Thế hệ Z: Làn sóng mới trên thị trường lao động Việt Nam
Theo định nghĩa của McKinsey, thế hệ Z là những người trẻ sinh ra trong giai đoạn 1995-2010, đang dần gia nhập lực lượng lao động. Một số chuyên gia nhận định các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần xem xét để khai thác tài năng của làn sóng mới này.
Báo cáo mới của Nielsen với tiêu đề "Cách tương tác với Thế hệ Z của Việt Nam" cho biết, Thế hệ Z sẽ chiếm 25% lực lượng lao động quốc gia vào năm 2025.
Theo đó, Nielsen chỉ ra rằng hầu hết bạn trẻ Thế hệ Z của Việt Nam rất quan tâm đến các vấn đề xã hội như trách nhiệm xã hội, các vấn đề môi trường và bình đẳng giới.
Khảo sát về lựa chọn nghề nghiệp do Adecco Việt Nam công bố vào năm 2019 khẳng định Thế hệ Z của Việt Nam ngay từ khi còn rất trẻ đã luôn thận trọng trong việc lựa chọn cơ hội việc làm. Theo đó, ưu tiên hàng đầu của các bạn trẻ Thế hệ Z khi lựa chọn một công việc đó là 'tiền lương và lợi ích tài chính', theo sau là 'trình độ bằng cấp' và 'sự hài lòng trong công việc'.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 48% người trẻ Thế hệ Z tìm hiểu công việc thông qua mạng xã hội, chỉ khoảng 19% lựa chọn nghề nghiệp thông qua trường học.
Theo một bài báo của Forbes với tiêu đề 'Hiểu về Thế hệ Z Việt Nam', thế hệ này sử dụng trung bình 2,77 nền tảng mạng xã hội mỗi tuần. Tuy nhiên, họ lại có xu hướng sử dụng các nền tảng mạng xã hội ẩn danh nhiều hơn, điển hình như Snapchat.
Đồng thời, theo báo cáo của Dell Technologies với tiêu đề 'Thế hệ Z: Tương lai đã trở thành hiện tại', mặc dù ưu tiên hàng đầu của người trẻ Thế hệ Z khi tìm kiếm việc làm là an toàn công việc và lợi ích tài chính, họ lại ít quan tâm đến việc thăng tiến và chú trọng nhiều hơn đến sự phát triển của công ty họ. Báo cáo cũng chỉ ra rằng 43% Thế hệ Z của Việt Nam muốn làm việc trong các tổ chức có trách nhiệm với xã hội và môi trường.
Nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trong tương lai
Sự tiến bộ của công nghệ và những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động đã thúc đẩy giới trẻ nâng cao kỹ năng của mình nếu không muốn bị tụt hậu. Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), 69,3% thanh niên Việt Nam nhận định họ "cần liên tục nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng hiện tại".
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, các trường nghề tại Việt Nam được yêu cầu đưa các chương trình đào tạo kỹ năng mềm vào chương trình giảng dạy chính. Kỹ năng mềm bao gồm kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện,...
Ngoài giáo dục chính quy, hầu hết Thế hệ Z của Việt Nam cho rằng các chương trình thực tập, câu lạc bộ và công việc bán thời gian đều là các "khóa học" cần thiết.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng tham gia vào việc phát triển nhân tài tại Việt Nam. Tập đoàn Boeing và Quỹ châu Á vừa qua đã công bố chương trình đào tạo nghề trong một năm đối với các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội và Hải Dương, tập trung phát triển kỹ năng công nghệ thông tin. Chương trình sẽ giúp các bạn trẻ có nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực có nhu cầu cao trên thị trường.
Chủ tịch Boeing khu vực Đông Nam Á, ông Skip Boyce nhấn mạnh: "Thanh niên Việt Nam đang chiếm tỷ lệ đáng kể trong lực lượng lao động của đất nước. Do vậy, họ cần có đủ kỹ năng để đáp ứng những thay đổi của thị trường".