Thể thao Tiền Giang: Hiệu quả từ đào tạo năng khiếu tuyến 3
Trong giai đoạn 2015 - 2020, công tác đào tạo năng khiếu thể thao tuyến 3 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thực hiện hiệu quả, góp phần phát triển phong trào thể dục thể thao (TDTT) của tỉnh.
BỔ SUNG NGUỒN CHO TỈNH
Qua 6 năm triển khai, Đề án “Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010 - 2020” (gọi tắt là Đề án) đã tạo sự chuyển biến rõ nét qua phong trào tập luyện TDTT, nhất là trong các trường tiểu học và trường trung học cơ sở. Qua thực hiện Đề án, Sở VH-TT&DL đã mở 100 lớp năng khiếu thể thao tại cơ sở, với tổng cộng 130 huấn luyện viên (HLV) và 2.210 vận động viên (VĐV).
Các cầu thủ Đội Bóng đá U17 Tiền Giang đều là học viên các lớp năng khiếu tuyến 3 ở các huyện, thành, thị được đánh giá có tiềm năng tốt.
TP. Mỹ Tho được giao thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện 4 lớp năng khiếu thể thao tuyến 3 gồm các môn: Bóng đá, Điền kinh, Cầu lông và Bơi lội, với tổng cộng 480 VĐV (từ năm 2015 - 2020). Qua tổ chức các lớp năng khiếu, phong trào TDTT ở TP. Mỹ Tho đã có bước chuyển biến, nhất là các giải đấu cấp tỉnh. Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&DL TP. Mỹ Tho Trần Quang Khải cho biết: “Trong Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ X năm 2020 vừa qua, lực lượng VĐV năng khiếu tuyến 3 TP. Mỹ Tho đã góp phần vào thành tích hạng Nhất toàn đoàn”.
Qua các lớp năng khiếu tuyến 3 ở các địa phương, Sở VH-TT&DL đã tuyển chọn bổ sung được 191 VĐV có tiềm năng, tố chất phát triển tốt vào các lớp năng khiếu thể thao của tỉnh. Trong đó, nhiều địa phương đóng góp nhiều VĐV như huyện Cái Bè (40 VÐV), huyện Châu Thành (14 VĐV), TP. Mỹ Tho (78 VĐV), TX. Gò Công (18 VĐV)…
Các VĐV được bổ sung lên tuyến trên góp phần nâng cao chất lượng các tuyến VĐV của tỉnh. Đội Bóng đá U17 Tiền Giang với 23 cầu thủ được đánh giá có tiềm năng phát triển tốt, đều là các VĐV được tuyển chọn từ các lớp năng khiếu tuyến 3 vào đợt tuyển sinh tháng 9-2016. HLV trưởng Đội Bóng đá U17 Tiền Giang Lê Võ Chí Nguyện cho biết: “Các cầu thủ đều là học viên ở các lớp năng khiếu tuyến 3 ở các huyện, thành, thị. Các cầu thủ đều có kỹ thuật tương đối tốt và chăm chỉ tập luyện. Đặc biệt, thể hình của các cầu thủ khá tốt với nhiều cầu thủ cao hơn 1,8 m”.
PHÁT TRIỂN PHONG TRÀO
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thị Kim Chi, qua thực hiện Đề án, phong trào TDTT trong toàn tỉnh có chiều hướng phát triển tốt, tạo được nguồn trong công tác tuyển chọn, bổ sung VĐV năng khiếu thể thao các môn của tỉnh như: Bóng đá, Điền kinh, Bơi lội, Pencak Silat..., đào tạo được nhiều VĐV thành tích cao cho tỉnh.
Tuy nhiên, tỷ lệ VĐV được tuyển vào các lớp năng khiếu tuyến trên còn thấp, chỉ đạt 8,64% so với tổng số VĐV tham gia các lớp năng khiếu tuyến 3; cơ sở vật chất ở các địa phương thiếu đồng bộ. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Châu Thành Lê Đình Linh Vũ cho biết, phần lớn học viên đều là học sinh và thời gian học trên lớp của các em khác nhau nên trung tâm gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp thời gian huấn luyện. Do đó, chất lượng huấn luyện chưa đồng đều giữa các học viên.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ đề xuất UBND tỉnh duy trì thực hiện Đề án mở các lớp đào tạo năng khiếu thể thao tuyến 3 tại các huyện, thành, thị để phát triển phong trào và cung cấp nguồn VĐV cho tỉnh; có chế độ ưu đãi nhằm thu hút tài năng. Các địa phương cần thường xuyên quan tâm và theo dõi sâu sát công tác huấn luyện các môn và đặt ra chỉ tiêu cho HLV; thường xuyên cập nhật chuyên môn, chủ động liên hệ, phối hợp với các HLV tuyến trên để được hỗ trợ về công tác tuyển chọn và giáo án huấn luyện.