Thế nào là doanh nghiệp nhà nước?
Cách hiểu và định nghĩa thế nào là DN Nhà nước còn có sự khác biệt, gây lúng túng cho các bên liên quan, gây khó khăn trong quản lý, hình thức kế toán - kiểm toán, quyết định kinh doanh, cách điều hành đối với các DN; thậm chí cản trở hoạt động của DN.
Mở rộng khái niệm, có thêm hơn 1200 DNNN
Theo Luật DN, thì DN Nhà nước (DNNN) là DN có 100% vốn Nhà nước, còn với DN mà Nhà nước giữ 50% vốn và hơn 50% thì áp dụng khung quản trị như công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, Nhà nước thực hiện quyền của mình với tư cách là thành viên, là cổ đông.
Nhưng NQTW 5 khóa XII (NQ TW 5) lại coi DNNN có 2 loại: DN mà Nhà nước giữ 100% vốn và DN mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Vì vậy, để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII cần đưa ra khái niệm DNNN mới trong Luật DN sửa đổi lần này. Tuy nhiên, định nghĩa “thế nào là DNNN” vẫn còn nhiều băn khoăn.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 1/1/2018, cả nước có 1.204 DN 100% vốn Nhà nước thuộc mọi cấp độ quản lý; 1.282 công ty cổ phần có cổ phần Nhà nước lớn hơn 50% thuộc mọi cấp quản lý (bao gồm cả công ty con của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước). Với số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu mở rộng tối đa khái niệm DNNN thì ít nhất có thêm 1.282 công ty cổ phần được gọi là DNNN và trở thành đối tượng điều chỉnh của pháp luật về DNNN. Như vậy số DNNN sẽ tăng lên.
Lo ngại về điều này, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban nghiên cứu cải cách và phát triển DN của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phát biểu: “Số DN tăng lên này sẽ phải chịu sự điều chỉnh của nhiều luật mà trước đây không bị chi phối. Ngoài ra còn các văn bản, quy định khác dưới luật”.
Ông Trung dẫn ra hiện có tới 9 luật hiện hành đều quy định về chủ thể là “DNNN”: Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quản lý tài sản công, Luật Tiếp cận thông tin, Bộ luật Dân sự, Luật Thủy lợi. Luật Lâm nghiệp, Luật Kiểm toán nhà nước. Trong đó có 3 luật gây tác động trực tiếp nếu DN được xác định là “DNNN” là Luật Đấu thầu, và Luật Xây dựng (Điều 60 và Điều 63), Luật Ngân sách Nhà nước (Điều 5, 35 và 37).
Là một nhân vật chủ chốt trong việc soạn thảo Luật DN sửa đổi, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM cho biết: “Nhất thiết phải làm rõ DN nào được gọi là DNNN, để từ đó có mô hình quản lý, quản trị phù hợp, tránh tình trạng áp đặt, cứ có vốn Nhà nước là bị quản lý như DNNN trong giai đoạn trước…”.
Chi phối là bao nhiêu
Theo NQTW 5 DNNN có 2 loại: DN mà Nhà nước giữ 100% vốn và DN mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Nhưng thế nào là cổ phần chi phối? Ban soạn thảo Luật DN sửa đổi cũng đang lúng túng và gặp khó với vấn đề này. Giữ bao nhiêu cổ phần thì được coi là chi phối? Thế rồi công ty con cấp I, cấp II, cấp III của Tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ- công ty con có được xác định là DNNN không? DN do một DNNN giữ cổ phần chi phối (ví dụ SCIC) có phải là DNNN không?…
Mở rộng khái niệm DN đến đâu sẽ tạo ra nhiều thay đổi đến đó và sẽ có thêm nhiều tác động. “Việc sửa đổi khái niệm sẽ mở rộng phạm vi, đối tượng được áp dụng và thay đổi cách quản trị của các DNNN. Các DN này sẽ phải tuân thủ hàng loạt các luật và các quy định về nhân sự, kiểm toán, thanh tra…”, ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết. Hiện SCIC đang quản lý 144 DN, có 51% có vốn Nhà nước.
Ông Hoàng Trường Giang, Ban Kinh tế TW, cho biết, sở dĩ NQTW 5 đưa ra khái niệm DNNN bao gồm cả DN có cổ phần Nhà nước chi phối là do mục tiêu của Nghị quyết là cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, để cơ bản là sau năm 2020, kể cả tập đoàn và tổng công ty sẽ đa sở hữu, không còn DN 100% vốn Nhà nước nữa.
Nguyên Viện trưởng CIEM, ông Lê Xuân Bá lưu ý khái niệm DNNN theo NQTW 5 và nhấn mạnh từ “hoặc” (DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối). Theo ông, “hoặc” và “và” là 2 khái niệm khác nhau và cần làm rõ.
Bày tỏ quan điểm cá nhân, ông Bá nói: “Không nên mở rộng phạm vi quy định đối với DNNN, nhất là đối với trường hợp Nhà nước góp ít vốn. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng trên thực tế thì khu vực DN thường hoạt động thiếu hiệu quả hơn so với DN tư nhân”. Ông Lê Xuân Bá góp ý đơn vị soạn thảo nội dung sửa đổi Luật DN cần bám sát quan điểm đổi mới, đưa các ý tưởng, nội dung tiến bộ vào luật nhằm phục vụ mục tiêu hỗ trợ DN phát triển tối đa, với tinh thần cởi mở và minh bạch.
Ông Đặng Đức Đạm, nguyên Phó viện trưởng CIEM đề nghị dứt khoát rằng không nên sửa khái niệm DNNN, không mở rộng khái niệm DNNN. “Chỉ cần nói DNNN là DN có vốn Nhà nước chi phối là đủ, không cần nói 100% hay 51% vốn nhà nước. 100% vốn Nhà nước cũng là chi phối chứ?”- ông Đạm nói.
Về vấn đề này, nhóm nghiên cứu của CIEM đưa ra 4 phương án xác định DNNN là khi: Nhà nước giữ hơn 65% vốn điều lệ: mức độ chi phối là tuyệt đối, Nhà nước quyết định tất cả các vấn đề hệ trọng của DN; Nhà nước giữ 50% vốn điều lệ: mức độ chi phối chủ động cộng với quyết định phần lớn các vấn đề quan trọng của DN (gồm nhân sự, điều lệ); CIEM cho rằng đây là phương án hợp lý nhất; Hơn 35% vốn điều lệ: mức độ chi phối là thụ động/thực hiện quyền phủ quyết để định hướng DN; Chỉ cần có vốn nhà nước, Nhà nước có quyền trực tiếp/gián tiếp bổ nhiệm các thành viên HĐQT, tổng giám đốc, quyết định điều lệ DN: mức độ chi phối là quyết định những vấn đề lớn của DN không phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/the-nao-la-doanh-nghiep-nha-nuoc-91604.html