Thể hiện trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong giải quyết thách thức toàn cầu
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 76 và thực hiện một số hoạt động song phương tại New York từ ngày 21-24/9.
Phóng viên TTXVN thường trú tại trụ sở LHQ đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ về quan hệ Việt Nam với tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh trước thềm sự kiện quan trọng này.
Chủ tịch nước sẽ tham dự kỳ họp ĐHĐ LHQ khóa 76 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp. Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa chuyến thăm này?
Bối cảnh đại dịch hiện nay còn diễn biến rất phức tạp, ngay cả tại New York hiện nay cho nên việc Chủ tịch nước dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của chúng ta tham gia và phát biểu tại tuần lễ cấp cao Đại hội đồng và các hoạt động lớn nhất trong năm của LHQ tại các diễn đàn đa phương có một ý nghĩa rất đặc biệt, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao và cam kết rất mạnh của Việt Nam với cương vị là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ trong hai năm qua (2020-2021).
Thảo luận trực tuyến là một vấn đề, nhưng đến trực tiếp đây nhằm đóng góp, tham gia trực tiếp vào cuộc thảo luận lớn tại diễn đàn lớn như thế này mới thể hiện được trách nhiệm của mình, mới đóng góp được thực sự hiệu quả vào cuộc thảo luận chung của các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các nước trên toàn cầu về việc đối phó với những thách thức chung mà toàn nhân loại đang phải đối mặt. Chính vì vậy, chuyến thăm lần này có ý nghĩa rất khác, rất đặc biệt so với các chuyến thăm khác.
Theo dự kiến, Chủ tịch nước sẽ phát biểu ở nhiều sự kiện quan trọng trong tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ, Đại sứ có thể chia sẻ đó là những sự kiện gì và tầm quan trọng của những vấn đề đó đối với Việt Nam và nhìn rộng ra là đối với thế giới?
Bên cạnh phiên thảo luận chính tại Đại hội đồng, Chủ tịch nước dự 3 phiên họp cấp cao nữa. Đó là phiên về hệ thống an ninh lương thực toàn cầu, phiên cấp cao về an ninh khí hậu tại Hội đồng Bảo an và phiên thảo luận cấp cao toàn cầu về ứng phó với đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước tiếp rất nhiều nguyên thủ quốc gia; gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với rất nhiều nguyên thủ quốc gia đồng thời tiếp rất nhiều đối tác Hoa kỳ. Tất cả những hoạt động này đều nhằm 3 mục tiêu trước mắt là ứng phó với đại dịch COVID-19, giải quyết hậu quả của đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch. Đây là những thách thức trực tiếp đối với chúng ta cũng như đối với toàn cầu.
Song song với việc đó thì đây là dịp để Chủ tịch nước trao đổi với nguyên thủ các quốc gia khác về những định hướng đối với toàn nhân loại, làm sao để tiếp tục thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững cho đến năm 2030. Đây cũng là những thách thức chung cho nên chuyến đi này vừa có ý nghĩa thiết thực trực tiếp với những việc trước mắt, đồng thời đối với những mục tiêu lâu dài.
Chỉ còn 3 tháng nữa Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Đại sứ đánh giá như thế nào về vị thế của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an nói riêng và tại LHQ nói chung trong thời điểm hiện nay?
Khó có thể nói được bởi vị thế của Việt Nam như thế nào phải để các đối tác của mình đánh giá mình. Tôi chỉ có thể nói từ cảm nhận cá nhân của mình. Cho đến bây giờ chúng ta đã hoàn thành được khoảng 4/5 chặng đường, đã hoàn thành 2 tháng làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021 vừa qua. Cho đến bây giờ tôi thấy ý kiến chung của các bạn bè hoặc của dư luận LHQ đánh giá rất cao cách làm của Việt Nam, tinh thần trách nhiệm của Việt Nam và họ cũng đánh gia cao những sản phẩm của Việt Nam để lại tại LHQ sau 2 tháng Chủ tịch và những đóng góp của mình trong suốt quá trình hoạt động hai năm qua tại Hội đồng Bảo an. Nói chung, trong lòng bạn bè quốc tế, hình ảnh của Việt Nam tiếp tục được củng cố, gìn giữ và phát huy.
Các nước cũng đánh giá Việt Nam đã hoàn thành những điều Việt Nam đã cam kết khi vận động tranh cử cũng như khi tham gia Hội đồng Bảo an. Việt Nam đã thực hiện đúng những điều Việt Nam đã cam kết thúc đẩy, những ưu tiên như nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nâng cao Hiến chương, luật pháp quốc tế, trong đó có luật biển, luật nhân đạo, cũng như thúc đẩy sự hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, nâng cao vai trò của các tổ chức khu vực trong bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế hay như vấn đề bảo vệ dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Đó là những chủ đề người ta rất quan tâm, và có những điều Việt Nam đã làm được mà các nước khác khó làm được, chẳng hạn như ra Nghị quyết về Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống của dân thường.