Thể nghiệm đa chiều với 'Truyện Kiều'
Liên tiếp những thể nghiệm sân khấu mới lấy cảm hứng từ kiệt tác 'Truyện Kiều' của đại thi hào Nguyễn Du đã và sắp ra mắt, khiến người yêu văn học, nghệ thuật nước nhà háo hức. Dưới bàn tay dàn dựng của các nghệ sĩ đương đại trong nước và quốc tế, số phận nàng Kiều được biểu đạt đa chiều, nhiều gợi mở, thêm những minh chứng về sức sống vượt thời gian của tác phẩm này.
“Truyện Kiều” được khai thác trên sân khấu múa rối với góc nhìn mới mẻ.
Dấn thân vào “mảnh đất thiêng”
“Truyện Kiều” lâu nay được coi là “mảnh đất thiêng”, có không ít nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật bước vào khai thác, ở các loại hình sân khấu đều có, rồi điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, múa…, nhưng ít người thành công. Song, với những thể nghiệm sân khấu đương đại gần đây, các ê kíp đã tạo nên những bước chấm phá mới.
Chỉ mới công diễn 3 buổi, nhưng vở diễn “Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã đón nhận tín hiệu thành công. Đây là lần đầu tiên sân khấu múa rối mạnh dạn dấn thân vào tác phẩm kinh điển này. Đáng băn khoăn là nàng Kiều và những nhân vật của Nguyễn Du trải qua nhiều biến cố, cảm xúc, trong khi loại hình múa rối lại kém hẳn về sức biểu cảm trên khuôn mặt và cơ thể.
Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng đã khỏa lấp bằng tạo hình siêu thực, âm nhạc giàu thể nghiệm, kết hợp với các mảng miếng, trò diễn, không gian, ánh sáng ước lệ, trừu tượng. Các nhân vật vốn là hình mẫu trong xã hội cũ xuất hiện thật ấn tượng: Thúy Kiều mang dáng hình cây đàn tỳ bà thanh tú, Tú Bà là một khối tròn với 2 quả bầu trước ngực, Từ Hải là khuôn hình vuông vức, Thúc Sinh có khuôn mặt hình trái tim, mặt Hoạn Thư che bởi chiếc quạt giấy…
Dự án hợp tác “Nàng Kiều” giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Viện Goethe Việt Nam đang được các ê kíp gấp rút hoàn thiện để kịp ra mắt vào tháng 10-2019 này. Bốn đạo diễn, gồm Nghệ sĩ ưu tú Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi trẻ), Nghệ sĩ ưu tú Trần Lực (Đoàn kịch LucTeam), đạo diễn Lê Quốc Nam (Sân khấu kịch Hồng Vân) và nữ đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer, sẽ cùng dàn dựng “Truyện Kiều” bằng hình thức kịch nói. Thách thức không nhỏ với họ là thể hiện góc nhìn về tác phẩm đồ sộ ấy với thời lượng 20-25 phút. Tuy nhiên, mỗi người lại có lời giải riêng cho câu hỏi: Đưa chất liệu kinh điển nào của “Truyện Kiều” lên sân khấu đương đại? Với Nghệ sĩ ưu tú Bùi Như Lai, đó là tinh thần khao khát tự do được thể hiện qua hình thức kịch đương đại và kịch đọc.
Nghệ sĩ ưu tú Trần Lực cho biết, đã chọn giai đoạn Kiều gặp Từ Hải, dùng ngôn ngữ sân khấu biểu hiện ước lệ vốn là phong cách của LucTeam với lời thoại được viết theo thể thơ lục bát. Đạo diễn Lê Quốc Nam mạnh dạn lột tả Kiều ở một lát cắt khác - khi về với Từ Hải và báo thù, bằng thủ pháp kịch kinh dị. Với kinh nghiệm dàn dựng nhiều tác phẩm về đề tài phụ nữ, phiên bản của đạo diễn Amélie Niermeyer hứa hẹn có góc nhìn thú vị.
Không chỉ nữ đạo diễn người Đức, “Truyện Kiều” còn hấp dẫn và tạo cảm hứng sáng tạo cho đạo diễn người Pháp - Christophe Thiry với tác phẩm nhạc kịch “Kim Vân Kiều” gây ngỡ ngàng cho công chúng Pháp khi ra mắt. Tới đây, vở nhạc kịch sẽ được giới thiệu với khán giả Thủ đô, vào tối 25-9, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội). Ở vở nhạc kịch này, Thúy Kiều mang nhiều quốc tịch, với dụng ý của tác giả rằng, còn nhiều phụ nữ trên thế giới chịu đau khổ, thiệt thòi. Điểm đặc sắc nhất của “Kim Vân Kiều” là âm nhạc, với sự kết hợp giữa opera, pop, diễn tấu nhạc cụ phương Tây như violon, piano, guitar, hòa quyện với nhạc cụ truyền thống Việt Nam như sáo, trống, đàn nguyệt, đàn bầu…
Gieo cảm xúc mới
So với các loại hình nghệ thuật khác, sân khấu có nhiều lợi thế để khai thác “Truyện Kiều”. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hoài Phương nhận định, lối miêu tả hiện thực bằng ngôn ngữ ước lệ, tượng trưng của thi hào Nguyễn Du rất phù hợp với nghệ thuật sân khấu phương Đông nói chung và sân khấu truyền thống Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, để dàn dựng thành công tác phẩm kinh điển này trên sân khấu, vẫn luôn là thách thức đối với nhiều thế hệ nghệ sĩ. Tác giả Lê Quý Hiền cho rằng, nội dung của “Truyện Kiều” cùng các nhân vật đã phổ biến và ghim vào đời sống văn hóa, xã hội, trở thành biểu tượng trong tâm thức người Việt. Vì vậy, sân khấu không nên kể lể nội dung hay minh họa truyện, mà phải thể hiện một góc nhìn độc đáo, hấp dẫn hoặc gieo những cảm xúc, cảm nhận mới về tác phẩm này.
Xét ở góc độ như vậy, vở múa rối “Thân phận nàng Kiều”, vở nhạc kịch “Kim Vân Kiều” hay 4 tác phẩm của dự án hợp tác “Nàng Kiều” đang đi đúng hướng và phần nào đáp ứng mong mỏi của khán giả. Chẳng thế mà khi Nhà hát Múa rối Việt Nam phải tạm gác lại các buổi diễn “Thân phận nàng Kiều” để nghệ sĩ tập trung cho chuyến lưu diễn tại nước ngoài, không ít khán giả Thủ đô đã bày tỏ mong ngóng lịch diễn trở lại.
Với con mắt của người nước ngoài, ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe Việt Nam đánh giá cao giá trị văn học, ý nghĩa mang tầm nhân loại của “Truyện Kiều” và nhận định, Nguyễn Du thuộc về hàng ngũ những tác giả văn học kinh điển của thế giới. Tác phẩm này là cầu nối giúp người nước ngoài hiểu thêm về văn hóa, phong tục, truyền thống của Việt Nam. Để phát huy được điều đó, ông Wilfried Eckstein cho rằng, cần mời gọi và tổ chức nhiều dự án hợp tác quốc tế xây dựng tác phẩm, với những lát cắt khác nhau theo cách nhìn hiện đại.
Với những hướng mở như thế, hy vọng sắp tới, có thêm nhiều cuộc dấn thân mạnh dạn, thăng hoa hơn nữa trên “mảnh đất thiêng” này.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/945944/the-nghiem-da-chieu-voi-truyen-kieu