Thế mạnh Việt Nam thắng lớn toàn cầu, thời hoàng kim tỷ USD
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I/2022, xuất khẩu cá tra tăng gần 90% so với cùng kỳ năm trước. Ở hầu hết các thị trường chủ lực, giá trị XK cá tra đang tăng trưởng dương từ hai, thậm chí là ba con số.
Xuất khẩu tăng kỷ lục
Cụ thể, sau khi gặp khó khăn vì chính sách “zero covid” tại thị trường Trung Quốc - Hong Kong, cuối quý I năm nay xuất khẩu cá tra lấy lại đà tăng trưởng. Tính đến hết tháng 3/2022, XK cá tra sang thị trường này đạt 183,4 triệu USD, tăng hơn 163% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, khi kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá POR17 được công bố, các doanh nghiệp (DN) cá tra không bị áp thuế đang đẩy mạnh XK sang thị trường Mỹ. Kéo theo, giá trị XK cá tra sang Mỹ đạt hơn 160 triệu USD, tăng 123% trong quý I năm nay.
Tại thị trường EU, sau nhiều năm giảm sút, XK cá tra cũng bật tăng 86,2% so với quý I/2021, đạt 46,7 triệu USD. Giá trị XK cá tra sang các thị trường lớn trong khối như: Hà Lan tăng 86%; Đức tăng 97%; Bỉ tăng 120%; Tây Ban Nha tăng 67%.
Xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh trong quý I năm 2022 (ảnh: Minh Dũng)
Giá cá tra tăng cao, nhu cầu tiêu thụ cá tra thế giới khả quan, đơn hàng dồi dào kéo giá cá tra phile đông lạnh trung bình xuất khẩu hiện tăng lên mức 3,4 USD/kg, tăng 0,25 USD/kg so với tháng 1/2022.
Xuất khẩu thuận lợi, giá cá tra nguyên liệu trong nước cũng tăng vọt. Ở Tiền Giang, giá cá tra thương phẩm đang ở mức khoảng 30.000 đồng/kg, tăng hơn gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2021.
Tại khu vực ĐBSCL, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cho biết, những ngày qua, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng mạnh lên mức 31.000-33.000 đồng/kg. Đây là giá cao nhất trong hơn 2 năm trở lại, đảm bảo cho người nuôi lãi khoảng 5.000 đồng/kg.
Không chỉ người nuôi đảo ngược tình tế từ thua lỗ thành lãi cao, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng thắng lớn dịp này. Theo đó, Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận doanh thu tăng liên tiếp trong 3 tháng, chủ lực là cá tra. Riêng tháng 2, doanh thu cá tra tăng mạnh đến 160%.
Lũy kế quý đầu năm nay, tổng doanh thu đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. VHC lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 43,6% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận trước thuế đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 36,5% so với thực hiện năm 2021.
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết, tháng đầu năm DN này ghi nhận doanh số gần 29 triệu USD, bằng 190% lần so với cùng kỳ. Còn quý I năm nay, doanh số tăng hơn 39%, lên mức 58,7 triệu USD.
Sang “chợ đầu mối” lớn mở rộng thị phần ở châu Âu
Mới đây, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đồng loạt tham dự Hội chợ Thủy sản toàn cầu 2022 tại Barcelona (Fira Barcelona Gran Via, Tây Ban Nha).
Theo VASEP, cho tới nay, Tây Ban Nha vẫn là nước dẫn đầu châu Âu về sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu thủy sản đông lạnh. Đây cũng là cửa ngõ và “chợ đầu mối thủy sản” lớn kết nối nhiều thị trường trong khu vực này.
Giá cá tra thương phẩm tăng kỷ lục giúp người nuôi từ lỗ thành lãi cao (ảnh: Minh Dũng)
Thế nên, các DN cá tra Việt Nam tận dụng cơ hội này để ký thêm đơn hàng, mở rộng thị phần tại EU nói chung và Tây Ban Nha nói riêng.
Tại hội nghị ngành hàng cá tra năm 2022, các DN nhận định đà tăng của giá cá tra nguyên liệu và xuất khẩu sẽ kéo dài đến tháng 4 và đỉnh điểm trong cuối năm 2022-2023.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển thế giới tăng cao, đánh bắt biển cũng đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn, đây là cơ hội cho cá tra có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới.
Phó Tổng thư ký VASEP Tô Thị Tường Lan dự báo, XK cá tra trong năm 2022 tăng 20-25% so với năm 2021, giá cá tra xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 5%.
Theo bà, xuất khẩu cá tra đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để có thể trở lại thời hoàng kim. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19, chi phí logistics, cước vận tải biển leo thang và lạm phát ở Mỹ là những yếu tố cản đà tăng trưởng của xuất khẩu cá tra.
Bà Lan cũng cho rằng, giá cá tra tăng tạo động lực cho doanh nghiệp, nông dân đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần định hướng cho người nuôi, doanh nghiệp cân đối cung cầu để tăng độ an toàn giá trị và lợi nhuận, tránh tình trạng phát triển nóng như năm 2018.
Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra thừa nhận, thị trường cá tra cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, xuất khẩu tăng mạnh. Nếu nóng vội nuôi theo phong trào, không gắn với thị trường thì sẽ đối mặt với nguy cơ giá cá nguyên liệu giảm, mất cân đối cung cầu. Việc này cũng đã từng xảy ra năm 2018, khiến giá mặt hàng này 3 năm sau đó giảm liên tục.
Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, trong năm 2022, sản lượng cá thương phẩm ước đạt 1,6-1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD. Còn trong quý II năm nay, dự báo xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn đều giữ mức tăng trưởng dương.