'Thể thao thành tích cao Việt Nam còn kém'
Ngày 12/11, Nguyên vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh chia sẻ giải pháp cho Việt Nam tại sân chơi quốc tế như ASIAD hay Olympic.
"Thể thao thành tích cao Việt Nam còn kém, so với chính những quốc gia lân cận như Thái Lan, Indonesia, chưa cần nói đến những cường quốc thể thao trên thế giới. Người hâm mộ rất không hài lòng về thành tích tại ASIAD 2023 và Olympic 2024", ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ tại Hội nghị triển khai chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 12/11.
Tại Olympic Paris 2024, trong khi các đoàn thể thao Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippinnes đều có huy chương, Việt Nam lại không giành được tấm huy chương nào. Đây là kỳ Thế vận hội thứ hai liên tiếp thể thao Việt Nam trắng tay.
Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT (nay là Cục TDTT) cho biết, thất bại ở ASIAD và Olympic là nỗi đau của thể thao Việt Nam, đòi hỏi ngành thể thao phải thay đổi chiến lược.
"SEA Games có mặt trái tiêu cực, đó là quá phụ thuộc vào quốc gia tổ chức. Các quốc gia được quyền điều chỉnh môn thi đấu. Vì vậy, Việt Nam đừng đặt mục mục tiêu đứng top 1, top 2 tại SEA Games nữa. Thay vào đó, hãy đặt mục tiêu đứng đầu những môn Olympic, những môn mang tính quốc tế như điền kinh, cử tạ, đua thuyền, bóng bàn.
Như vậy, giữa các sân chơi sẽ có sự liên thông. Đạt thành tích tốt những môn này tại SEA Games cũng là cách đầu tư cho tương lai ở Thế vận hội", ông nhận định.
Theo chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyển nam Việt Nam đặt mục tiêu vào top 8 châu Á và đoạt vé dự World Cup. Tuyển nữ Việt Nam cũng được giao nhiệm vụ top 6 châu Á và tiếp tục góp mặt tại sân chơi World Cup nữ.
Tuy nhiên, tại hội nghị, ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khẳng định, bóng đá Việt Nam khó ổn định về thành tích, do chưa có sự chỉ đạo đồng bộ trong công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng trẻ. Việc cầu thủ trẻ không được tạo điều kiện thi đấu thường xuyên sẽ ảnh hưởng nhất định tới quá trình phát triển liên tục của tài năng bóng đá.
Một vấn đề khác đồng thời được Phó chủ tịch VFF Trần Anh Tú chỉ ra, đó là bóng đá nước ta chậm tiếp cận so với các quốc gia có nền bóng đá phát triển trên thế giới.
"Chúng ta còn thiếu nhiều chuyên gia bóng đá người Việt Nam hoặc từ nước ngoài tới Việt Nam đạt trình độ quốc tế, đồng thời việc tìm kiếm và phát hiện các tài năng bóng đá có nguồn gốc Việt Nam tại nước ngoài cũng mới được chú ý trong thời gian gần đây", ông Trần Anh Tú phát biểu.
12 bài tham luận khác đến từ Sở Văn hóa Thể thao các địa phương và các liên đoàn đã được trình bày tại Hội nghị nhằm đóng góp ý kiến về việc triển khai thực hiện chiến lược cũng như các mục tiêu đề ra như phát triển kinh tế thể thao, phát triển thể thao cộng đồng.
"Với sự quyết tâm cao và sự đồng lòng của cả nước, chúng ta sẽ biến những mục tiêu đề ra trong chiến lược thành hiện thực, đưa thể thao Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu bế mạc hội nghị.
Nguồn Znews: https://znews.vn/the-thao-thanh-tich-cao-viet-nam-con-kem-post1510544.html