Thế khó của sách video
Theo chia sẻ từ một số đơn vị làm videobook, khó khăn trong việc triển khai loại hình nội dung số này là chi phí cao và đầu ra không đủ đáp ứng.
Sách video (hay còn gọi là videobook, clipbook) là dạng nội dung số nâng cấp hơn so với e-book truyền thống, dưới hình thức những video được dàn dựng công phu để truyền tải nội dung rõ ràng, dễ hiểu, thu hút những đối tượng là các em nhỏ ham thích khám phá điều mới mẻ.
Hiện đa phần đầu sách video đều hướng đến đối tượng trẻ em trên 3 tuổi. Sau quá trình đưa sản phẩm vào thực tiễn nhiều công ty sách và công nghệ nhận thấy loại hình này còn nhiều khó khăn khi tiếp cận công chúng Việt Nam.
Chi phí sản xuất lớn
Người làm sách sẽ phải đầu tư nhiều vào phần công nghệ 3D, 2D, Animation để có được một sản phẩm sách hấp dẫn, giữ chân được người xem. Chính vì vậy, giá thành sản xuất của một sách video rất lớn.
"Hiện tại, chúng tôi bỏ rất nhiều chi phí sản xuất nhưng chưa đặt mục tiêu doanh thu. Sách video mới manh nha, chưa phát triển, bạn đọc cũng chưa tiếp cận nhiều. Tôi nghĩ cần có thời gian 2-3 năm nếu các đơn vị làm sách xem trọng, thì đây là dạng sách tiềm năng, đặc biệt sách thiếu nhi", bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Giám đốc điều hành Phúc Minh Books cho biết.
Cũng theo bà Dương, khâu sản xuất sách video rất phức tạp và tốn kém hơn nhiều so với kế hoạch đơn vị này dự kiến. Lý do chính là khi chuyển từ một cuốn sách giấy truyện thiếu nhi sang một cuốn sách video, tức là như một bộ phim hoạt hình có âm thanh và hình ảnh động cần tay nghề cao, không phải ai cũng làm tốt được.
Những kỹ thuật viên đáp ứng được chất lượng thường lấy đơn giá rất cao do họ quen làm video quảng cáo hoặc phần mềm trò chơi. Trong khi đó, họ chưa từng làm sách video nên họ báo giá 5-8 triệu đồng/phút, tức một cuốn sách video có thời lượng 5 phút thì chỉ riêng chi phí sản xuất lên tới 40 triệu đồng.
Khâu vận hành sách video cũng không dễ dàng như sách đọc hay sách nghe. Đặc biệt là máy chủ để truyền tải và hệ thống để phát hành yêu cầu dung lượng lớn hơn nhiều so với dự kiến của Phúc Minh Books. Điểm cốt lõi trên môi trường số là càng nhiều người dùng càng yêu cầu ở việc xây dựng nền tảng nội dung và kỹ thuật càng cao. Tất cả yếu tố này đều cần năng lực của con người và chi phí cho đội ngũ công nghệ rất cao.
Khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra
So với các loại hình audiobook, ebook, sách video thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra bởi hiện nay không phải phụ huynh nào cũng thành thạo công nghệ đủ để giúp con trải nghiệm thể loại sách công nghệ này. Vào năm 2020, công ty Joikid (nay là JK Technology) đã kết hợp cùng một số nghệ sĩ, trong đó có Doris Ong, để làm videobook. Sản phẩm sách của đơn vị đã được triển lãm tại phố sách TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Đình Bảo (CEO & Founder của JK Technology), chi phí sản xuất sách video có thể không nhiều nhưng đầu ra cho dòng sách rất hạn hẹp. Tâm lý của nhiều phụ huynh khi lựa chọn sản phẩm đem đến tri thức cho con vẫn hướng đến các loại sách in truyền thống.
Cùng với đó, thị trường nội dung cho sản phẩm giáo dục thiếu nhi quá nhiều nội dung nước ngoài đã được Việt hóa. Tiêu biểu là Pop Kids, Netflix... Các sản phẩm videobook cần thêm sự hỗ trợ từ các nhà xuất bản để có nền tảng về cả nội dung lẫn khả năng phân phối.
"Để phát triển sản phẩm videobook cần có thêm sự đồng hành của các nhà xuất bản về mặt nội dung. Các công ty công nghệ có thể tạo ra những sản phẩm trên nền tảng số có tương tác, có đồ họa đi theo những cuốn sách đó. Nhờ đó, giảm thiểu rủi ro sản xuất ra các sản phẩm có thể bị đụng về mặt bản quyền. Các nhà xuất bản có quy trình đầy đủ, có mạng lưới tác giả rồi, họ có thể kiểm chứng được nội dung chặt chẽ", ông Nguyễn Đình Bảo (CEO & Founder của JK Technology) cho biết.
Ông Bảo cũng nhấn mạnh rằng nếu có thể kết hợp được với các trường học, nhà sách trực tuyến, cửa hàng sách... sản phẩm có thể được lan tỏa hơn. Bởi việc tiếp cận phụ huynh tại Việt Nam rất khó khăn, họ chưa sẵn sàng trả tiền cho các sản phẩm nghe - nhìn trên không gian mạng. Dòng sách này vẫn có rất nhiều cơ hội để phát triển tại thị trường Việt Nam.
Dù có những bất cập trên, videobook vẫn là một dạng sách có thể đem lại nhiều giá trị cho cả người sử dụng lẫn các công ty phát hành. Dòng sách này có ưu thế lớn nhất là tiết kiệm thời gian và chi phí. Với nội dung được thiết kế riêng cho lớp công chúng số, các video ngắn gọn và đem lại hiệu quả tiếp thu tốt. Trong quá trình đưa sản phẩm vào thực tiễn, đơn vị Phúc Minh books nhận thấy người sử dụng phản hồi tốt về các video giáo dục an toàn giao thông. Vì vậy, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu và ra mắt thêm sản phẩm trong giai đoạn 2023-2025.
Trên các nền tảng trực tuyến như Amazon, Google Play, sách video ít nhiều cũng nhận được sự quan tâm của các độc giả nước ngoài. Đa phần là nội dung về giáo dục thiếu nhi: học tiếng anh, học đánh đàn...
Các video được cài đặt ở chế độ không công khai trên các website, youtube để người đọc quét mã và vào xem. Giá tiền cho một chiếc videobooks dao động từ 50.000 đến 160.000 đồng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kho-khan-trong-viec-tim-huong-di-cho-videobooks-post1408129.html