Thể thao phong trào 'sôi động' kéo nhiều ngành hàng kinh doanh phát triển theo
Hơn 35 giải chạy lớn diễn ra trong năm 2023 ở nhiều tỉnh thành khác nhau đã thu hút khoảng 190.000 người tham dự, tạo đà phát triển các ngành nghề lĩnh vực khác như du lịch lữ hành, ẩm thực. Theo đó, mức chi tiêu cho bản thân của mỗi vận động viên phong trào đã giúp các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, phụ kiện thể thao có bước tăng trưởng trong vài năm trở lại đây.
Nở rộ cơ hội kinh doanh
Theo thống kê của The Outbox đến tháng 8 năm nay về xu hướng du lịch thể thao của Việt Nam, vận động viên tham gia các giải chạy phong trào thường rơi vào độ tuổi từ 25-35 và có khoảng 80% người tham gia giải chạy đều có công việc toàn thời gian.
Khảo sát cũng chỉ ra ngân sách tham gia một giải chạy phổ biến của họ trong mức 5-10 triệu đồng với nhiều hạng mục chi tiêu, trong đó phụ kiện thể thao, các sản phẩm bổ trợ như quần áo, giày, đồ công nghệ, thực phẩm hỗ trợ sức khỏe cũng có mức độ ưu tiên cao chỉ sau lưu trú, phương tiện di chuyển…
Chị Hòa Hảo, là runner (người chạy bộ), ngụ ở quận 7, thử sức với môn chơi mới vào đầu năm nay chia sẻ thời gian đầu tập chạy, chị không tiêu sắm quá nhiều cho khoản quần áo hay trang phục kèm theo. Tuy vậy, khi tập luyện chăm chỉ và tham gia nhiều giải hơn, chị cũng dạn tay chi tiêu các phụ kiện kèm theo như quần áo, giày dép, mũ nón để phục vụ sở thích cá nhân cũng như có thành tích chạy tốt hơn… “Những khoản phát sinh như trang phục để thay đổi, giày phù hợp với đường chạy, đặc biệt là thực phẩm bổ sung thêm lúc chạy tốn khoảng 1-2 triệu đồng/tháng. Đây là khoản đầu tư cho sức khỏe và giải trí mà trước đây tôi chưa từng chi ra”, chị nói.
Theo trang Tourism Economics, có hơn 65% chi tiêu của du khách tham gia các sự kiện thể thao được dành cho các dịch vụ như ăn uống, giải trí, lưu trú và bán lẻ. Trong đó, ngành hàng bán lẻ chiếm khoảng 12,6%. Điều này góp phần tạo cơ hội cho các thương hiệu thời trang thể thao lớn và các doanh nghiệp bán lẻ, thương hiệu nội địa phát triển.
Anh Phan Tuấn Anh, nhà sáng lập của VNB Sports có hệ thống chuyên các sản phẩm về lĩnh vực thể thao, đặc biệt là bộ môn cầu lông, cho hay số lượng cửa hàng tăng nhanh không chỉ ở các TP lớn mà còn ở các tỉnh thành khác. Anh cho biết sau dịch, nhu cầu tham gia các hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe của khách hàng có xu hướng ngày càng tăng.
Cụ thể, doanh thu tại cửa hàng năm 2022 và 2023 tăng cao lên đến 70-80% so với trước dịch, đến thời điểm hiện tại các kênh online tăng trưởng nhiều hơn trước khoảng 15-20%. Số lượng điểm bán đã chạm mốc 60 cửa hàng trong năm nay. Các đơn vị mua nhượng quyền cũng hoạt động trơn tru hơn khi nhân sự, hệ thống quản lý bán hàng ngày càng một hoàn thiện.
Một đại diện khác của thương hiệu thời trang thể thao Onways, mới hoạt động được 4 năm nay, cũng nhìn nhận khi tận dụng lợi thế hiểu khách hàng Việt, cộng với thị trường nội địa chưa có nhiều nhãn hàng riêng, doanh nghiệp có thể đầu tư, tạo ra sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu khách hàng tiềm năng trong nước từ phong trào thể thao mạnh mẽ. Vị này cho biết lượng khách hàng mới và khách hàng cũ quay lại tăng đều 25-35% qua từng năm.
Thích ứng chuyển đổi mô hình kinh doanh
Theo anh Tuấn Anh, hiện nay, hành vi tiêu dùng của khách hàng đã có sự thay đổi rõ rệt. Ghi nhận tại các điểm bán, khách hàng đa số là người mới chơi đến tham quan mua sắm và cần tư vấn các vật dụng, sản phẩm hỗ trợ cho môn chơi. “Có lẽ thời gian dài nhiều biến động trong xã hội đã khiến mọi người chú trọng đến sức khỏe sau các nhu cầu thiết yếu như ăn uống sinh hoạt. Tôi cũng bất ngờ vì những môn thể thao phong trào tạo đà mạnh mẽ cho các ngành nghề khác được hưởng lợi”, anh nhấn mạnh.
Tuy vậy, sự ảnh hưởng kinh tế chung lên nhiều ngành nghề cũng khiến các ông chủ tìm hướng kinh doanh mới cho chuỗi bán lẻ của mình. Cụ thể, anh Tuấn Anh chia sẻ những cửa hàng hoạt động không hiệu quả sẽ đóng cửa, tập trung dồn lực vào kênh phân phối online đang được khách quan tâm nhiều hơn.
Chi phí marketing, quảng cáo cũng được giới hạn lại để xây dựng các hoạt động cộng đồng như tạo các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm chơi thể thao miễn phí, tạo các câu lạc bộ giao lưu thu hút thành viên mới và cũ tham gia. Đặc biệt, công ty cũng ưu tiên tìm kiếm mặt bằng nhỏ, không cần ở vị trí đẹp, phù hợp với nhu cầu diện tích sử dụng để tiết kiệm chi phí cứng hằng tháng.
Nhìn nhận cơ hội từ dịch bệnh, chị Kim Xuyến, đại diện Onways đồng tình công ty cũng thay đổi mô hình kinh doanh, thay vì tập trung vào mở điểm bán tràn lan, doanh nghiệp tìm kiếm những khu vực có khách hàng tiềm năng, điểm tập trung thường xuyên lui tới của runner như các khu dân cư đông đúc. Đồng thời, đơn vị cũng đầu tư hệ thống công nghệ, con người bán hàng online để đảm bảo khâu vận chuyển hàng hóa.
“Chúng tôi đang ấp ủ mở những không gian làm điểm tập hợp giao lưu của cộng đồng vận động viên, cho họ trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, những dịch vụ chăm sóc miễn phí khi chơi thể thao thay vì chỉ là điểm bán hàng đơn thuần”, chị nói.