Thể hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với quy định về an toàn tính mạng, tài sản của người dân

Cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại phiên họp giữa hai đợt họp của Kỳ họp thứ Bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc tiếp tục quy định nồng độ cồn trong máu và hơi thở bằng '0' khi tham gia giao thông, đồng thời đề nghị trình Quốc hội biểu quyết riêng về quy định này, thể hiện trách nhiệm của đại biểu với vấn đề liên quan tới an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tiếp tục cấm điều khiển phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, liên quan đến nội dung cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 2, Điều 10), nhiều ý kiến nhất trí với quy định này, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu và một số ý kiến khác đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Báo cáo giải trình nội dung này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, quy định trên được kế thừa quy định tại khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thống nhất với quy định tại khoản 6, Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tại kỳ họp thứ Sáu, đa số ĐBQH nhất trí với quy định này và một số ĐBQH đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” và đã được thể hiện cụ thể tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gửi các ĐBQH đầu Kỳ họp thứ Bảy; không có Đoàn ĐBQH nào đề nghị lấy ý kiến ĐBQH hai phương án về nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, trong dự thảo Luật, nếu không tiếp tục kế thừa khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 sẽ làm tăng số vụ tai nạn giao thông, kéo theo làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác. Đồng thời, cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội; đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gây lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân. Do vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp tục thực hiện quy định cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Trong Báo cáo giải trình tiếp thu cũng nêu rõ, có ý kiến đề nghị giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật, định lượng ethanol trong máu đối với các trường hợp không sử dụng rượu, bia mà có độ nồng độ cồn, như do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh.

Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất bổ sung vào khoản 5 Điều 87 của dự thảo Luật theo hướng giao Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác. Theo chuyên gia y tế thì cồn nội sinh là cồn tự sinh ra trong cơ thể mà không có bất kỳ tác động nào khác bên ngoài, có nồng độ rất thấp mà các phương tiện thông thường kiểm tra nồng độ cồn hiện nay không thể phát hiện được. Thực tiễn, qua hoạt động kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông thời gian qua chưa phát hiện trường hợp nào oan sai về nồng độ cồn.

Trình Quốc hội biểu quyết riêng với quy định liên quan đến nồng độ cồn

Ủng hộ quan điểm cần tiếp tục duy trì việc cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn như quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã thực sự phát huy tác dụng trong thực tiễn. Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn ĐBQH đều thống nhất rất cao về nội dung này.

Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Qua theo dõi phiên thảo luận về dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ Bảy, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhận thấy, các ý kiến của ĐBQH về quy định về nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi tham gia giao thông đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra lắng nghe, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật. Khi Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp trước, các ý kiến khác nhau về nội dung này còn 50/50, nhưng đến kỳ họp này, theo Báo cáo tổng hợp ý kiến của các ĐBQH thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có 9 ý kiến nhất trí quy định “nồng độ cồn bằng 0”, có 7 ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định này và 3 ý kiến đề nghị phương án 2. Còn trong các báo cáo của 63 Đoàn ĐBQH cho ý kiến về nội dung này, không có đoàn nào đề nghị khác mà đều nhất trí với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án này, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về cơ bản, các ĐBQH đồng ý với phương án của dự thảo Luật, tuy nhiên cách thuyết minh phương án trong dự thảo Luật nên đầu tư thêm. Nêu vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phân tích: So với thời điểm khi thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, lần này chúng ta có căn cứ vững chắc hơn rất nhiều, đó là tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Quy định tại Khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. “Phương tiện giao thông là cả đường thủy, đường không, đường sắt chứ không phải chỉ có đường bộ, phạm vi của khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 bao quát hơn rất nhiều”. Lưu ý vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định theo hướng này để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Liên quan đến việc xin ý kiến các Đoàn ĐBQH trình Quốc hội biểu quyết riêng đối với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc lấy phiếu là tôn trọng sự dân chủ, ý kiến của tập thể. "Mặc dù đa số đồng thuận hết nhưng có 9-10 ý kiến phát biểu còn ý kiến khác nhau thì chúng ta phải thể hiện bằng phiếu", Chủ tịch Quốc hội nói.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, "dứt khoát phải biểu quyết riêng về nội dung này, bởi dư luận xã hội cũng còn ý kiến khác nhau". Việc Quốc hội tiến hành biểu quyết riêng đối với quy định này sẽ tạo dấu ấn về một tập thể Quốc hội quyết định dân chủ, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Ủng hộ quan điểm Quốc hội cần biểu quyết riêng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, phần giải trình với quy định này cần có sự dẫn dắt và lập luận thuyết phục hơn. "Cách làm này cũng thể hiện trách nhiệm của ĐBQH đối với quy định liên quan tới bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tốt", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nói.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/the-hien-trach-nhiem-cua-dai-bieu-quoc-hoi-voi-quy-dinh-ve-an-toan-tinh-mang-tai-san-cua-nguoi-dan-i375223/