Thế khó của Ukraine khi dùng thiết bị rà mìn

Ukraine 'khát' thiết bị rà phá bom mìn để mở đường phản công, nhưng cũng ngại dùng thiết bị rà mìn lớn, hiện đại vì sợ trở thành mục tiêu của hỏa lực Nga.

Các khu vực phía trước thành trì phòng thủ của Nga ở phía nam và phía đông Ukraine đã được rải mìn dày đặc và đó chính là trở ngại lớn nhất cho cuộc phản công của Ukraine, theo tờ The Washington Post.

Theo những người lính Ukraine, các khu vực từ 4 đến 16 km phía trước các cứ điểm chính của quân Nga đã được rải mìn chống tăng, mìn sát thương và bẫy mìn dày đặc. Những người lính Ukraine nói rằng hệ thống phòng thủ này đã tỏ ra hiệu quả trong việc ngăn chặn bước tiến của Ukraine, theo The Washington Post.

Thiết bị rà mìn không đủ…

Để tránh mìn, lực lượng Ukraine đã thay đổi chiến thuật. Thay vì cố gắng chọc thủng phòng thủ Nga bằng các phương tiện chiến đấu bộ binh và xe tăng chiến đấu, các đơn vị đang tiến về phía trước một cách chậm rãi bằng cách đi bộ.

“Quý vị không thể làm bất cứ điều gì chỉ với một chiếc xe tăng với vài lớp giáp, bởi vì bãi mìn quá dày đặc và sớm muộn gì lực lượng Ukraine cũng sẽ phải dừng lại và sau đó sẽ bị hỏa lực dồn dập của Nga tiêu diệt” - Tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine - Tướng Valery Zaluzhny nói với The Washington Post.

Lính Ukraine nằm xuống chỗ an toàn sau khi gỡ một quả mìn chống tăng. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Lính Ukraine nằm xuống chỗ an toàn sau khi gỡ một quả mìn chống tăng. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Vấp phải các bãi mìn đã bộc lộ điểm yếu của các xe chở quân và xe tăng hiện đại của phương Tây, đặc biệt là xe chiến đấu Bradley do Mỹ viện trợ và xe tăng Leopard do Đức cung cấp.

Mặc dù những loại xe này được lính Ukraine ghi nhận là có thể bảo vệ tương đối an toàn cho lính ngồi ở trong - chỉ gây ra vết thương nhẹ khi trúng mìn, nhưng những trang thiết bị này không thể một mình chọc thủng hàng phòng thủ Nga.

Tướng Zaluzhny cho rằng Ukraine cần các máy bay chiến đấu hiện đại và các thiết bị dò mìn từ xa đặc biệt để hỗ trợ các hoạt động tác chiến trên mặt đất. Ông cũng cho biết Ukraine đang sử dụng các hệ thống rà mìn M58 Mine Clearing Line Charge (MICLIC) do Mỹ cung cấp nhưng một số hệ thống này cũng đã bị phá hủy.

Một quan chức cấp cao Ukraine đề nghị giấu tên cho biết Kiev đã nhận được ít hơn 15% tổng số thiết bị kỹ thuật và rà phá bom mìn, bao gồm MICLIC, mà Kiev yêu cầu từ phương Tây trước cuộc phản công. Quan chức này cũng cho biết Kiev chỉ nhận được một số thiết bị đó vào tuần trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov và Tổng Tư lệnh Zaluzhny nói với The Washington Post rằng họ đã thông báo cho các đối tác phương Tây rằng Ukraine cần gấp các hệ thống rà phá bom mìn, chẳng hạn như ngư lôi Bangalore để dọn mìn.

Theo The Washington Post, các quan chức Mỹ cho biết Washington đã cung cấp cho Ukraine gần như mọi loại thiết bị mà nước này yêu cầu trước cuộc phản công và nói rằng không phải lúc nào cũng có thể cung cấp đủ số lượng mà Ukraine yêu cầu.

Tuy nhiên, riêng với các hệ thống MICLIC, Washington cho biết đang nỗ lực để sớm gửi thêm các hệ thống này cho Ukraine và các loại thuốc nổ để Ukraine có thể kích nổ lớp mìn dày đặc.

…dùng cũng không xong

Dù được trang bị một số thiết bị rà phá bom mìn lớn và tiên tiến hơn nhưng lực lượng Ukraine cũng tỏ ra do dự khi sử dụng chúng. Lý do là vì chúng có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của Nga vì cồng kềnh dễ bị phát hiện.

Độ sâu và mật độ của các bãi mìn là những thách thức đặc biệt cho Ukraine dọc theo chiến tuyến ở tỉnh Zaporizhzhia, vốn là nơi quân Nga cho rằng lính Ukraine sẽ tấn công nhằm cắt đứt hành lang trên bộ nối biên giới Nga với bán đảo Crimea.

Địa hình của khu vực này phần lớn là những cánh đồng rộng lớn, có ít chỗ để lính Ukraine ngụy trang các thiết bị và phương tiện lớn. Trong khi đó, quân Nga đã chọn vùng đất cao để đóng quân, do đó rất dễ để quan sát nhất cử nhất động ở những cánh đồng này.

Mìn chống tăng nằm rải rác tại một khu vực đã từng bị Nga kiểm soát ở làng Novodarivka (tỉnh Luhansk). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Mìn chống tăng nằm rải rác tại một khu vực đã từng bị Nga kiểm soát ở làng Novodarivka (tỉnh Luhansk). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Một chỉ huy Ukraine có bí danh là Oskar thuộc Lữ đoàn cơ giới số 47 cho biết đơn vị của ông đã nhận được một chiếc xe tăng rà phá mìn Wisent do Đức cung cấp và đơn vị đã sử dụng trước khi cuộc phản công bắt đầu ở tỉnh Zaporizhzhia.

Xe tăng rà mìn này và các trang thiết bị tương tự của Liên Xô đã giúp đơn vị ông dọn sạch mìn, mở đường cho các đơn vị khác của lữ đoàn tiến hành đợt tấn công đầu tiên.

“Tuy nhiên giờ đây, việc sử dụng chúng đã không còn hiệu quả, bởi vì đối phương mong đợi sự xuất hiện của những thiết bị như vậy - đồ sộ, ồn ào, dễ phát hiện và dễ tấn công” - chỉ huy bí danh Oskar nói.

Bên cạnh đó, Nga có máy bay không người lái (UAV) để trinh sát và phát hiện bất kỳ hệ thống rà phá bom mìn Ukraine và sau đó nhắm mục tiêu bằng pháo và tên lửa.

Do đó, lực lượng Ukraine hiện đang cố gắng tránh để những hệ thống đó hư hại bằng cách gỡ mìn thủ công. Các đơn vị đặc công, đôi khi là một nhóm bốn người, thường sẽ đợi đến chập tối để dọn đường vì nếu làm vào ban ngày thì dễ bị phát hiện, còn làm vào ban đêm thì cũng bị phát hiện qua các thiết bị theo dõi ban đêm.

Các đặc công cho biết việc đi bộ với máy dò kim loại là không thể thực hiện vì quá lộ liễu. Vì vậy, họ bò trên mặt đất và phát hiện mìn bằng mắt thường và điều này làm chậm quá trình tấn công của Ukraine rất nhiều.

Chưa kể, Nga cũng có thể thả thêm mìn từ các UAV ở những địa điểm mà Ukraine đã dọn sạch mìn. Thiếu tá Maksym Prysyazhnyuk, chuyên gia rà phá bom mìn người Ukraine, cho biết lực lượng Nga thường bắn hỏa tiễn rải những quả mìn bướm, bằng nhựa màu xanh lá cây nhỏ khó phát hiện ở những khu vực đã được rà phá.

Mìn Nga dẫn dụ xe tăng xịn của Ukraine

Một sĩ quan thuộc Lữ đoàn cơ giới số 47 cho biết vào ngày đầu tiên của cuộc phản công, một số đơn vị của lữ đoàn lái xe chiến đấu Bradley và xe tăng chiến đấu Leopard đã đi nhầm đường và đâm vào một bãi mìn.

Lúc đó, cả nhóm buộc phải dừng lại khi các phương tiện phía sau lao vào các bãi mìn và mắc kẹt. Lúc đó, quân Nga bắt đầu tấn công từ trực thăng trên đầu và bằng tên lửa chống tăng, khiến một số xe chở quân và xe tăng Ukraine hư hại.

Sĩ quan này nói: “Khi đối phương nhìn thấy trước mặt một chiếc xe tăng Leopard và các thiết bị kỹ thuật đặc biệt, chúng sẽ phá hủy các thiết bị đặc biệt đó trước. Bởi vì không có những thiết bị đó, tất cả trang thiết bị theo sau sẽ không vượt qua được. Chỉ trong vài ngày trong cuộc tấn công, một số phương tiện như vậy đã bị phá hủy cùng với lực lượng vận hành chúng”.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-kho-cua-ukraine-khi-dung-thiet-bi-ra-min-post742582.html