Next, Thế hệ Me hay thế hệ 8X-9X.

Nhóm nhân khẩu này xuất hiện trong khoảng thời gian 15 năm (1980-1996). Do sự gia tăng đột biến của tỷ lệ sinh trong thập niên 1980-1989 nên cũng có khi người ta gọi thế hệ Y là "Echo Boomer", hơn nữa, phần lớn họ là con của thế hệ Baby Boomer.

Trong các cuốn sách "Generation: The History of America's Future, 1584 to 2064 (1991) và "Millennials Rising: The Next Great Generation (2050)", William Strauss và Neil Howe đã gọi thế hệ Y là Millennials bởi những đứa trẻ sinh năm 1982-1983 bước vào cơ sở nhà trẻ và lớp đầu của mẫu giáo. Các phương tiện truyền thông bắt đầu nói về lũ trẻ này trong mối liên kết của chúng với thiên niên kỷ mới.

Sự trưởng thành của thế hệ Y gắn liền với thời đại thông tin.

Sự trưởng thành của thế hệ Y gắn liền với thời đại thông tin.

Thế hệ Y là những ai?

Thời điểm năm 2024, những người trong thế hệ này đang ở độ tuổi 28 đến 44. Họ đang là lực lượng lao động chính ở mọi quốc gia. Sự trưởng thành của họ gắn liền với thời đại thông tin. Họ rất thoải mái sử dụng các thiết bị số và mạng xã hội.

Ở giai đoạn chuyển giao thế kỷ, Thế hệ Y vẫn là thế hệ xem TV (có đến 95%), đồng thời, họ bắt đầu thích các chương trình truyền hình trực tuyến với nhiều video bản quyền, không thích chương trình TV có nhiều quảng cáo làm gián đoạn quá trình xem phim.

Được tiếp xúc với công nghệ từ sớm và va chạm với nhiều văn hóa trên thế giới, thế hệ Y có nền tảng kiến thức tốt. Họ không còn là "low-tech" như thế hệ đàn anh của mình. Được lớn lên trong giai đoạn khởi đầu của công nghệ thông tin và toàn cầu hóa, họ đã có cách nhìn vào nền văn hóa và sự phát triển của xã hội thông tin khác với thế hệ X.

Theo tài liệu của TeamStage, thế hệ Y chiếm 75% lực lượng lao động toàn cầu cho đến năm 2025. Họ là một thế lực mạnh mẽ cho những doanh nghiệp tương lai. Với thế hệ Y, trong việc làm, họ chú trọng kết quả hơn là quá trình. Khi làm việc vượt thời gian dự kiến, họ càng hăng hái để làm hơn những gì đã dự định.

Một nét tâm lý đặc biệt của thế hệ Y là không ngại bước ra khỏi vùng an toàn. Chính vì thế, đây là thế hệ bắt đầu có nhiều người "nhảy" việc. Dễ tự ái và hay thay đổi là cơ sở để chuyển việc làm, tìm đến những hoạt động mới mẻ. Vì thế, họ cũng là lớp người kỳ vọng vào việc học tập.

Khái quát các đặc điểm ở thế hệ Y

- Nền tảng xã hội được yêu thích: Yahoo, Facebook, Twitter.

- Thời gian sử dụng mạng xã hội trong ngày: ≥ 3,8 giờ.

- Phương thức liên lạc chính: Tin nhắn điện thoại, mạng xã hội.

- Mua bán: Quan tâm đến giá cả.

- Yếu tố công việc lý tưởng: Cân bằng đời sống - sự nghiệp.

Với những cá nhân và những gia đình mà người lớn thuộc thế hệ Y, họ có lối sống rất khác với những thế hệ cha anh.

Trước hết, họ thích làm việc với nhiều trải nghiệm và những hoạt động theo nhóm. Trong đời sống hàng ngày, họ thích những hoạt động vui chơi giải trí, thích sự ồn ào, đông người, thích những điệu nhảy mạnh mẽ, thích âm nhạc có bộ gõ mạnh, âm lượng lớn.

Họ rất thích du lịch.

Người thế hệ Y mua hàng ít chịu ảnh hưởng của quảng cáo bởi họ cần giày, quần áo, thắt lưng… có chất lượng tốt do chính họ tự chọn, và hơn cả là dùng chúng họ thể hiện được cá tính (cái riêng) của mình.

Các công trình nghiên cứu khái quát đặc điểm chung nhất của thế hệ Y như sau:

Họ tìm kiếm sự cân bằng trong đời sống, giữa công việc và cuộc sống cá nhân, hướng đến sự cân bằng ấy bền vững. Sự cân bằng ấy sẽ bảo đảm họ hoàn thành tốt công việc, nhưng vẫn theo đuổi được những mục đích cá nhân; vì thế, số đông thích công việc có những thời gian linh hoạt hơn là công việc ngồi một chỗ nhưng lương cao. Họ cũng là những người quan tâm đến gia đình.

Người Gen Y nhìn chung sống lạc quan và cởi mở. Cuộc suy thoái kinh tế 2018 đã làm cho họ phải thay đổi quan điểm với cuộc sống và tiếp nhận những lối tư duy mới để thích ứng với môi trường xung quanh.

Được học hành tốt hơn thế hệ X, đời sống được cải thiện nhiều, lại có những quan hệ giao tiếp rộng với người trong nước và người nước ngoài, họ có thái độ cởi mở và quan tâm nhiều đến những mối quan hệ xã hội.

Trong các hoạt động thế hệ này thích tìm kiếm trải nghiệm và đa dạng. Nhiều thanh niên của thế hệ được đi học nước ngoài hoặc đi du lịch thế giới nên họ hòa nhập nhanh vào các nền văn hóa khác.

Thế hệ Y có xu hướng tự lập và đa nhiệm, muốn tự kiểm soát và quản lý cuộc sống cá nhân. Nhiều người được nhận những chương trình đào tạo có tính khai phóng, khởi nghiệp nên họ khá năng động khi cần phải chuyển nghề. Nhờ có kỹ năng tốt trong sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, họ dễ dàng chuyển dịch vụ từ tác vụ này sang tác vụ khác.

Sống trong xã hội có hệ thống giáo dục mở đang từng bước phát triển, nhiều người thế hệ Y nhận thức được rằng học tập là một cách đầu tư cho bản thân. Chính do học tập nhiều hơn thế hệ trước, họ thích ứng nhanh những vị trí làm việc đa nhiệm.

Làm việc đa nhiệm xuất hiện cùng với thế hệ Y mang đến sự lầm tưởng rằng một người có thể làm việc hiệu quả nhiều việc cùng lúc.

Làm việc đa nhiệm xuất hiện cùng với thế hệ Y mang đến sự lầm tưởng rằng một người có thể làm việc hiệu quả nhiều việc cùng lúc.

Một trong những yếu tố giúp cho khá đông người thuộc thế hệ Y phát triển là họ dám vượt ra khỏi vùng an toàn, không chấp nhận cuộc sống yên ổn nhưng không thể đổi mới công việc và đổi mới chính bản thân mình. Nhiều người của thế hệ X và trước nữa không muốn và không dám bước qua vùng an toàn; nếu muốn không ít người thiếu nghị lực để đi qua vùng sợ hãi, do đó, họ trở lại cuộc sống yên ổn và tẻ nhạt ở vùng an toàn. Dám ra khỏi vùng an toàn là một tính cách của thế hệ Y.

Vào giai đoạn sinh thành của thế hệ Y, trên thế giới có nhiều sự kiện, nhất là những chiến tranh cục bộ. Trong các cuộc chiến này, chỉ những quốc gia xung đột vớt nhau thì trẻ em thế hệ Y chịu ảnh hưởng, chứ không giống như những ảnh hưởng toàn cầu do chiến tranh thế giới gây ra.

1982: Israel xâm lược Liban và cuộc xung đột Falkland giữa Argentina với Anh quốc.

1983: Mỹ xâm lược Grenada; Nội chiến thứ 2 ở Sudan.

1986: Nội chiến tại Nam Yemen.

1989: Nội chiến Liberia lần thứ nhất.

1992: Chiến tranh Bosnia bùng nổ.

1994: Chiến tranh Chechnya lần thứ nhất bắt đầu.

1996: Chiến tranh Congo.

Trẻ em thế hệ Y từ 1 tuổi tới tuổi 15 ở các quốc gia có chiến sự trên đều phải hứng chịu những tai họa của các cuộc xung đột như chết chóc, thiếu ăn, thương tật, thiếu thuốc chữa bệnh…

Cũng trong 15 năm này, ở nhiều quốc gia khác có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Về khoa học, một số phát minh quan trọng được ứng dụng. Những đứa trẻ thế hệ Y đầu tiên ra đời vào đúng dịp tàu con thoi (Space Shuttle) của Mỹ bay chuyến đầu tiên. Đó là hệ thống tàu vũ trụ quỹ đạo thấp có thể tái sử dụng. Đây là một chiến bay thử được phóng đi từ Trung tâm vũ trụ Kenedy (KSC). Từ chuyến bay thứ hai các con tàu đã phóng vệ tinh, tàu thăm dò và kính viễn vọng không gian Hubble, thực hiện các thí nghiệm khoa học vũ trụ, tham gia xây dựng và bảo dưỡng Trạm vũ trụ quốc tế.

Người cuối cùng của thế hệ Y ra đời cùng với con cừu Dolly (1996), hay còn gọi là cừu nhân bản vô tính. Đó là một bước tiến phá vỡ quy luật tự nhiên để tạo ra một sinh vật có vú, một phiên bản sao chép chính xác của nguyên mẫu gốc.

Hai sự kiện khoa học lớn về công nghệ vũ trụ và công nghệ sinh học nói trên đã mở đầu và kết thúc giai đoạn sinh thành của thế hệ Y.

Thế hệ Y ở Việt Nam không có cái may mắn như thế hệ Y ở một số nước trên thế giới có đời sống hòa bình để tăng nhanh sự phát triển.

Năm 1981, khi đứa trẻ đầu tiên ra đời ở Việt Nam thì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng được tổ chức để bàn khắc phục những hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế và những hệ lụy của 2 cuộc chiến biên giới Tây Nam và phía Bắc. Sự nôn nóng, muốn đốt cháy giai đoạn của một số cán bộ và cơ quan thực thi nghị quyết này đã làm cho đời sống xã hội gặp nhiều khó khăn. Sản xuất bị đình đốn, đời sống của người dân có chiều hướng đi xuống xuất hiện từ cuối năm 1979 và đầu năm 80, rồi tiếp tục ở mấy năm sau.

Năm 1980, lương thực bình quân trên đầu người chỉ còn 229kg (năm 1976 là 337kg/người). Việc trồng cây công nghiệp vào các năm 1981-1982 bị giảm mạnh. Ở nhiều tỉnh bắt đầu thí điểm khoán sản phẩm cây màu và một số ngành nghề. Việc khoán sản phẩm lại ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăn nuôi đàn lợn tập thể. Đến năm 1982, và năm 1985, các trại chăn nuôi của hợp tác xã nông nghiệp của một tỉnh đã bị giải thể hoàn toàn.

Chỉ cần nhắc tới một vài khó khăn đó ta cũng đủ thấy việc nuôi dạy lớp trẻ thế hệ Y từ 1 tới 5 tuổi khó khăn đến chừng nào.

Năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã được tổ chức. Đại hội đã đưa ra Nghị quyết đổi mới toàn diện đất nước. Tuy bước đầu có những khó khăn nào đó về nhận thức và cách làm, nhưng cuối cùng thì đổi mới như một luồng gió đã tạo nên những thay đổi ngày càng tuyệt vời. Đất nước được hồi sinh và thế hệ Y ở Việt Nam đã có nhiều cơ hội để phát triển và trưởng thành.

Nhìn lại thế hệ Y với các đánh giá thú vị

Gần đây, Sun Life Việt Nam khảo sát về khả năng phục hồi tài chính trên 8000 người tại 8 thị trường ở Việt Nam, Malaysia, Singapore, Trung Quốc đại lục, khu hành chính Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Kết luận của khảo sát: Thế hệ Y của Việt Nam có khả năng phục hồi tài chính cao nhất, song họ còn thiếu kế hoạch chủ động.

Một nghiên cứu khác cho thấy, những người thuộc Thế hệ Y thu nhập cao hầu như lại có xu hướng tiêu xài vượt quá ngân sách hằng tháng của họ so với những người có thu nhập thấp hơn.

Gần ½ người trưởng thành của thế hệ Y muốn có thêm kiến thức tài chính cá nhân nhưng lại lưỡng lự tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc lời khuyên từ những chuyên gia trong quản lý tài chính.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thế hệ Y cần giữ nguyên tắc chi ít hơn thu và phải biết lên danh sách cho các khoản chi thiết yếu như tiền thuê nhà, ăn uống, mua sắm, gửi tiết kiệm và đầu tư.

Thế hệ Y được tiếp thu một nền học vấn hiện đại, được tiếp cận với sự phát triển thần tốc của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Nhờ vậy, họ có được lượng kiến thức tương đối vững chắc so với thế hệ trước.

Thế hệ Y có nhiều ước mơ, tự tin chinh phục được những thử thách; họ muốn được học hỏi nhiều, sẵn sàng thích nghi với sự đa dạng không chỉ màu da - sắc tộc và còn cả ở lối sống, cách suy nghĩ; họ muốn thu hút sự chú ý bằng dấu ấn riêng của mình.

Thế hệ Y tạo ra một trào lưu sống lành mạnh, chăm lo sức khỏe, nhiều người tham gia các hình thức bảo hiểm sức khỏe, đồng thời, các hoạt động thể thao hiện nay ở Việt Nam đã có khá nhiều những vận động viên xuất sắc.

Những gương mặt thế hệ Y thành công trong khởi nghiệp.

Những gương mặt thế hệ Y thành công trong khởi nghiệp.

Những gương mặt trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực khởi nghiệp ở thế hệ Y

1. Nghiêm Xuân Huy, sinh năm 1991, là Founder Finhay (ứng dụng gửi tiết kiệm online) được Forbes bình chọn năm 2021 trong top 30 doanh nhân trẻ tiêu biểu.

2. Nguyễn Thị Ngọc Huyền, sinh năm 1994, CEO Medlink Asia, kết nối các công ty Dược với các hiệu thuốc.

3. Nguyễn Thị Thu Hà, sinh năm 1994, CEO MindX, giám đốc điều hành của MindX Education, dạy lập trình cho sinh viên đại học và cung cấp những kỹ năng họ còn thiếu khi đi làm.

4. Hoàng Võ Thái Sơn, đồng sáng lập The New Playground, chuỗi cửa hàng bán lẻ thời trang đường phố, được sáng tạo bởi các nhà thiết kế trong nước.

5. Trần Trung Hiếu, sinh năm 1994, CEO TopCV, ngành tuyển dụng số hàng đầu hiện nay.

6. Nguyễn Thành Trung, CEO Sky Mavis/ Axxie Infinity - Là một game hấp dẫn, đồng thời giúp người dùng kiếm tiền bằng cách bán và trao đổi các vật phẩm sở hữu trong game.

7. Phạm Mỹ Linh, đồng sáng lập và là CEO công ty thương mại điện tử Telio, đã cùng với các cộng sự huy động thành công số vốn hơn 51 triệu USD, kết nối hơn 45.000 đại lý bán lẻ.

Forbes đã bình chọn 7 nhân vật trên cùng 23 doanh nghiệp trẻ thành đạt nhất hiện nay.

Thế hệ Y và đột phá trong ngành công nghiệp thời trang, làm đẹp, game.

Thế hệ Y và đột phá trong ngành công nghiệp thời trang, làm đẹp, game.

Những doanh nhân trẻ Việt Nam thế hệ Y đã góp phần phát triển xã hội ở các lĩnh vực sau:

Ứng dụng khoa học, công nghệ vào lĩnh vực kinh doanh, làm tăng chất lượng và chất lượng các việc làm trong nước.

Tham gia tích cực và năng nổ các hoạt động xã hội, thực hiện nhiều dự án vì cộng đồng, làm công tác thiện nguyện, phủ xanh đất trống đồi trọc, tái chế đồ nhựa, dọn rác làm sạch sông ngòi, kênh rạch…

Đóng góp vào nguồn thuế và phát triển kinh tế, sử dụng nguồn thuế để tái đầu tư xây dựng mới hoặc cải tiến cơ sở hạ tầng của các ngành giáo dục, y tế, giao thông.

Thế hệ Y là một lực lượng lao động có vai trò lớn trong sự nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở Việt Nam hiện nay.

GS.TS Phạm Tất Dong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/the-he-y-xa-lo-thong-tin-va-co-hoi-tang-toc-cua-cac-ca-nhan-nhay-ben-179240810173532365.htm