Thế khó của châu Âu

Bất chấp đã đạt được tiến bộ nhất định trong thời gian qua nhưng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang thể hiện sự chia rẽ sâu sắc về chiến lược quốc phòng chung của khối.

Tuần trước, 27 nguyên thủ thành viên EU đã thảo luận về quốc phòng, an ninh (QPAN) châu Âu nhân hội nghị thượng đỉnh của khối này ở thủ đô Ljubljana (Slovenia). Tuy nhiên, họ đã không thể đi đến thống nhất cho ý tưởng phát triển một lực lượng quân sự độc lập trong bối cảnh dư luận luôn đặt câu hỏi về sự phụ thuộc của Brussels vào “chiếc ô an ninh” Mỹ trong chiến lược quốc phòng của mình. Dẫn nguồn tin ngoại giao liên quan đến cuộc họp này, Reuters cho hay, các nhà lãnh đạo đã phân chia thành nhóm gồm những quốc gia ở phía đông chú trọng củng cố châu Âu trong nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nhóm còn lại do Đức, Italy, Tây Ban Nha, Pháp dẫn đầu đang muốn châu Âu cần phải mạnh mẽ nhiều hơn về QPAN.

Thực tế là EU đã có những bước đi tăng cường tự chủ về QPAN. Có thể kể đến là việc Nghị viện châu Âu (EP) đã phê chuẩn Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF) với ngân sách hơn 7,9 tỷ euro trong giai đoạn 2021-2027 nhằm tạo ra một công cụ tài chính và pháp lý tốt hơn để thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả và cải tiến công nghệ đối với nền công nghiệp quốc phòng châu Âu, cùng với đó là các lĩnh vực nền tảng cho công nghiệp và công nghệ quốc phòng của khối. Vừa qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố năm 2022 sẽ là “năm quốc phòng châu Âu”.

 Nhiều quốc gia thành viên EU muốn thúc đẩy tự chủ về quốc phòng, an ninh của khối. Ảnh minh họa. Ảnh: Getty Images

Nhiều quốc gia thành viên EU muốn thúc đẩy tự chủ về quốc phòng, an ninh của khối. Ảnh minh họa. Ảnh: Getty Images

Việc EU ngày càng muốn tự chủ về QPAN và tách ra khỏi tầm ảnh hưởng quá lớn của Mỹ phản ánh quan hệ chẳng mấy êm đềm giữa Brussels với Washington. Châu Âu vốn là một đồng minh an ninh và kinh tế chiến lược của Mỹ trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, nước Mỹ đã nhìn nhận lại đồng minh này. Chẳng thế mà trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump luôn yêu cầu các nước châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng và san sẻ gánh nặng chi phí an ninh nhiều hơn trong NATO. Đến khi ông Joe Biden lên nắm quyền, các vấn đề nội bộ, đặc biệt là vực dậy sau đại dịch, mới là quan tâm chính của chính quyền Washington nên mối quan hệ đồng minh với Brussels chưa thể trở lại vị trí vốn có của nó. Ngoài ra, việc các lực lượng do Mỹ dẫn đầu rút quân khỏi Afghanistan hay mới đây nhất là quyết định thiết lập liên minh an ninh Australia-Anh-Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AUKUS) dẫn tới việc Canberra chấm dứt hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Pháp... lại càng thôi thúc châu Âu muốn tự chủ về QPAN.

Có thể nói, Pháp là nước đi đầu trong quan điểm này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không ít lần lên tiếng kêu gọi các nước EU cùng hợp tác xây dựng một “quân đội châu Âu thực sự”. Đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell mới đây cũng đề xuất thành lập một “lực lượng tiên phong” của châu Âu gồm 5.000 binh sĩ nhằm chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp có thể ảnh hưởng đến khu vực trong tương lai sau khi cuộc khủng hoảng tại Afghanistan làm lộ ra nhiều lỗ hổng an ninh nghiêm trọng.

Dù vậy, một châu Âu mạnh hơn về QPAN chắc chắn khiến NATO không hài lòng. Từ trước tới nay, NATO luôn giữ quan điểm châu Âu và Bắc Mỹ phải tiếp tục sát cánh cùng nhau trong NATO trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Vì thế mà lãnh đạo EU phải lên tiếng “trấn an” rằng việc ủng hộ thành lập một lực lượng quân sự mới của châu Âu song song với NATO sẽ không gây chia rẽ và làm suy yếu liên minh xuyên Đại Tây Dương. Tại họp báo về Hội nghị thượng đỉnh EU-Tây Balkan ở Slovenia vừa rồi, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định NATO là liên minh quân sự mạnh nhất trên thế giới, còn EU sẽ không bao giờ trở thành một liên minh quân sự.

Đã đến lúc châu Âu không thể phát triển mà chỉ dựa vào “quyền lực mềm” truyền thống của mình với tư cách là khối thương mại lớn nhất thế giới nữa. Tuy nhiên, sự bất đồng nội bộ, hàng loạt biến động chính trị khó lường hay những ràng buộc đan xen sẽ là lực cản khó có thể được vượt qua ngày một ngày hai nếu EU vẫn hướng đến một chiến lược quốc phòng “thuần châu Âu” hơn.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/the-kho-cua-chau-au-673917