Thế mạnh thu hút các công ty quốc tế của Việt Nam

Tham tán nông nghiệp Hà Lan cho biết Việt Nam và Hà Lan có thể cùng nhau phối hợp để giải quyết những thách thức chung về biến đổi khí hậu với nông nghiệp.

 Các giải pháp nông nghiệp thông minh và bền vững là điều mà Việt Nam và Hà Lan hướng đến. Ảnh: HLB Global.

Các giải pháp nông nghiệp thông minh và bền vững là điều mà Việt Nam và Hà Lan hướng đến. Ảnh: HLB Global.

Đều là những quốc gia chú trọng vào nông nghiệp làm vườn và tham vọng xuất khẩu, Hà Lan và Việt Nam có thể học hỏi, bổ sung cho nhau, Tham tán Nông nghiệp Hà Lan Ingrid Korving nhận định.

Trả lời Zing bên lề Triển lãm quốc tế về chuyên ngành sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam 2023, tại TP.HCM vào đầu tháng 3, bà Korving đánh giá cao nhiều tiềm năng của Việt Nam để phát triển sản phẩm nông nghiệp, cũng như những lĩnh vực mà Hà Lan có thể chia sẻ, hỗ trợ để phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Tận dụng điểm mạnh của Việt Nam

Tham tán Nông nghiệp Hà Lan Ingrid Korving cho biết Việt Nam có nhiều điểm mạnh về nông nghiệp để thu hút sự chú ý từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo bà Korving, đây là đất nước có nhiều vùng sản xuất, với đa dạng khí hậu, do đó thích hợp để tạo ra nhiều loại rau củ khác nhau.

Ngoài ra, Việt Nam còn là thị trường xuất khẩu tiềm năng của châu Á. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2022 xác lập kỷ lục mới về tổng giá trị và thặng dư thương mại.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 53,22 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nông sản chính đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2021.

Bà Korving nhận định những yếu tố về vùng khí hậu, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh là thế mạnh Việt Nam đang có. Điều này thu hút sự chú ý của các công ty quốc tế, đặc biệt là các công ty Hà Lan muốn hợp tác trong lĩnh vực làm vườn để chia sẻ chuyên môn, công nghệ và các sáng kiến nông nghiệp.

 Tham tán Nông nghiệp Hà Lan Ingrid Korving. Ảnh: Trần Hoàng.

Tham tán Nông nghiệp Hà Lan Ingrid Korving. Ảnh: Trần Hoàng.

Bà cho biết Chính phủ Việt Nam đã muốn chuyển dịch trong nông nghiệp, hướng tới nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Hà Lan, với tư cách một nước mạnh về cả sản xuất và xuất khẩu, cũng đặt ra những vấn đề tương tự.

Đầu tư cho lợi ích bền vững

Tham tán Nông nghiệp Hà Lan cho rằng chi phí nguyên vật liệu đầu vào cũng đang là một bài toán khiến những người nông dân đắn đo.

“Những hạt giống rẻ đôi khi lại cho ra kết quả hạn chế. Vì vậy, bạn có thể đầu tư nhiều hơn vào những giống cây trồng và vật liệu nông nghiệp chất lượng. Giá cả có thể cao hơn, nhưng đem lại chất lượng khi thu hoạch. Từ đó, cây trồng mang lợi nhuận và bền vững hơn”, bà Korving nói.

Tính bền vững trong nông nghiệp còn liên quan đến quản lý nguồn nước. Khi sử dụng quá nhiều nước ngầm, điều này sẽ làm cho đất nhiễm mặn và xói mòn. Do đó, việc sử dụng hệ thống tưới tiêu tuần hoàn, làm nước có thể tái sử dụng, sẽ gây ít tác động hơn đến môi trường.

Cuối cùng, việc chọn vật liệu sử dụng trong nông nghiệp như hệ thống tự động hóa, vật liệu nhà kính có thể giúp cây trồng chống chọi trước biến đổi khí hậu, sâu bọ và dịch bệnh, bà Korving nói.

Điều này làm nổi bật lên những điều kiện và nhu cầu để Việt Nam và Hà Lan có thể hợp tác, trao đổi sâu rộng hơn nữa trong nông nghiệp làm vườn.

Trong chuyến thăm Hà Lan hồi tháng 12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Hà Lan có thể giúp Việt Nam về giống cây trồng, công nghệ chế biến, kinh nghiệm, thị trường, thông tin về các sản phẩm phù hợp nhu cầu người tiêu dùng thế giới. Ngược lại, Việt Nam có thể cung cấp nguồn nguyên liệu rất phong phú cho Hà Lan.

Tăng trưởng xanh là chìa khóa

Theo Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar, Việt Nam và Hà Lan đều có chung những thách thức với nền nông nghiệp, như tình trạng nước biển dâng và nhu cầu khử muối nước biển.

Do đó, hướng tới nông nghiệp xanh, bền vững, sử dụng ít hóa chất nông nghiệp và nhiều giải pháp sinh học, áp dụng công nghệ thông minh là chìa khóa để nông nghiệp hai nước giải quyết bài toán biến đổi khí hậu toàn cầu.

 Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar trả lời phỏng vấn tại triển lãm HortEx 2023. Ảnh: Trần Hoàng.

Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar trả lời phỏng vấn tại triển lãm HortEx 2023. Ảnh: Trần Hoàng.

Ngoài ra, bền vững theo nhận định của ông van Baar còn đến từ việc đảm bảo mức sống cho nông dân. “Đó cũng là tính bền vững khi chúng ta nhắc đến cuộc sống đủ đầy của người dân”, ông nói với Zing.

Trong bối cảnh EU có những quy định nghiêm ngặt về sản phẩm, tính minh bạch là điều cần thiết để nông sản Việt Nam có đủ điều kiện xuất sang thị trường lớn này.

Việc này đòi hỏi nông sản và nguyên liệu đầu vào phải có thể truy xuất nguồn gốc, cũng như lượng khí thải để làm ra các sản phẩm nông nghiệp - không chỉ trong quá trình sản xuất mà còn giai đoạn vận chuyển.

Từ những mối quan tâm chung của hai nước, Đại sứ Kees van Baar cho biết trong năm nay, khi Việt Nam - Hà Lan kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, hai bên sẽ tập trung vào hợp tác nông nghiệp và quản lý nguồn nước, bên cạnh công nghệ cao và hạ tầng logistics thông minh.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-manh-thu-hut-cac-cong-ty-quoc-te-cua-viet-nam-post1409408.html