Thể hiện rõ nét tinh thần 'lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển'

Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các nội dung chương trình đề ra. Theo các đại biểu Quốc hội, những nội dung được thông qua tại Kỳ họp lần này đều rất quan trọng, có tỷ lệ tán thành cao, thể hiện rõ nét tinh thần 'lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển' của Quốc hội ngay từ những ngày đầu của năm mới 2024.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương): Bảo đảm chất lượng, tiến độ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật

Kỳ họp bất thường lần thứ Năm diễn ra trong những ngày đầu năm mới 2024 - năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và hướng tới Đại hội XIV của Đảng. Với nhiều nội dung quan trọng được trình tại Kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan triển khai rà soát, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về nội dung, cơ sở vật chất, an ninh an toàn... Công tác thông tin tuyên truyền trước, trong và sau Kỳ họp diễn ra chủ động, thường xuyên, kịp thời, nhất là với các phiên thảo luận về những dự án Luật được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Đáng chú ý, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), thể hiện rõ nét tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”. Bởi, đây là đạo luật có tác động sâu rộng đến toàn bộ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Trước đó, dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau được thảo luận rất kỹ từng điều khoản, phản biện, tranh luận, giải trình, tiếp thu hợp tình, hợp lý, được đa số đại biểu Quốc hội đồng thuận cao.

Với việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Khóa XV theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013, thể chể hóa được tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành cần bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, thật sự đáp ứng sự mong mỏi của cử tri, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cần tập trung tuyên truyền sâu rộng các nội dung, quy định mới đến các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.

Tại Kỳ họp, trên cơ sở kết quả giám sát của Quốc hội, với tinh thần “trách nhiệm cao trước cử tri, đi đến tận cùng vấn đề giám sát để có giải pháp hiệu quả nhất” và căn cứ thực tiễn giám sát vừa qua tại Bộ, ngành, địa phương, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện. Với việc phân cấp cụ thể, rõ ràng về nội dung, thời gian ngay trong Nghị quyết này, tôi tin rằng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chăm lo tốt hơn đời sống cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương nhanh chóng giải ngân, nhất là vốn sự nghiệp, triển khai thực hiện hiệu quả, hoàn thành mục tiêu của các Chương trình.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Nhiều vướng mắc, khó khăn trong định giá đất sẽ được tháo gỡ

Sau 3 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tâm huyết, trách nhiệm và thống nhất, đồng thuận rất cao, Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua 4 nội dung quan trọng, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; và Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung.

Trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua theo quy trình chưa có tiền lệ, qua 4 kỳ họp, thể hiện sự thận trọng trong công tác lập pháp, nhưng vẫn bảo đảm không chậm trễ trong việc thông qua đạo luật quan trọng này, đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Đối với Luật Đất đai (sửa đổi), tôi nhận thấy, có nhiều điểm thay đổi mang tính đột phá. Thứ nhất, quan điểm tiếp cận trong quản lý đất đai của Luật này có sự khác biệt cơ bản so với trước. Trước đây, chúng ta còn sử dụng nhiều biện pháp quản lý hành chính mang tính chất áp đặt, nhưng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này chuyển sang hướng sử dụng nhiều hơn các cơ chế về thị trường để bảo đảm yếu tố về lợi ích được điều tiết theo cơ chế thị trường. Khung giá đất đã được bỏ, thay vào đó là xây dựng bảng giá đất phải sát với giá trị thị trường và được công bố, cập nhật hàng năm.

Thứ hai, quy định rất rõ về phương pháp, cách thức, nguyên tắc định giá đất, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể. Đây là cơ sở để chúng ta tháo gỡ vướng mắc, khó khăn mà công tác định giá đất hiện đang vướng.

Thứ ba, các quy định về cơ chế bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại Luật này đã đáp ứng được nhu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW là bồi thường, tái định cư phải giúp cho người dân có thể có những điều kiện bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt và việc làm bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Thứ tư, đã tập trung giải quyết vấn đề phương thức chuyển giao đất đai giữa các chủ thể, quy định cụ thể những trường hợp nào đưa đất đai vào sản xuất kinh doanh sẽ giao trực tiếp, phải thực hiện thu hồi hay thông qua phương thức thỏa thuận. Trong đó, một điểm mới quan trọng, đó là khi thực hiện thu hồi hay chuyển giao đất đai cho các hoạt động có mục đích kinh doanh sẽ phải thực hiện thông qua đấu thầu, đấu giá để bảo đảm phân phối hài hòa lợi ích địa tô tăng từ quá trình này.

Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh, trên cơ sở Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, Chính phủ phải tập trung dồn nguồn lực, đặc biệt phải ban hành rất sớm nghị định để thi hành. Thực hiện tốt yêu cầu này không chỉ giúp đưa Luật Đất đai (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống mà những tác động dự kiến từ Luật cũng sẽ nhanh chóng phát huy, góp phần giải quyết nhiều vấn đề bức xúc hiện nay.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh): Khởi động cho một năm mới hứa hẹn nhiều thành công

Với tôi, đây là Kỳ họp có rất nhiều cảm xúc. Tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng rất nhiều nội dung quan trọng, có tác động lớn đã được Quốc hội thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả Kỳ họp thể hiện sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Đảng, sự quyết tâm, quyết liệt, đồng hành trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội cùng Chính phủ.

Các nội dung được trình tại Kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan chuẩn bị chu đáo, chủ động, kỹ lưỡng, thận trọng. Dưới sự điều hành khoa học, sáng tạo và linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và tinh thần làm việc nghiêm túc, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, Kỳ họp đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra, thành công tốt đẹp.

Trong đó, Quốc hội đã xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là 2 dự luật Quốc hội quyết định chưa thông qua như kế hoạch tại Kỳ họp thứ Sáu để tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, thể hiện sự cẩn trọng và quyết tâm rất cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn. Một trong những điểm nhấn ấn tượng của Nghị quyết này là cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đây là bước tiếp nối kết quả giám sát tối cao về chuyên đề này của Quốc hội tại kỳ họp trước, khẳng định tinh thần trách nhiệm, đi đến cùng vấn đề giám sát, qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đây đều là những nội dung quan trọng, được các đại biểu bấm nút thông qua với số phiếu đồng ý cao, thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng, đánh giá cao chất lượng của các luật, nghị quyết, khởi động cho một năm mới hứa hẹn nhiều thành công.

Với tâm thế hiện nay, cùng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tin rằng, cả nước sẽ nâng cao chất lượng, tăng tốc để hoàn thành các Chương trình mục tiêu quốc gia, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu và mong muốn đề ra.

Thanh Hải - Trung Thành - Minh Trang ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/the-hien-ro-net-tinh-than-lap-phap-chu-dong-giam-sat-hieu-qua-quyet-sach-kip-thoi-but-pha-phat-trien-i358114/