Thế khó của các công ty trên thị trường năng lượng Mỹ
Việc Tổng thống Biden chỉ trích các công ty dầu khí thu về lợi nhuận kếch xù giữa lúc các hộ gia đình phải đối mặt với việc giá xăng tăng cao đã thách thức một trong những 'trụ cột' của nước Mỹ.
"Trụ cột" đó là khuyến khích công ty Mỹ kiếm lời nhiều nhất có thể một cách hợp pháp, và hướng những khoản tiền lời đó về lại với các nhà đầu tư.
* Nghĩa vụ và trách nhiệm
Tuần trước, Tổng thống Biden đã nói với các công ty Shell Plc, Exxon Mobil Corp, Chevron Corp và những “gã khổng lồ” dầu khí khác rằng trong bối cảnh hiện nay, họ có thêm một trách nhiệm rất khác. Đó là phải làm mọi cách để giảm giá xăng - yếu tố đang làm giảm khả năng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ và thúc đẩy lạm phát.
"Chúng tôi coi đó là nghĩa vụ của những người yêu nước", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết. Bà Karine Jean-Pierre nói rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã khiến giá khí đốt tăng cao. “Chúng tôi biết nguyên nhân là do những căng thẳng địa chính trị”, bà nói.
Tuy nhiên, các công ty dầu mỏ và nhà máy lọc dầu cũng có trách nhiệm trong việc này. Theo bà Karine Jean-Pierre, những gì các công ty này đã và đang làm là lợi dụng điều kiện khó khăn trên thị trường năng lượng thế giới để kiếm lời.
Bên cạnh đó, điều khiến Nhà Trắng đặc biệt lưu tâm là hoạt động mua lại cổ phần trong ngành năng lượng đã tăng vọt, mang lại cho giới đầu tư những khoản lợi nhuận mà chính quyền muốn dùng để đầu tư vào công suất lọc dầu và làm giảm giá xăng.
Nhưng chỉ trích của Tổng thống đã vấp phải sự phản đối của các nhà điều hành trong ngành dầu khí và các nhóm thương mại. Neil Bradley, Giám đốc chính sách của Phòng Thương mại Mỹ, một nhóm vận động hành lang ủng hộ doanh nghiệp, cho biết: "Ở đây, chúng ta đang nói đến các yếu tố và chức năng của thị trường".
Giám đốc Bradley và các quan chức trong ngành cho rằng để ổn định thị trường năng lượng, chính quyền nên loại bỏ thuế nhập khẩu và cắt giảm quy định để cho phép các hoạt động sản xuất và tinh chế nhiên liệu hóa thạch trong nước được thực hiện nhiều hơn. Điều này sẽ phát tín hiệu cho các thị trường năng lượng rằng nguồn cung sẽ tăng lên.
* Chính phủ can thiệp liệu có phải là cách tốt nhất?
Ý tưởng rằng các giám đốc điều hành công ty Mỹ cần phục vụ lợi ích của đối tượng khác ngoài các nhà đầu tư và cổ đông, đồng thời nhận tín hiệu từ những lực lượng khác ngoài thị trường, không phải là điều mới mẻ đối với nước Mỹ.
Sự thúc đẩy gần đây của ông Biden thể hiện cam kết suy nghĩ lại về vai trò của các công ty, giám đốc điều hành và những người rất giàu có ở Mỹ, cũng như những gì người lao động và công dân trung bình xứng đáng được hưởng, những người mà chính phủ nên ủng hộ và bảo vệ.
Bản thân ông Biden trong chiến dịch tranh cử của mình cũng đã cam kết sẽ khắc phục tình trạng bất bình đẳng ở Mỹ bằng việc tăng lương và buộc các công ty phải trả thêm "phần trăm công bằng" về thuế.
Lạm phát đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những người dân Mỹ nghèo vì họ dành phần lớn thu nhập để mua thực phẩm và nhiên liệu. Vào mùa Hè năm 2019, CEO của hơn 180 công ty lớn của Mỹ, bao gồm Exxon và Chevron, đã cam kết rằng họ sẽ không chỉ phục vụ lợi ích của các cổ đông mà còn phục vụ lợi ích của cả nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng để "xây dựng một nền kinh tế phục vụ tất cả người dân Mỹ".
Cách đây 60 năm, cựu Tổng thống John F. Kennedy trong nỗ lực kiềm chế giá thép đã chỉ trích "một số ít giám đốc điều hành ngành thép theo đuổi quyền lực cá nhân và thu về khoản lợi nhuận không tương xứng với tinh thần trách nhiệm cộng đồng".
Bài phát biểu của ông Kennedy vào tháng 4/1962 là lời đáp trả đối với việc các công ty thép thông báo tăng giá thép thêm 6 USD/tấn. Một ngày sau phát biểu của ông Kennedy, các công ty đã hủy việc tăng giá.
Tuy nhiên, thực tế ngày nay có chút khác biệt. Hiện nay, lợi nhuận của các công ty thép đang giảm, nhập khẩu tăng trong khi giá cổ phiếu giảm.
Trong buổi công bố khoản thu nhập đáng thất vọng, Giám đốc điều hành Tập đoàn Thép Mỹ Roger Blough đã chia sẻ với các cổ đông rằng: "Tôi không thể hiểu được khái niệm cho rằng chính phủ có thể phục vụ lợi ích quốc gia (trong thời bình) bằng cách sử dụng luật pháp hoặc các công cụ khác để trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát giá cả trong một môi trường kinh doanh cạnh tranh như của Mỹ”.
Martin Bailly, một thành viên cấp cao về nghiên cứu kinh tế tại Viện nghiên cứu trung tâm Brookings, cho biết việc “ngầm đe dọa” các công ty để giảm lạm phát chưa bao giờ hiệu quả. Theo chuyên gia này: “Sự thất vọng của Tổng thống Biden là dễ hiểu vì hiện nay không có công cụ nào để giảm lạm phát mà không đẩy toàn bộ nền kinh tế vào suy thoái”./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/the-kho-cua-cac-cong-ty-tren-thi-truong-nang-luong-my/248662.html