Thế kỷ ít nước mắt nhất

Vậy là đã tròn 1 năm sự kiện Nga phát động 'chiến dịch quân sự đặc biệt' tại Ukraine. Chứ không 'chóng vánh' như cả thế giới từng nghĩ. Chưa thể xác định được chiến sự này sẽ kết thúc lúc nào, và ra sao. Khói lửa, chết chóc và khủng hoảng vẫn từng ngày như lan tới mỗi bữa ăn, giấc ngủ của con người trên hành tinh.

Một ám ảnh khôn tả, khi máy móc, công nghệ đang cướp đi công ăn việc làm của hàng triệu người, còn bom đạn thì cướp đi mạng sống hàng vạn người khác, hàng triệu gia đình ly tán, bơ vơ... Những câu hỏi nào nữa, và câu trả lời nào nữa, về thảm kịch ấy, ngay tại châu lục được xem là văn minh nhất này?

Lịch sử có cuộc chiến tranh ngắn kỷ lục chỉ diễn ra trong vòng...38 phút giữa Vương quốc Anh và Zanzibar hồi cuối thế kỷ 19 cướp đi hàng trăm sinh mạng, cũng có cuộc chiến kéo dài tới 781 năm, từ thế kỷ đầu tiên sau công nguyên, giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để giành lại bán đảo Iberia, giết chết hàng triệu người. Nếu cộng thời gian diễn ra 50 cuộc chiến tranh, xung đột dài nhất lịch sử loài người, thì được con số hơn 3.100 năm, bằng hơn 1/4 thời gian để trở lại thời kỳ đồ đá. Lịch sử cũng ghi nhận, loài người thực sự được sống đúng nghĩa trong hòa bình chỉ có 268 năm, trong vòng 3.400 năm qua. Con số thương vong và thiệt hại trong mọi cuộc chiến tranh trên thế giới này chắc chắn không thể nào tính hết được. Napoléon phút giây hấp hối tại nơi lưu đày trên hòn đảo Nam Đại Tây Dương xa xôi cũng còn thốt lên mấy từ "quân đội". “Chiến tranh chỉ là một lối thoát hèn nhát khỏi những vấn đề của hòa bình”, Thomas Mann – chủ nhân Nobel văn chương năm 1929, đã đúc kết.

Những cuộc chiến chớp nhoáng chỉ là ảo tưởng. Cũng như ảo tưởng sức mạnh vũ khí sẽ giải quyết được mọi thứ. Thế giới sẽ phân cực ra sao, sẽ cực đoan và nguy hiểm thế nào, như hai đầu những thùng thuốc súng, còn tay đặt sẵn lên nút bấm vũ khí hạt nhân, như đã từng? Đâu là giới hạn cuối cùng?

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường vừa qua đời. Nhớ trong tiểu thuyết “Cái trống thiếc” của Günter Grass (Nobel văn chương năm 1999) do ông dịch, có màn kịch ngắn, ở đó nhân vật thốt lên cay đắng về “cuộc chiến tranh gớm ghiếc”, khi chứng kiến bạn mình, một kiến trúc sư thiên tài phải đi xây công sự. Cũng như gần 600 năm trước, hai thiên tài Leonardo da Vinci và Michelangelo cũng phải thiết kế vũ khí, đại bác và công sự khi không có ai đặt vẽ hình Đức Mẹ.

Günter Grass, thời 17 tuổi từng là lính Đức Quốc xã, trong cuốn tiểu thuyết kể trên, đã cho rằng “thế kỷ của chúng ta, cái thế kỷ mà bất luận mọi đau buồn và thống khổ, chắc chắn sẽ bị hậu thế coi là thế kỷ ít nước mắt nhất”. Người ta phải kiếm tìm những giọt nước mắt giả tạo nơi Hầm Hành, một quán ăn chuyên cung cấp dịch vụ thái củ hành để được…khóc!

Thế giới nhiều nơi vừa cúi đầu mặc niệm tròn 1 năm đánh dấu cuộc chiến. Còn ChatGPT sẽ trả lời rất hay, rất trơn tru về nỗi đau và nước mắt.

TRÍ QUÂN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/the-ky-it-nuoc-mat-nhat-post1513053.tpo