Thể hiện lòng tri ân một cách thiết thực, hiệu quả
Chúng ta đang được sống trong một đất nước thanh bình, kinh tế xã hội ổn định và ngày càng phát triển. Mỗi sớm mai thức dậy, nhìn ánh nắng mặt trời chiếu rọi lung linh là biết rằng ngày mới bình an đã đến. Tới giờ đi làm, người lớn hối hả, tất bật đến nơi làm việc. Trẻ em tung tăng sách mới, áo hoa đến trường. Cuộc sống thật yên bình và thanh thản, không còn lo sợ bị áp bức, bất công hoặc chiến tranh bom rơi, đạn nổ... Có được cuộc sống như thế, cả dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi bằng rất nhiều xương máu và công sức của các thế hệ cha, ông đi trước để cho hôm nay đất nước được độc lập, thống nhất, người dân có được cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc.
Còn nhớ hơn một trăm năm trước, cả dân tộc Việt Nam bị áp bức, bóc lột, người dân chịu cảnh cơ cực "một cổ, hai tròng" dưới ách thống trị tàn bạo của những tên thực dân cướp nước và bè lũ phong kiến bán nước. Nhiều phong trào cứu nước đã nổ ra, nhưng cũng không thể đưa được người dân thoát khỏi vòng nô lệ.
Chỉ đến khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những chiến công vĩ đại: cách mạng tháng Tám- 1945 thành công; chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; đại thắng mùa xuân 1975 thu non sông về một mối và chống quân xâm lược ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc....
Để làm nên những chiến công oanh liệt đánh đuổi giặc ngoại xâm và bảo vệ vững chắc từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc, có rất nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên - những người con ưu tú của đất nước đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Có đất nước nào như đất nước ta không? Mấy chục năm, lớp lớp người ra trận. Không ở thôn, làng nào là không có gia đình liệt sỹ, thương binh. Hầu như xã, phường nào cũng có nghĩa trang hoặc đền thờ liệt sỹ. Ai đã từng đến với các nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn; Đường 9 (Quảng Trị); Vị Xuyên (Hà Giang)?... Từng đến với nghĩa trang liệt sỹ Ngã 3 Đồng Lộc (Hà Tĩnh); Truông Bồn (Nghệ An); A1 (Điện Biên) hay Hàng Dương (Côn Đảo)?... hoặc bất kỳ nghĩa trang liệt sỹ nào trên khắp mọi miền Tổ quốc mà không khỏi xúc động, bùi ngùi, rơm rớm hàng mi.
Giá trị của độc lập, tự do cho đất nước là cuộc đời của bao người đã nằm xuống nơi đây. Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn của các chị, các anh đã đem cuộc sống của mình hiến dâng cho đất nước. Điều đau đớn hơn nữa là hiện nay ở nhiều nghĩa trang có những ngôi mộ liệt sỹ chưa xác định được danh tính. Cũng có những người hy sinh mà chưa tìm thấy nơi an nghỉ. Tên các chị, các anh đã thành tên đất nước, hòa vào sông núi, biển trời, góp phần giữ mãi màu xanh cho nước non. Cùng với những người nằm dưới mộ, còn có biết bao người đã đi qua chiến tranh, may mắn trở về với gia đình, quê hương bằng một thân thể không còn nguyên vẹn, hoặc mang thương tật suốt đời.... Thế nên, những người đang sống hôm nay, được hưởng thành quả của độc lập, tự do, thống nhất đất nước không thể quên và không được phép quên công ơn đối với những người có công với cách mạng, những thương, bệnh binh và gia đình liệt sỹ.
Với truyền thống "Uống nước, nhớ nguồn"; "Ăn quả nhớ người trồng cây" và đạo lý "đền ơn, đáp nghĩa", trân trọng sự hy sinh, cống hiến của những lớp người đi trước, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã và đang có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2023).
Nhiều năm nay, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tự nguyện nhận phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Vào các dịp lễ, Tết và nhất là dịp ngày 27/7, nhiều cơ quan, đơn vị đã có các hoạt động cụ thể như: lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp đến thăm hỏi, trao, tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng; chỉnh trang, quét dọn, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sỹ; nhắn tin ủng hộ chương trình TRI ÂN LIỆT SỸ....
Mới đây, tuổi trẻ thành phố Ninh Bình đã tổ chức dâng hương, báo công trước tượng đài anh hùng liệt sỹ Lương Văn Tụy. Hội Cựu chiến binh tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, giai đoạn 2023-2030. Nhiều cơ quan, tổ chức phối hợp với các doanh nghiệp ủng hộ khởi công, khánh thành nhà ở cho các gia đình chính sách.
Đặc biệt, ngày 19/7/2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức lễ phát động xây dựng Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa và An sinh xã hội tỉnh năm 2023. Tại lễ phát động đã có hơn 130 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia ủng hộ số tiền hơn 19 tỷ đồng. Quỹ vẫn đang tiếp tục trong thời gian nhận ủng hộ từ ngày 1/7/2023 đến ngày 31/8/2023....
Hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được cải thiện rất nhiều. Song vẫn còn các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thương, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong... gặp khó khăn, cần được sự hỗ trợ, giúp đỡ.
Hãy thể hiện lòng tri ân một cách thiết thực, hiệu quả bằng những hành động cụ thể nhằm đảm bảo cho người có công có cuộc sống ổn định cả về vật chất và tinh thần. Hãy coi việc quan tâm, chăm lo cho những người có công với cách mạng là việc mình làm thay cho những người đã hy sinh vì nước, vì dân.
Dẫu biết rằng sự quan tâm, chăm lo cho các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng bao nhiêu cũng không thể bù đắp được những hy sinh, mất mát của họ, nhưng một lời động viên, thăm hỏi, một nén hương thơm, một đồng quà, tấm bánh của những tấm lòng thơm thảo, nghĩa tình, một vài tin nhắn ủng hộ chương trình TRI ÂN LIỆT SỸ... cũng sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau của những người đang sống.
Thế hệ ông cha đã chiến đấu hy sinh tất cả với một mục đích là đất nước được độc lập, thống nhất, người người được sống ấm no, hạnh phúc.
Thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình càng phải nhớ tới công lao to lớn của các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, những người có công với cách mạng, đồng thời càng quyết tâm học tập, lao động, công tác để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh, hạnh phúc, xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ cha, ông.