Thế nào là đồng phạm trong vụ án hình sự?
'Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm'. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm….Việc xác định chính xác tội phạm có hay không có đồng phạm trong vụ án hình sự sẽ tránh được trường hợp làm oan bỏ lọt tội phạm.
Trên thực tiễn cho thấy nhận thức về đồng phạm hiện nay chưa được thống nhất, vẫn còn nhiều quan điểm và ý kiến trái ngược nhau. Những ý kiến khác nhau này đã gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, mà trường hợp dưới đây là một ví dụ điển hình để chúng ta đưa ra trao đổi:
Theo đó, Thái Văn P. cùng Nguyễn Thị Kim N. đến khách sạn Sơn Trà tọa lạc ấp Phú Thuận, xã Long Khánh, thị xã C, tỉnh T thuê phòng số 9. Khi vào phòng, Thái Văn P. ôm hôn mặt và môi của N.
Sau đó, P. và N. tự cởi quần áo của mình và quan hệ tình dục. Sau khi quan hệ xong thì P. tự mặc quần áo vào, N. vào nhà tắm trong phòng nghỉ khách sạn tắm và tự mặc quần áo. Sau đó, Thái Văn P. đưa Nguyễn Thị Kim N. ra bến xe thị xã C để N. đón xe đi đến tỉnh Bình Dương làm thuê.
Đến tháng 5/2014 (không xác định rõ ngày), Nguyễn Thị Kim N. gọi điện thoại báo tin cho P. biết là đã có thai. Ngày 20/7/2014, Thái Văn P. và Nguyễn Thị Kim N. tổ chức lễ cưới nhưng không đăng ký kết hôn, do N. chưa đủ tuổi để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Ngày 18/10/2014, N. sinh 1 con gái đặt tên Nguyễn Thị Y Phụng. Theo lời khai của Thái Văn P. và Nguyễn Thị Kim N., từ tháng 5/2014 (sau khi biết Ngân có thai) đến hết tháng 9/2015 (sau khi N. sinh con 1 năm) Thái Văn P. không có giao cấu với Nguyễn Thị Kim N.
Từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2017 (không xác định rõ ngày), Thái Văn P. và Nguyễn Thị Kim N. khai tiếp tục giao cấu với nhau nhiều lần, cụ thể giao cấu 10 lần tại nhà bà Đặng Thị Kim B., (SN 1961, ngụ ấp Phú Mỹ, xã Phú Quý, thị xã C, tỉnh T – mẹ ruột Thái Văn P.) và 10 lần tại nhà bà Nguyễn Thị M., (SN 1972 ngụ ấp Mỹ Lợi B, xã Long Tiên, huyện D, tỉnh T – mẹ ruột Nguyễn Thị Kim N.). Sau thời gian này, giữa Thái Văn P. và Nguyễn Thị Kim N. phát sinh mâu thuẫn, nên N. bỏ về gia đình mẹ ruột sống. Ngày 28/3/2018, Nguyễn Thị Kim N. có đơn tố giác hành vi của Thái Văn P.
Vụ án trên đã được Viện kiểm sát tỉnh T truy tố Thái Văn P. về hai tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và “Giao cấu với trẻ em”.
Về vấn đề này hiện có hai luồng quan điểm như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Thống nhất quan điểm với Viện kiểm sát truy tố Thái Văn P. về hai tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và “Giao cấu với trẻ em”.
- Quan điểm thứ hai: Vẫn thống nhất với quan điểm 1 về truy tố Thái Văn P. về hai tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và “Giao cấu với trẻ em”, nhưng cần phải khởi tố thêm hai bên gia đình P. và N. về tội “Giao cấu với trẻ em” với vai trò đồng phạm (người giúp sức) về mặt tinh thần. Do hai bên gia gia đình P. và N. đã tổ chức đám cưới cho P. và N. tức là đã tạo điều kiện cho P. và N. ngủ chung với nhau dẫn đến P. phạm tội “Giao cấu với trẻ em”, nên hai bên gia đình P. và N. cũng phạm tội “Giao cấu với trẻ em”.
Vấn đề ở đây được đặt ra là hai bên gia đình P. và N. tổ chức làm đám cưới chứ không thể hiểu một cách máy móc là tạo điều kiện giúp sức về mặt tinh thần cho P. thực hiện tội phạm.
Căn cứ pháp lý của đồng phạm là hai người cùng cố ý thực hiện một tội phạm, tức là mỗi người trong đồng phạm đều có hành vi tham gia vào thực hiện tội phạm, hành vi của mỗi người được thực hiện không biệt lập nhau mà trong sự liên kết với nhau, hành vi của người này hỗ trợ, bổ sung cho hành vi của người khác và ngược lại.
Khi thực hiện tội phạm, mỗi người đồng phạm không chỉ cố ý với hành vi phạm tội của mình mà còn biết và mong muốn sự tham gia của những người đồng phạm khác. Cùng cố ý trong đồng phạm được thể hiện trên hai phương diện về lý trí và ý chí.
Về lý trí: Mỗi người đồng phạm đều nhận thức được tính chất nguy hiểm hành vi của mình và những người đồng phạm khác, thấy trước được hậu quả chung của hành vi phạm tội đó.
Về ý chí: Những người đồng phạm khi thực hiện hành vi đều mong muốn cùng thực hiện tội phạm và mong muốn hậu quả xảy ra. Vì vậy, sẽ không được coi là đồng phạm khi một số người đã cùng thực hiện một tội phạm và cùng một thời gian, nhưng giữa những người này không có sự bàn bạc, liên hệ, ràng buộc, hỗ trợ nhau mà hành vi của từng người đều thực hiện độc lập.
Trở lại vụ án trên, Tòa án tỉnh T nhận thấy vụ án trên có đồng phạm, tránh bỏ lọt tội phạm nên đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung với yêu cầu là làm rõ trách nhiệm hình sự đối với hai bên gia đình P. và N.
Thông qua bài viết này, tác giả cũng mong quý đồng nghiệp cùng nhau trao đổi, tìm hiểu nghiên cứu thêm vấn đề đồng phạm trong luật hình sự nước ta là rất cần thiết./.