Thể lệ Cuộc thi viết 'Gia đình học tập'

Ngày 26/9, Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học chính thức phát động cuộc thi viết 'Gia đình học tập' từ ngày 26/9, hưởng ứng phong trào xây dựng xã hội học tập. Sau đây là thể lệ của cuộc thi.

Cuộc thi viết "Gia đình học tập"

I. NỘI DUNG, HÌNH THỨC THI

1. Tên Cuộc thi: Cuộc thi viết "Gia đình học tập"

2. Căn cứ tổ chức cuộc thi

- Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 22030";

- Quyết định số 242/ QĐ-KHVN của Hội Khuyến học Việt Nam ban hành Bộ tiêu chí và Hướng dẫn đánh giá, công nhận các danh hiệu "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Đơn vị học tập" giai đoạn 2021-2030.

- Phong trào xây dựng xã hội học tập lấy gia đình học tập làm hạt nhân, lan tỏa ra dòng họ học tập và cộng đồng học tập, từ đó góp phần thúc đẩy xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời trong nhân dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay;

3. Nội dung cuộc thi

- Phản ánh, biểu dương những tấm gương gia học tập trong cả nước, góp phần hình thành và khẳng định các mô hình gia đình học tập và xã hội học tập ở Việt Nam.

- Tôn vinh giá trị học tập trong gia đình Việt Nam; từ đó, khuyến khích và biểu dương những gia đình có truyền thống hiếu học, coi trọng việc tổ chức học tập có kết quả tốt để xây dựng đất nước.

- Chia sẻ những câu chuyện, tấm gương, kinh nghiệm học tập từ các gia đình, truyền cảm hứng về tinh thần học tập để phát triển tri thức của các thế hệ trong gia đình Việt Nam.

-Tri ân công lao ông bà, cha mẹ đã chịu thương, chịu khó, định hướng, động viên, giáo dục con cháu học tập vươn lên.

4. Mục đích Cuộc thi

Động viên các tầng lớp nhân dân từ nơi cư trú, từ địa phương phát hiện, biểu dương những gia đình hiện nay đã và đang phấn đấu trở thành "Gia đình học tập" theo 3 tiêu chí lớn và quan trọng mà Hội Khuyến học Việt Nam quy định (Kết quả học tập của gia đình; Điều kiện học tập của gia đình; Tác dụng của học tập đối với gia đình).

Qua đó, phản ánh NHỮNG NÉT ĐẸP về học tập của các gia đình cụ thể ở nước ta trong quá trình phấn đấu đạt danh hiệu "Gia đình học tập". Từ đó biểu dương quá trình vượt khó vươn lên trong học tập của những gia đình cụ thể; tri ân công lao của cha mẹ, ông bà, anh chị em đối với sự học của con cháu; Việc xây dựng kế hoạch, mục tiêu phấn đấu học tập trong gia đình; xây dựng và thực hiện thành công các điều kiện cho học tập của các thành viên gia đình; kết quả học tập của các thành viên gia đình đạt nhiều thành tích; việc giáo dục truyền thống đạo đức, truyền thống hiếu học đối với con cháu; những kỷ niệm xúc động có tính nhân văn, những cảm xúc của các thành viên gia đình trước những quyết định, chuyển biến tư duy, thay đổi điều kiện học tập, coi trọng sự học trong gia đình; …

Tôn vinh những tấm gương gia đình có truyền thống hiếu học, đã và đang phấn đấu đạt danh hiệu "Gia đình học tập" – tế bào của xã hội học tập. Thông qua các tấm gương gia đình học tập tiêu biểu, giới thiệu về các mô hình gia đình học tập theo tiêu chí của Hội Khuyến học Việt Nam.

Kết nối, giới thiệu, truyền cảm hứng về các tấm gương gia đình học tập, lan tỏa cảm hứng học tập đến mọi người xung quanh…

Tạo thêm kênh ghi nhận các gia đình học tập, trong đó có các công dân học tập, để giúp bạn đọc thêm hiểu biết, học tập kinh nghiệm học tập cho các thế hệ công dân.

Đóng góp, đề xuất giải pháp thiết thực đối với phong trào học tập trong các gia đình Việt Nam, từ thành thị tới các vùng nông thôn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

4. Đối tượng dự thi

Các cơ quan, đơn vị, cơ quan báo chí, nhà báo, các nhà nghiên cứu, cán bộ khuyến học các cấp, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam, phụ huynh, học sinh, sinh viên và độc giả trên mọi miền tổ quốc; công dân Việt Nam đang làm việc, học tập ở nước ngoài.

5. Hình thức bài dự thi

Người dự thi (tác giả hoặc nhóm tác giả) gửi bài dự thi bằng hình thức bài viết kèm ảnh/video, hoặc tác phẩm thuộc các loại hình báo chí đa phương tiện.

6. Quy định về bài thi

- Bài dự thi phải phản ánh sự kiện, việc làm của các tấm gương, mô hình gia đình cụ thể có truyền thống hiếu học, đã và đang phấn đấu trở thành "Gia đình học tập" theo tiêu chí của Hội Khuyến học Việt Nam, có luận cứ, luận điểm có nguồn gốc, trích dẫn rõ ràng, chính xác, không hư cấu.

-Người dự thi có thể viết về gia đình mình trong quá trình phấn đấu trở thành Gia đình học tập", tri ân công lao của ông bà, cha mẹ mình đã định hướng, giúp đỡ, hy sinh vì thành công trong học tập của con cháu.

- Các nội dung chia sẻ được đề cập tập trung trong khuôn khổ các gia đình học tập cụ thể tại Việt Nam. Từ đó, khái quát lên các vấn đề xã hội có phạm vi ảnh hưởng tác động, lan tỏa tinh thần học tập suốt đời tới cộng đồng.

- Bài dự thi phải thể hiện được nội dung cô đọng, đúng trọng tâm, đề tài có tầm ảnh hưởng và đóng góp vào phát triển các hoạt động học tập của các gia đình, dòng họ, địa phương; có hiệu quả tuyên truyền giáo dục, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội.

- Mỗi bài dự thi không quá 2.000 từ (có thể viết tay hoặc đánh máy) trên khổ giấy A4. Tác phẩm báo chí đa phương tiện phải được hoàn thiện trước khi gửi dự thi.

- Bài dự thi phải ghi đầy đủ thông tin của người dự thi (bao gồm: họ và tên, địa chỉ cư trú hoặc đơn vị công tác, số điện thoại, email liên hệ). Khuyến khích các tác phẩm, bài viết kèm theo ảnh, tư liệu, số liệu, biểu đồ, báo cáo,… đính kèm có tính thuyết phục cao.

- Ban Tổ chức sẽ đăng tải ngay những bài dự thi có chất lượng trên Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học cũng như các nền tảng số của Tạp chí và được hưởng nhuận bút. Ban Tổ chức không hoàn lại bản thảo bài dự thi.

II. THỜI GIAN, NƠI NHẬN BÀI DỰ THI

1. Thời gian tổ chức thi

- Thời gian nhận bài thi bắt đầu từ ngày 2/10/2024 đến hết ngày 1/5/2025.

- Tổng kết, trao giải và khen thưởng Cuộc thi dự kiến vào dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2025) có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Trung ương, Hội Khuyến học Việt Nam, đại diện các Bộ, Ban, Ngành và các Doanh nghiệp đồng hành, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

2. Nơi nhận bài dự thi

Tác giả gửi bài dự thi trực tiếp tới Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học tại địa chỉ email: , hoặc liên hệ số điện thoại hotline: 2473.098.555; Gửi trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới Tòa soạn tại địa chỉ: Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học (Số 29/67 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội); Đầu mối: Nhà báo Trương Thúy Hằng- Tổng Thư ký Tòa soạn, điện thoại: 0904688426.

III. GIẢI THƯỞNG

Ban Tổ chức Cuộc thi tặng giải thưởng cho các cá nhân tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải cùng Bằng chứng nhận Giải của Ban Tổ chức, theo cơ cấu gồm :

1. Giải Nhất: 01 giải 10.000.000 đồng

2. Giải Nhì: 02 giải, mỗi giải 5.000.000 đồng

3. Giải Ba: 03 giải, mỗi giải 3.000.000 đồng

4. Giải Khuyến khích: 10 giải, mỗi giải 1.000.000 đồng

5. Giải bài dự thi được nhiều người đọc nhất: 01 giải 2.000.000 đồng

6. Giải tập thể có nhiều bài dự thi nhất: 01 giải 2.000.000 đồng

7. Giải cá nhân có nhiều bài dự thi được đăng trên Tạp chí Công dân và Khuyến học: 01 giải 2.000.000 đồng.

IV. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo Cuộc thi không được tham gia dự thi.

2. Người dự thi phải bảo đảm và chịu trách nhiệm về tính chân thực, chính xác nội dung của bài viết, tác phẩm dự thi. Một người dự thi có thể có nhiều bài dự thi viết về các tấm gương, mô hình gia đình khuyến học. Bài viết dự thi phải là tác phẩm chưa tham gia bất kỳ cuộc thi nào.

3. Danh sách các tác phẩm đoạt giải sẽ được Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học toàn quyền sử dụng đăng tải trên các hạ tầng số của Tạp chí.

4. Khi đến nhận giải thưởng, cá nhân đạt giải phải mang theo Căn cước công dân hoặc giấy ủy quyền hợp pháp.

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

PV

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/the-le-cuoc-thi-viet-gia-dinh-hoc-tap-179240926163417942.htm