Thế khó của 'liên minh'

Khi đưa ra sáng kiến về việc thiết lập một liên minh nhằm bảo vệ an ninh hàng hải tại eo biển Hormuz cũng như các vùng biển khác ở vùng Vịnh, Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng sáng kiến này không phải để đối đầu quân sự mà sẽ là ngọn hải đăng tỏa sáng, giúp răn đe các vụ tấn công nhằm vào hoạt động vận chuyển hàng hải. Nhưng có lẽ, không phải tất cả quốc gia nhận được giấy mời tham gia liên minh này đều có quan điểm tương tự như các quan chức Lầu Năm Góc.

Eo biển Hormuz lâu nay vẫn được coi là tuyến đường thủy chiến lược, nối liền vịnh Oman và vịnh Persian. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vùng biển quanh Hormuz bỗng biến thành điểm nóng của khu vực sau khi xảy ra hàng loạt vụ bắt giữ và tấn công nhằm vào những tàu chở dầu. Những biến cố ấy khiến quan hệ Mỹ-Iran căng như dây đàn. Kịch bản xung đột vũ trang có thể trở thành hiện thực bất cứ lúc nào nếu các bên liên quan không giữ được “cái đầu lạnh”.

Với niềm tin rằng một liên minh gồm nhiều quốc gia, do người Mỹ đứng đầu, sẽ góp phần bảo đảm an ninh ở eo biển Hormuz sau hàng loạt biến cố gần đây, Mỹ đã mời một số quốc gia tham gia vào liên minh này. Như lý giải của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bất kỳ nước nào quan tâm tới việc bảo đảm an ninh ở eo biển Hormuz đều cần tham gia sáng kiến của Mỹ, không chỉ để bảo vệ chính lợi ích của họ mà còn "bảo vệ sự hiểu biết cơ bản về tuyến đường biển tự do và mở".

Vậy nhưng, ý tưởng thành lập liên minh hàng hải tại eo biển Hormuz hóa ra lại trở thành vấn đề gây chia rẽ. Bởi, trong khi các quốc gia như: Anh, Australia, Bahrain và UAE gật đầu đồng ý thì một số nước khác, trong đó có cả các đồng minh thân cận của Washington lại thẳng thừng từ chối lời mời. Theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, chiến lược của Mỹ trong việc gia tăng áp lực tối đa nhằm vào Iran là sai lầm và bởi vậy, Berlin sẽ không điền tên vào liên minh này. Tương tự, Iraq cũng tuyên bố nước này sẽ không tham gia liên minh và cho rằng an ninh tại vùng Vịnh nên thuộc trách nhiệm của các quốc gia vùng Vịnh.

Nhiều chuyên gia nhận định, một liên minh hàng hải như vậy, nếu được hình thành, chắc chắn sẽ giống như mồi lửa quăng vào “thùng thuốc súng” đang chực chờ phát nổ ở vùng Vịnh. Bởi Iran đã tuyên bố rằng nước này sẽ không nhân nhượng trước các hành vi "xâm phạm hàng hải" tại eo biển Hormuz. Tổng thống Hassan Rouhani cũng cảnh báo sự hiện diện của các lực lượng bên ngoài “không giúp ích gì cho an ninh khu vực mà chỉ là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng".

Cũng không quá khó để tìm ra lý do khiến một số quốc gia do dự hoặc chẳng mặn mà đi theo lời kêu gọi của Mỹ. Trước hết, dù hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích chiến lược trong việc bảo đảm an toàn cho tuyến đường biển qua eo biển Hormuz, song, có lẽ họ chẳng muốn bị cuốn vào cuộc đối đầu Mỹ-Iran và đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng khu vực. Hơn thế nữa, góp mặt vào một liên minh do Mỹ đứng đầu tại vùng Vịnh cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia này chấp nhận chạm trán, thậm chí đối đầu với Iran.

Ai dám khẳng định rằng một liên minh chia rẽ và “gặp khó” ngay từ lúc chưa hình thành sẽ đóng vai trò là “người bảo vệ mẫu mực” cho tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng bậc nhất vùng Vịnh khi nó chính thức lộ diện?

Với những người trung lập, có lẽ họ sẽ tự hỏi việc thành lập liên minh hàng hải liệu có phải là giải pháp hợp lý và giúp vùng biển quanh Hormuz an toàn hơn, hay trái lại, chỉ khiến những cuộc xung đột có thêm cớ để bùng phát?

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/the-kho-cua-lien-minh-591683