Thế nào là thành phố an toàn cho phụ nữ?

Thiết kế không gian đô thị thân thiện, an toàn hơn với phụ nữ không chỉ cải thiện bình đẳng giới mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các nhóm đối tượng khác sinh sống tại thành phố.

Công viên Alexandra nằm ở thị trấn ven biển Hastings của Anh. Tại đây có những khu vực cây cối rậm rạp và một số hồ nước, cũng như hai con đường dài, rộng len lỏi xung quanh những bãi cỏ dốc thoai thoải, vườn cây và thậm chí cả một đường ray xe lửa thu nhỏ. Alexandra dường như có bất kỳ thứ gì mà một người mê công viên muốn, ngoại trừ đèn, camera an ninh và các thiết bị giám sát an toàn khác.

Công viên chú trọng cả môi trường sống cho động vật thành thị nên khu vực này không có đèn. Vào tháng 6/2020, trong lúc dắt chó đi dạo, Kay Early bị một người đàn ông bám theo và bị đấm liên tiếp vào mặt, theo BBC.

Kể từ đó, Early phải sống chung với rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD). Chín tháng sau, cảnh sát nói vụ án của cô bị hủy bỏ vì thiếu bằng chứng. Họ nói nếu có video giám sát trong công viên, diễn biến vụ án có thể khác đi.

Điều này đã khiến Early và bạn của cô kiến nghị về các biện pháp an toàn trong công viên, bao gồm cả lắp camera và đèn. Để giảm thiểu ảnh hưởng đến động vật và lo ngại về quyền riêng tư, họ cho rằng chỉ cần giám sát duy nhất một con đường trong công viên.

Khi nghĩ về bình đẳng giới, nhiều người chỉ hay nhớ tới các mục tiêu chính sách như trả công bình đẳng, chống lại quấy rối tình dục hay tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, Atlantic cho rằng con người không thể bỏ quên không gian bất bình đẳng giới đang tồn tại ngay xung quanh: Đó là không gian công cộng tại đô thị.

Nhiều người đang tìm cách để xây dựng hoặc chuyển đổi các thành phố một cách toàn diện, giúp cư dân là nữ không còn sợ hãi khi rời khỏi nhà. Điều này liên quan tới những thay đổi tương đối nhỏ - như thêm phố đi bộ, không gian mở, lối đi đủ ánh sáng - nhưng có thể giúp phụ nữ cảm thấy an toàn hơn ở không gian công cộng.

Không chỉ cải thiện an ninh cho phụ nữ, thiết kế đô thị chú trọng bình đẳng giới cũng sẽ cải thiện khả năng tiếp cận và sinh sống an toàn tại thành phố cho tất cả đối tượng, theo BBC.

“Thiết kế như thể thành phố chỉ có mỗi đàn ông”

Mặc dù khu đô thị đa dạng các đối tượng sinh sống, gần như mọi thành phố được thiết kế với suy nghĩ rằng đối tượng duy nhất là một người đàn ông 30 tuổi khỏe mạnh, theo nhà quy hoạch đô thị Sara Candiracci.

Nhiều thành phố có tuyến đường quy hoạch cho những người chỉ đi từ nhà đến nơi làm việc bằng xe riêng hoặc phương tiện giao thông công cộng vào những thời điểm đã định sẵn. Trong khi đó, họ không hề tính tới chuyện có những người phải đi bộ để chăm sóc trẻ em và mua sắm. Trong một xã hội bất bình đẳng, những công việc đó thường được giao cho phụ nữ, và không được trả công.

Ngoài quyền tự do đi lại bị hạn chế, phụ nữ cũng gặp các vấn đề về an ninh an toàn. Phụ nữ tại các thành phố có trải nghiệm trái ngược hoàn toàn với nam giới, ví dụ họ luôn chú ý người lạ là nam, trong khi nam giới thì không chú ý tới phụ nữ lạ mặt.

Tại Dublin, 36% phụ nữ được khảo sát cảm thấy không an toàn khi đi dạo trong khu phố vào ban đêm, so với 13% nam giới. Ở Honiara, thủ đô Quần đảo Solomon, 93% nữ giới được hỏi đôi khi cảm thấy không an toàn ở nơi công cộng.

 Không gian đa thế hệ, đa giới tính là không gian thoải mái nhất với phụ nữ, theo BBC. Ảnh: Alamy.

Không gian đa thế hệ, đa giới tính là không gian thoải mái nhất với phụ nữ, theo BBC. Ảnh: Alamy.

Giới tính cũng là yếu tố quan trọng nhất phản ánh mức độ lo lắng của hành khách trên các phương tiện giao thông công cộng. Một cuộc khảo sát ở Anh cho thấy 93% phụ nữ cảm thấy sợ hãi khi chờ tàu vào ban đêm vì tầm nhìn bị che khuất, so với 53% nam giới.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Stanford phân tích dữ liệu di động của hơn 700.000 người trên toàn thế giới, nữ giới đi bộ mỗi ngày ít hơn đáng kể so với nam giới.

Một trong những nguyên do dẫn đến kết luận này là do môi trường đô thị. Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự khác biệt về số bước đi giữa nam và nữ giảm đi đáng kể ở các thành phố có nhiều điểm đi bộ. Không chỉ vậy, nữ giới cũng cảm thấy không an toàn nên họ phải trả tiền đi phương tiện công cộng hoặc taxi để “mua” sự an toàn.

Ở Washington DC, Mỹ, Hannah Geyer đã từ bỏ 15 phút đi bộ xuyên qua công viên tới nơi cô biểu diễn cho một chương trình tạp kỹ. Nhóm đàn ông lảng vảng trong công viên khiến cô sợ hãi. Geyer trả tiền để đi chung xe, khoảng 5-10 USD cho mỗi lần.

“Khi tôi đi xe quãng đường ngắn như vậy, các bạn nam thường nói tôi lười biếng”, Geyer nói. “Tôi nghĩ thật buồn khi đối với đàn ông, đó là lười biếng, trong khi phụ nữ rõ ràng làm điều đó để bảo vệ bản thân. Tôi chưa bao giờ bị phụ nữ bình phẩm như vậy”.

Những hậu quả có thể vượt ra ngoài ảnh hưởng về thể chất và tâm lý với phụ nữ. Quấy rối và lo sợ bạo lực cản trở việc đi lại tự do của trẻ em gái và phụ nữ và ngăn họ phát huy hết tiềm năng, cả về mặt xã hội và kinh tế.

“Nếu phụ nữ sợ hãi, họ sẽ không muốn đi làm và đi học”, Laura Somoggi - người quản lý giải thưởng Womanity - cho biết. "Điều này làm ảnh hưởng đến việc trao quyền và quyền của họ”. Nỗi sợ hãi bị tấn công là rào cản để phụ nữ thoát nghèo.

Trong chuyến thăm tới Delhi, bà Somoggi đã tận mắt chứng kiến những tác động lâu dài: “Nếu các bé gái bị quấy rối và nói với cha mẹ về việc này, họ sẽ bảo các em không được đến trường. Họ không cố gắng giải quyết vấn đề. Đó là vấn đề xã hội lớn”.

 Cải tiến đơn giản như lắp thêm tay vịn, trồng thêm cây và dọn phẳng đường đi ở Lima, Peru đem lại nhiều tác động tích cực cho cộng đồng. Ảnh: BBC.

Cải tiến đơn giản như lắp thêm tay vịn, trồng thêm cây và dọn phẳng đường đi ở Lima, Peru đem lại nhiều tác động tích cực cho cộng đồng. Ảnh: BBC.

Không chỉ hữu ích với phụ nữ

Vào giữa những năm 1990, các quan chức ở Vienna phát hiện ra trẻ em gái sau 9 tuổi có xu hướng ít sử dụng công viên, trong khi trẻ em trai sẽ dùng đến tuổi thiếu niên. Các cậu bé chiếm ưu thế ở sân bóng rổ và khu vui chơi, còn các cô bé chỉ đi qua chứ không dừng lại để chơi.

Do đó, họ đã thiết kế công viên có những không gian phù hợp với giới tính, như lắp đặt thêm sân bóng chuyền và cầu lông cho bé gái, xây thêm ghế ngồi, đồng thời chia các khu vực mở thành không gian riêng tư hơn.

Câu chuyện về công viên này chỉ là một trong số hơn 60 dự án thí điểm quy hoạch và thiết kế đô thị mà thành phố Vienna đã triển khai như một phần của chính sách công “lồng ghép giới”.

“Lồng ghép giới” là hoạt động đảm bảo nữ giới và nam giới được coi trọng như nhau trong chính sách, pháp luật và phân bổ nguồn lực. Đề xuất vào năm 1985, “lồng ghép giới” được coi là chiến lược toàn cầu của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới vào năm 1995. Tuy nhiên, Vienna đã áp dụng từ nhiều năm trước.

Đi đầu trong chiến lược quy hoạch và xây dựng các thành phố dành cho phụ nữ từ đầu những năm 1990, Vienna yêu cầu mỗi cơ quan đưa ra kế hoạch và sáng kiến chiến lược để hỗ trợ nhu cầu, mối quan tâm và kinh nghiệm sống của phụ nữ. Điều này là nhằm định hình các chính sách công bằng hơn cho mọi người dân ở mọi giới tính.

 Khu phố Aspern tại Vienna là một trong những khu đô thị phát triển bậc nhất châu Âu, luôn hướng tới tối ưu hóa nhu cầu của phụ nữ và gia đình. Ảnh: Guardian.

Khu phố Aspern tại Vienna là một trong những khu đô thị phát triển bậc nhất châu Âu, luôn hướng tới tối ưu hóa nhu cầu của phụ nữ và gia đình. Ảnh: Guardian.

Một giải pháp dễ dàng là lắp đặt thêm đèn tại các nhà ga và ở những không gian công cộng mà phụ nữ thường xuyên sử dụng.

Kalpana Viswanath, người đồng sáng lập tổ chức thành phố an toàn Safetipin, đã phát triển ứng dụng lập bản đồ mức độ an toàn của các khu vực khác nhau dựa trên các yếu tố như ánh sáng và phương tiện giao thông công cộng. Cô nhấn mạnh “tầm nhìn trong khu vực” là yếu tố chính giúp phụ nữ cảm thấy an toàn.

Ví dụ, nếu một người đi bộ xuống phố sẽ cảm thấy an tâm khi thấy người bán hàng rong, cư dân, chủ cửa hàng và những người qua đường. Do đó, những bức tường rào bao quanh để kiểm soát sự an toàn cho cộng đồng lại ảnh hưởng đến tâm lý của phụ nữ, khi chúng che khuất tầm nhìn của họ.

Không gian đa thế hệ, đa giới tính là không gian tạo ra sự thoải mái nhất, ví dụ như những con phố chung. “Nếu lên một chiếc xe buýt không có ai khác ngoài đàn ông lúc 22h, tôi sẽ thực sự sợ hãi. Sự hiện diện của phụ nữ khiến tôi cảm thấy an toàn hơn”, Viswanath nói.

Đường phố đầy rẫy những góc tối và chướng ngại vật là nơi ẩn nấp hoàn hảo cho những kẻ tấn công ẩn náu. Do đó, chính quyền Barcelona, Tây Ban Nha đã điều chỉnh hoặc chuyển vị trí của các thùng rác lớn, khu vực đậu xe và cắt tỉa cây cối mọc um tùm. Họ yêu cầu trồng thảm thực vật đô thị không cao hơn 1 m để tầm nhìn không bị che khuất.

Các ngõ ngách, cầu thang hay hiên nhà đã xây dựng thì khó sửa đổi hơn, nhưng ở San Sebastían, chính quyền đã phê duyệt đạo luật đảm bảo tất cả lối vào các tòa nhà mới đều nằm trên mặt phố.

 Các biển báo trên hệ thống công cộng ở Vienna nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và nhóm dễ bị tổn thương. Ảnh: Guardian.

Các biển báo trên hệ thống công cộng ở Vienna nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và nhóm dễ bị tổn thương. Ảnh: Guardian.

Một khía cạnh quan trọng khác là cách phụ nữ được nhìn nhận tại nơi công cộng. Chờ đợi một mình tại trạm xe buýt có quảng cáo phân biệt giới tính tạo cảm giác giống môi trường thù địch hơn là tôn trọng phụ nữ.

Do đó, trên khắp Tây Ban Nha đã có chiến dịch thúc đẩy đặt tên đường phố theo tên phụ nữ hoặc vẽ tranh tường, nghệ thuật công cộng ghi nhận sự đóng góp của họ. Ở Barcelona có chiến dịch chống bạo lực giới ở các không gian công cộng.

Đặt ra không gian đô thị thân thiện với phụ nữ như một đòn bẩy để làm cho thành phố tốt hơn cho mọi đối tượng khác, kể cả nam giới.

Đảm bảo mặt đường bằng phẳng và có lề đường dành cho xe lăn hoặc xe đẩy là ví dụ về sự thay đổi thiết kế đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích. Đường dốc thoải cũng rất hữu ích cho phụ nữ dùng xe đẩy và cả người ngồi xe lăn hoặc người đi xe đạp, đi bộ.

Những điều này không chỉ tạo không gian an toàn cho phụ nữ mà còn giúp tiến gần đến ý tưởng đường phố chung, thân thiện với trẻ em, người già và người khuyết tật.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-nao-la-thanh-pho-an-toan-cho-phu-nu-post1321196.html