Thẻ hồng, thẻ xanh đi chợ
Từ sáng sớm hôm nay, muốn đi chợ, người dân Đà Nẵng buộc phải xuất trình 'Thẻ vào chợ'. Như hôm nay (12/8), phải xuất trình thẻ màu hồng dùng cho ngày chẵn. Ba ngày sau được phép đi chợ tiếp, sẽ mang theo thẻ màu xanh lá cây dùng cho ngày lẻ.
“Thẻ” là cách gọi quen thuộc thời các loại thẻ điện tử lên ngôi hiện nay. Thực ra đó chỉ là những ô phiếu bằng giấy to cỡ trang A4 in hai màu hồng và xanh da trời, để phân biệt ngày chẵn và ngày lẻ.
Mỗi gia đình được phát 11 ô phiếu trong vòng 1 tháng, tương ứng mỗi tuần chỉ 3 lần được đặt chân vào chợ. Được phép đi bất kỳ chợ nào trong thành phố. Mỗi lần đi chợ xong là phiếu bị thu lại. Các phường, xã được giao việc in ấn và phát hành loại phiếu này, người dân tự điền các thông tin ngày giờ, tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại vào đó mỗi lần đi chợ. Có lẽ cũng để thuận cho việc truy thông tin nhân thân từ những phiếu này, nếu chợ nào đó “dính” dịch.
Không khí chống đại dịch ở tâm điểm Đà Nẵng đang như giữa thời chiến, nay lại phảng phất thêm không khí thời bao cấp, với sự xuất hiện của những ô phiếu đi chợ! Từng sống qua thời tem phiếu bao cấp, từ Hà Nội tới Đà Nẵng, từng nửa đêm xếp hàng mua gạo, mua rau, bản thân tôi khi đi học cũng đã từng được phát phiếu mua…săm lốp xe đạp, nên cảm giác gì đó là lạ bỗng quay lại, với tôi. Có lẽ cũng là cảm giác chung của những ai đã sống qua thời ấy. Lướt qua phố xá Đà Nẵng những ngày này, trên hè phố chỉ thấp thoáng bóng những người đàn ông, ngồi một mình bên ly cà phê tự pha. Tư lự. Nghĩ suy. Tất cả đều đã chậm lại, rất chậm. Rất nhiều người đã “đi vắng” dù đang hiện hữu giữa thành phố này…
Cũng đã có những ý kiến trái chiều về ô phiếu đi chợ ở Đà Nẵng, dù đây chỉ là biện pháp tình huống tạm thời trong vòng một tháng. Đà Nẵng cũng vừa tiếp tục áp dụng thêm một đợt cách ly xã hội mới, với nhiều biện pháp “cứng” hơn. Như cách nói của Chủ tịch UBNĐ thành phố Huỳnh Đức Thơ, rằng Đà Nẵng sẽ thực thi “Chỉ thị 16+”.
Mọi thứ đều có thể thay đổi. Tiền bạc, chức tước, sự thừa thãi vật chất càng khiến con người ta nhanh biến đổi. Nhưng có lẽ chỉ có dịch giã, tai ương, bệnh tật mới đủ sức khiến con người thay đổi theo hướng thức tỉnh, tích cực, nhân văn hơn. Không chỉ cơ cấu lại việc chợ búa, mâm cơm. Mà còn hướng về những điều lớn lao hơn. Như những gì chúng ta đang chứng kiến, với mỗi người dân Đà Nẵng, và mỗi người dân cả nước hướng về Đà Nẵng…
Có lẽ cũng phải “nhịn” một lần đi chợ, để cất giữ làm kỷ niệm một ô phiếu đặc biệt này, kỷ niệm về “tem phiếu” giữa thời đại 4.0.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/the-hong-the-xanh-di-cho-1704279.tpo