Thế hệ Z - những công dân nổi trội thời đại kỹ thuật số
Thế hệ Z lớn lên trong môi trường kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ cùng các xu hướng mới và độc đáo. Đây là lứa tuổi đẹp và sung sức nhất, đầy tiềm năng phát triển trong dân số của các quốc gia.
Thế hệ Z (1997-2012)
Thế hệ Z (Generation Z) là nhóm nhân khẩu có quãng thời gian sinh trưởng từ những năm cuối cùng của thế kỷ XX đến hơn một thập niên đầu thế kỷ XXI. Tính đến năm 2025, người lớn tuổi nhất của thế hệ Z bước vào tuổi 28, còn người trẻ nhất ở vào độ tuổi 13 - lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở.
Họ chưa đóng vai trò lực lượng lao động trụ cột của đất nước, nhưng đầy hứa hẹn cho sự phát triển xã hội kỹ thuật số.
Người ta gán cho thế hệ Z nhiều cái tên thú vị như Zoomers (Thế hệ sắc xảo), Gen Tech (Thế hệ công nghệ), Gen Net (Thế hệ mạng).
Thế hệ Z được mệnh danh là thế hệ kỹ thuật số ở Việt Nam vì Internet du nhập vào nước ta năm 1995, sau đó là Facebook (2004), Youtube (2005), iPhone (2007). Mạng xã hội và truyền thông không dây trở thành một bộ phận thiết yếu của những thanh thiếu niên thế hệ Z tại thời điểm hiện nay.
Trên thế giới, người ta thường gọi những người của Thế hệ Z là "Công dân thời đại kỹ thuật số", bởi cuộc sống hiện đại đã giúp trẻ em thuộc thế hệ này có những kỹ năng số từ rất sớm. Vì thế, khi những người lớn trong thế hệ X, Y phải học tập rất vất vả đã đạt những tiêu chí đánh giá về công dân số thì với đám trẻ Z, chúng lại khá thành thạo sử dụng các thiết bị thông minh.
Ở những quốc gia phát triển, thế hệ Z có cách cư xử tốt. Họ nhanh nhẹn, tháo vát, nhanh nhẹn hơn thế hệ trước. tỉ lệ sử dụng thức uống có cồn và mang thai ở tuổi vị thành niên thấp hơn so với thế hệ Y và X.
Nhiều nghiên cứu cho biết, tuổi dậy thì trung bình ở trẻ em gái thế hệ Z đã giảm đáng kể so với trẻ cùng trang lứa ở thế kỷ XX.
Một trong vấn đề sức khỏe thẻ chất, tâm thần của thế hệ này mà ta cần quan tâm là tỉ lệ mắc các chứng dị ứng và tâm thần cao hơn, mặt khác, họ hay bị chứng mất ngủ.
Nhìn chung thế hệ Z ở các quốc gia có nhiều nét tương đồng trong lối sống, khiếu thẩm mỹ, phong cách làm việc, thời trang, ẩm thực. Có lẽ điều này bắt nguồn từ hiện tượng thẩm thấu văn hóa qua các biên giới quốc gia nhờ dòng chảy toàn cầu hóa và công nghệ thông tin.
Đặc điểm chung có tính toàn cầu của thế hệ Z
- Trước đây, cách ăn mặc phải theo chuẩn mực của xã hội, nghĩa là phải mặc đẹp trong con mắt người khác. Trong thời đại số, trang phục của thế hệ Z là theo sở thích cá nhân. Thời trang không hợp sở thích thì thế hệ này coi như không phù hợp. Họ dùng chính cách ăn mặc của bản thân để tạo luồng gió mới cho ngành thời trang.
Thế hệ Z thích thời trang unisex (phi giới tính). Thời trang này đã làm thay đổi định kiến về sự khác biệt trong phong cách ăn mặc giữa nam với nữ.
Aesthetic (gu thẩm mỹ, cách tiếp nhận nghệ thuật) của người trẻ Gen Z là:
Vintage: Phong cách xưa cũ, dịu dàng.
Minimalism: Phong cách tối giản.
Artsy: Phong cách đậm chất nghệ thuật.
Grunge: Phong cách thời trang lấy cảm hứng từ dòng nhạc.
Soft girl/boy: Phong cách nhẹ nhàng (học sinh).
- Thế hệ Z có thói quen ăn uống khá đặc biệt:
Thích bữa ăn ít tinh bột, ít dầu mỡ, nhưng vẫn tốt cho sức khỏe.
Thích sự thuận lợi và nhanh chóng; việc chuẩn bị thức ăn mất 3-5 phút là tốt nhất. Thức ăn mua cần đóng gói riêng cho người dùng, giao nhận hàng qua điện thoại hoặc các app đồ ăn nhận hàng.
Thế hệ Z trên toàn cầu có khoảng 2,6 tỉ người, tương đương ¼ dân số toàn cầu. Ở Việt Nam, thế hệ Z khoảng 15 triệu người. Họ sẽ chiếm 25% lực lượng lao động trong cả nước.
Thế hệ Z của chúng ta đang thể hiện mấy đặc điểm nổi trội
- Hiếu động, thích các hoạt động tương tác với nhiều người như xem bóng đá theo kiểu Livestream (phát trực tiếp) trên Facebook để cùng mọi người bình luận, chia sẻ cảm xúc.
- Thích những trải nghiệm game có nhiều người cùng chơi.
- Thích tham gia giao đấu thể thao điện tử, được tương tác với nhiều Streamers (Người phát sóng trực tiếp).
- Có khả năng học ngoại ngữ nhanh hơn những người thuộc thế hệ trước.
- Có khả năng tự học, tư duy năng động, trong hoạt động thường thể hiện những nét riêng, độc đáo.
- Ham mê Smartphone, qua đó kết nối bạn bè, cập nhật thông tin, bày tỏ quan điểm cá nhân.
Thế hệ Z đã và đang được trải nghiệm những hiện tượng bất thường như đại dịch COVID-19, những tranh chấp trên biển Đông, chiến sự Nga - Ucraina và những nguy cơ cùng những hệ lụy không lường trước được, xung đột Israel - Hamas v.v…
Họ cần được giáo dục như những kỹ năng lao động với hệ thống sản xuất thông minh, những nội dung giáo dục khai phóng, khởi nghiệp với tinh thần kiến tạo. Rất tiếc là, giáo dục hiện nay ở nước ta đang lúng túng và trì trệ trước những xu thế phát triển mới của giáo dục trên thế giới.
Một nền giáo dục chạy theo thi cử, bằng cấp, nhồi nhét kiến thức và hoạt động theo khuôn mẫu, một nền giáo dục đắt đỏ với một tình trạng thiếu an ninh vì các dạng bạo lực học đường… đang kìm hãm sự phát triển của thế hệ Z.
Cần phải chăm lo cho thế hệ Z với tư cách là nguồn nhân lực tương lai - những công dân kỹ thuật số và công dân toàn cầu Việt Nam trong thập niên 2030 - 2031.
Tuổi trẻ thế hệ Z ở Việt Nam đang bộc lộ những tài năng cần được khuyến khích
1. Trần Khánh Vy (thường được gọi tắt là Khánh Vy), sinh năm 1999, một gương mặt trẻ tiêu biểu, xinh đẹp và tài giỏi (người Nghệ An). Khánh Vy nổi lên như một hotgirl, sử dụng 7 ngôn ngữ khác nhau, là người dẫn chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, là influencer, Youtuber và là tấm gương học tiếng Anh đối với học sinh Việt Nam.
Khánh Vy hiện sở hữu kênh Youtube Khánh Vy Official với hơn 1,6 triệu lượt đăng ký. Khánh Vy còn hoạt động sôi nổi trên các nền tảng khác như Fanpage Khánh Vy với hơn 2,4 triệu người theo dõi, và tài khoản Instagram hơn 600 nghìn followers.
2. My20s - Thạch Trang (My20s là kênh Youtube của Thạch Trang) tên đầy đủ là Thạch Nguyễn Phương Trang, con gái Hà Nội đi du học Đức.
Thạch Trang làm Youtube đầu tiên vào năm 2018 với những video chia sẻ về cuộc sống của du học sinh Đức. Các video đó ghi lại cuộc sống thường ngày như ẩm thực, thời trang, du lịch châu Âu, bí quyết học tập.
Hiện nay Youtube My20s đã đạt được hơn 520 nghìn người đăng ký. Ngoài ra, những nội dung trên Instagram và Facebook của Thạch Trang cũng được nhiều người ưa thích.
3. Vừng (Lê Nam Thuận An) có một thành tích học tập đáng nể. Thuận An còn có các hoạt động ngoại khóa với ước muốn đóng góp cho cộng đồng từ khi còn rất trẻ.
Em học sinh Vừng chia sẻ những nội dung trên Youtube đã mang lại cho người xem những giá trị mới. Chẳng hạn, cách tự học TOFEL để đạt 119/120, hành trình 7,2 tỉ học bổng du học Mỹ và một ngày đi học ở Đại học VinUni.
Mới đây, Vừng đã quyết định gap year (kỳ nghỉ kéo dài), tạm gác việc học ở Đại học Cornell (Mỹ) trở về Việt Nam làm thực tập sinh tại Vietcetera. Cô gái này đã không ngừng lan tỏa những năng lực tích cực đến nhiều người.
4. Meichan có tên thật là Hà Trang, sinh năm 2000, là nữ sinh giành được học bổng 100% tại Hàn Quốc.
Kênh Youtube Meichan có hơn 560 nghìn lượt đăng ký. Trang thường xuyên chia sẻ cuộc sống học tập bên xứ Hàn về phương pháp học và phát triển bản thân. Các nội dung do Trang đăng tải trên các trang mạng xã hội đều thu hút được sự tương tác khá cao.
5. Thiện Khiêm (Khiemslays) được nhiều người biết đến qua kênh Youtube Khiemslays, ở đó có sự chia sẻ về cuộc sống thường ngày, học tập, làm việc và du học.
Hiện Thiện Khiêm đang theo học ngành Digital Marketing tại Đại học RMIT Việt Nam và đang học trao đổi tại Đại học Seoul (Hàn Quốc).
5 nhân vật trẻ trên đây là những người của Thế hệ Z về content creators nổi bật tại Việt Nam.
Tất nhiên, thế hệ Z Việt Nam có rất nhiều tài năng ở các lĩnh vực khác. Chúng ta hi vọng thế hệ này sẽ là một lực lượng đổi mới căn bản đất nước.