Thể hiện vai trò xung kích của tuổi trẻ trong phong trào 'Bình dân học vụ số'
Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, việc phổ cập tri thức số và kỹ năng số đến mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, là một nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Văn bản số 2407/BGDĐT-HSSV gửi các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp về việc phát huy vai trò của học sinh, sinh viên trong triển khai phong trào 'Bình dân học vụ số'.

Kết quả tham gia phong trào của học sinh, sinh viên sẽ được gắn với việc đánh giá kết quả rèn luyện – một cách ghi nhận công bằng và tạo động lực thiết thực.
Phong trào “Bình dân học vụ số” là sáng kiến có ý nghĩa xã hội sâu sắc, nhằm tiếp nối tinh thần của phong trào "Bình dân học vụ" lịch sử trước đây, nhưng trong bối cảnh mới – thời đại số. Phong trào hướng đến việc phổ cập kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, các nền tảng số, dịch vụ công trực tuyến... cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn – những đối tượng đang gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số.
Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục cần tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến toàn thể học sinh, sinh viên về mục tiêu, ý nghĩa và nội dung của phong trào. Việc nâng cao nhận thức không chỉ là bước đầu tiên mà còn là yếu tố then chốt để Phong trào được triển khai hiệu quả, bền vững. Học sinh, sinh viên cần được khuyến khích phát huy tinh thần tự học, chủ động trau dồi tri thức và kỹ năng số, xem đây là nhu cầu tự thân trong học tập và rèn luyện.
Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh vai trò xung kích của sinh viên, nhất là sinh viên thuộc các chuyên ngành công nghệ thông tin, trong việc dẫn dắt và hỗ trợ cộng đồng. Thông qua các hoạt động tình nguyện trong thời gian nghỉ Hè, sinh viên sẽ là lực lượng nòng cốt tham gia phổ cập kỹ năng số cho người dân. Các trường đại học, cao đẳng cần chủ động xây dựng chương trình tình nguyện, thành lập các đội xung kích, tổ chức các lớp học linh hoạt phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Để phong trào đạt hiệu quả thực chất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục với chính quyền địa phương các cấp. Các lớp học kỹ năng số có thể được tổ chức tại các trung tâm văn hóa, trường học địa phương, nhà sinh hoạt cộng đồng… với nội dung thiết thực như: hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký khám chữa bệnh từ xa, sử dụng dịch vụ công trực tuyến…
Cùng với việc triển khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện công tác tổng kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm để không ngừng cải tiến cách thức tổ chức. Những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cần được biểu dương, khen thưởng kịp thời. Đặc biệt, kết quả tham gia phong trào của học sinh, sinh viên sẽ được gắn với việc đánh giá kết quả rèn luyện – một cách ghi nhận công bằng và tạo động lực thiết thực.
Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ góp phần xây dựng một xã hội học tập, mà còn tạo điều kiện để học sinh, sinh viên rèn luyện kỹ năng sống, tinh thần trách nhiệm cộng đồng, và phát triển toàn diện. Đây là cơ hội để tuổi trẻ Việt Nam khẳng định vai trò tiên phong, dấn thân trong hành trình đưa công nghệ số đến gần hơn với mọi người dân, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.