Thể thao Việt Nam: 16 gương mặt dự Olympic Paris

Ở Thế vận hội nước Pháp mùa Hè này, người hâm mộ kỳ vọng các vận động viên nỗ lực, tự tin, thi đấu thăng hoa, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Nguyễn Huy Hoàng. Ảnh: ITN

Nguyễn Huy Hoàng. Ảnh: ITN

Tuy còn nhiều khó khăn và khả năng giành huy chương chưa thực sự rõ rệt ở Thế vận hội nước Pháp mùa Hè này, song người hâm mộ kỳ vọng các vận động viên sẽ nỗ lực, tự tin, thi đấu thăng hoa tạo ra những chiến thắng bất ngờ, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Nguyễn Huy Hoàng (sinh năm 2000, đội tuyển bơi)

Olympic Paris 2024 được tổ chức từ ngày 26/7 – 11/8. Nước chủ nhà Pháp bắt đầu mở làng vận động viên để đón thành viên các quốc gia tới tham dự Thế vận hội lần này vào ngày 20/7. Đoàn thể thao Việt Nam dự kiến đến Pháp với hơn 40 thành viên. Ngoài ra, Việt Nam có 2 trọng tài được mời tham gia điều hành tại Olympic 2024 là trọng tài Mai Lăng Yên (cầu lông), trọng tài Bùi Thị Kim Yến (bắn súng). Ở Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam cũng có 2 trọng tài được mời tham dự là Nguyễn Phạm Duy Anh (cầu lông) và Bùi Đình Cường (TDDC).

Tại ASIAD 19, ở nội dung sở trường 1.500m tự do, Huy Hoàng để vuột huy chương khá đáng tiếc khi hụt hơi ở những mét cuối cùng. Sau đó, kình ngư người Quảng Bình trở lại tự tin hơn để giành Huy chương Đồng nội dung 800m tự do và cũng là suất dự Olympic 2024.

Cũng giải đấu tại Hàng Châu (Trung Quốc), anh còn giành thêm Huy chương Đồng ở nội dung 400m tự do. Tại Olympic Tokyo 2020, Huy Hoàng lần đầu tham dự đấu trường Olympic ở hai nội dung 1.500m tự do và 800m tự do.

Võ Thị Mỹ Tiên (sinh năm 2005, đội tuyển bơi)

Tuyển thủ bơi lội Việt Nam này đã được Liên đoàn Thể thao dưới nước quốc tế trao suất đặc cách tham dự Olympic Paris 2024, nội dung 200m cá nhân hỗn hợp. Ở giải bơi vô địch quốc gia 2023, Mỹ Tiên giành được 13 huy chương trong các nội dung thi đấu, trong đó có 9 Huy chương Vàng ở các nội dung 100m ếch, 200m ếch, 200m hỗn hợp, 400m hỗn hợp, 200m bướm, 200m tự do, 400m tự do, 800m tự do và 1.500m tự do. Ở tuổi 19, Tiên đã 3 lần được dự SEA Games, giành 2 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng; 1 lần thi đấu ASIAD và 1 lần dự giải bơi vô địch thế giới.

Hoàng Thị Tình (sinh năm 1994, đội tuyển judo)

Góp mặt trong đội tuyển judo Việt Nam dự nhiều giải tầm thế giới, châu Á, Đông Nam Á, song đây là lần đầu tiên nữ võ sĩ quê Thanh Hóa giành suất tham dự Olympic. Năm 2019, Hoàng Thị Tình lần đầu dự SEA Games 30 (Philippines) và giành Huy chương Vàng ở môn… kurash.

2 kỳ SEA Games gần đây, võ sĩ sinh năm 1994 đã giành Huy chương Vàng môn judo. Tại Phủ Chủ tịch vào tháng 5/2023, Hoàng Thị Tình là một trong những gương mặt của thể thao Việt Nam được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt (sinh năm 2001, đội tuyển bắn cung)

Vận động viên người Hà Nội trở thành cung thủ đầu tiên của Việt Nam giành suất chính thức dự 2 kỳ Olympic liên tiếp. Tại Pháp năm nay, ngoài nội dung cá nhân là cung 1 dây, Ánh Nguyệt sẽ cùng Lê Quốc Phong tham dự thêm một nội dung cung 1 dây hỗn hợp nam nữ. Với thành tích giành vé Olympic 2024, Ánh Nguyệt được đơn vị chủ quản Hà Nội thưởng 816 triệu đồng, chia đều 17 triệu đồng/tháng trong vòng 4 năm.

Lê Quốc Phong (sinh năm 2000, đội tuyển bắn cung)

Việc lọt tới bán kết nội dung cung 1 dây cá nhân nam vòng loại Olympic cuối cùng tại Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp Lê Quốc Phong giành suất chính thức đến Pháp. Trước đó tại Yecheon (Hàn Quốc), cung thủ người Long An đã làm nên lịch sử cho bắn cung Việt Nam khi lần đầu tiên có đại diện lọt vào top 4 World Cup.

Quốc Phong và Ánh Nguyệt quyết tâm rất cao, nỗ lực hoàn thiện kỹ thuật. Họ được sắp xếp tập riêng, với điều kiện, trang thiết bị đủ chuẩn cho tham vọng mang đến bất ngờ ở kỳ Thế vận hội lần này.

Võ Thị Kim Ánh (sinh năm 1997, đội tuyển boxing)

Tại vòng loại Olympic diễn ra ở Italy, Kim Ánh liên tục có những trận thắng áp đảo để giành suất chính thức dự Olympic Paris 2024. Trước đó, thành tích quốc tế đáng chú ý của võ sĩ này là chức vô địch tại giải Thái Lan mở rộng năm 2022. Nữ võ sĩ quê An Giang không góp mặt ở SEA Games 31, 32 và cả ASIAD 19. Lý do là hạng 54kg của các giải đấu này giới hạn vận động viên tham dự. Nguyễn Thị Tâm là người được chọn.

Hà Thị Linh (sinh năm 1993, đội tuyển boxing)

Ngày thi đấu cuối vòng loại Olympic Paris 2024 môn boxing đầu tháng 6, nữ võ sĩ Hà Thị Linh hạng 60kg đã xuất sắc đánh bại đối thủ nằm trong top 10 thế giới để giành suất chính thức tham dự Thế vận hội tại Pháp.

Trong chia sẻ gần đây, võ sĩ quê Lào Cai cho biết: “Người đầu tiên tôi nhớ đến và muốn chung vui là chồng đang bận bịu công việc và chăm sóc 2 con ở nhà. Tôi muốn cảm ơn chồng, người đã hy sinh bản thân để làm hậu phương vững chắc cho tôi có thể tiếp tục đam mê với nghề”.

Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1997, đội tuyển cầu lông)

Kết thúc vòng loại Olympic, cô gái người Phú Thọ có 48.350 điểm, xếp hạng 17/35, thuộc nhóm 2 ở kết quả bốc thăm chia bảng tại Olympic Paris 2024. Như vậy, Thùy Linh trở thành tay vợt nữ đầu tiên của Việt Nam 2 lần liên tiếp giành suất chính thức tham dự Thế vận hội (Tokyo 2020 và Paris 2024).

Trước khi đến Pháp, tay vợt nữ số 1 Việt Nam lần lượt tham dự nhiều giải đấu lớn như Masters Malaysia (BWF World Tour Super 500), Singapore mở rộng (BWF World Tour Super 750), Indonesia mở rộng (BWF World Tour Super 1.000).

Lê Đức Phát (sinh năm 1998, đội tuyển cầu lông)

Trong vòng 1 năm qua, Lê Đức Phát thăng tiến 93 bậc, từ tay vợt ngoài nhóm 160 thế giới lọt vào nhóm 80, để rồi chính thức có vé đến Olympic Paris. Đó là thành quả từ nỗ lực không ngừng nghỉ của tay vợt này, nhất là khi anh có thời điểm tưởng chừng phải bỏ cuộc vì chấn thương. Đức Phát đặt mục tiêu tiếp bước đàn anh từng đi vào lịch sử thể thao Việt Nam khi tham dự 4 kỳ Olympic liên tiếp là Nguyễn Tiến Minh.

Trịnh Văn Vinh (sinh năm 1995, đội tuyển cử tạ)

Đô cử quê Bắc Ninh nổi tiếng từ năm 20 tuổi với thành tích Huy chương Vàng cử đẩy, Huy chương Bạc tổng cử giải vô địch châu Á 2016. Đến năm 2017, Vinh giành Huy chương Vàng cử giật tại giải vô địch thế giới, và SEA Games 29 ở Malaysia đô cử này giành Huy chương Vàng với tổng cử 307kg, nhiều hơn 1kg so với Eko Yuli Irawan – đô cử mạnh nhất Đông Nam Á và đang là đương kim á quân Olympic.

Tuy nhiên, tháng 2/2019, Vinh bị Liên đoàn Cử tạ Thế giới cấm thi đấu 4 năm kèm phạt 5.000 USD. Vượt lên nhiều thử thách, đô cử sinh năm 1995 trở lại với đam mê khi án kỷ luật chấm dứt vào tháng 2/2023.

Bằng tài năng, ý chí, anh từng bước trở lại đỉnh cao và suất đến Pháp chính là phần thưởng ngọt ngào nhất. Ở Thế vận hội 2024, Trịnh Văn Vinh là gương mặt gánh trọng trách huy chương cho thể thao Việt Nam.

Nguyễn Thị Hương (sinh năm 2001, đội tuyển canoeing)

Theo thống kê, Nguyễn Thị Hương là tuyển thủ đầu tiên giành suất chính thức tại một kỳ Olympic cho đội tuyển canoeing Việt Nam. Tay chèo người Vĩnh Phúc từng giành 5 Huy chương Vàng SEA Games 31, cùng với Nguyễn Huy Hoàng là 2 vận động viên đạt số Huy chương Vàng cho cá nhân mình nhiều nhất Đoàn thể thao Việt Nam.

Với thành tích ấn tượng này, nữ vận động viên sinh năm 2001 vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước. Đến SEA Games 32, canoeing không nằm trong chương trình thi đấu nhưng Nguyễn Thị Hương vẫn có mặt để tranh tài cùng đội thuyền truyền thống (thuyền rồng), và cô cùng đồng đội giành 3 Huy chương Vàng.

Phạm Thị Huệ (sinh năm 1990, đội tuyển rowing)

Ở tuổi 34, bà mẹ hai con, vận động viên Phạm Thị Huệ đã gây ấn tượng khi giành vé dự Olympic Paris 2024. Đây là lần thứ ba liên tiếp cô “đạt chuẩn” dự Olympic nhưng mới lần đầu được so tài tại Thế vận hội.

Trước đó, Phạm Thị Huệ từng vượt qua vòng loại Olympic Rio 2016 và Olympic Tokyo 2020 nhưng do quy định mỗi quốc gia chỉ có một suất tham dự và đội tuyển rowing Việt Nam đã dành cho nội dung sở trường thuyền đôi nữ hạng nhẹ.

Việc Phạm Thị Huệ giành vé dự Olympic Paris 2024 không chỉ là tin vui đối với bản thân cô, rowing Việt Nam, mà còn truyền cảm hứng đến rất nhiều vận động viên các môn thể thao khác.

Nguyễn Thị Thật (sinh năm 1993, đội tuyển xe đạp)

Nguyễn Thị Thật không chỉ là vận động viên Việt Nam đầu tiên giành suất tham dự Olympic Paris 2024, mà cô còn là cua-rơ duy nhất trong lịch sử xe đạp đường trường Việt Nam được tham dự sân chơi Thế vận hội.

Sau 15 năm thi đấu chuyên nghiệp, Nguyễn Thị Thật sở hữu bảng thành tích “khủng”, trong đó nổi bật như Huy chương Bạc ASIAD 2014; 3 Huy chương Vàng giải Vô địch châu Á vào các năm 2018, 2022 và 2023; Huy chương Vàng ở 5 kỳ SEA Games liên tiếp (2015, 2017, 2019, 2021 và 2023).

Trịnh Thu Vinh (sinh năm 2000, đội tuyển bắn súng)

Nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh có xuất phát điểm là vận động viên điền kinh. Ba năm tập chạy không có thành tích, cô chuyển sang bắn súng và đạt được nhiều kỳ tích. Mở đầu năm mới 2024, cô gái người Thanh Hóa ghi dấu ấn với tấm Huy chương Vàng tại Giải bắn súng vô địch châu Á, nội dung 10m súng ngắn hỗn hợp đồng đội.

Trước đó, năm 2023, nữ xạ thủ sinh năm 2000 này đã giành vé tham dự Oympic Paris 2024, nội dung 10m súng ngắn hơi nữ. Trịnh Thu Vinh là gương mặt giàu tiềm năng của bắn súng Việt Nam.

Lê Thị Mộng Tuyền (sinh năm 2003, đội tuyển bắn súng)

Thành tích đoạt vé đến Pháp mùa Hè 2024 của Mộng Tuyền tạo nên sự bất ngờ lớn cho giới chuyên môn và người hâm mộ. Bởi, nội dung súng trường vốn không thuộc thế mạnh của bắn súng Việt Nam, và trước đó chưa từng có xạ thủ nào đoạt vé chính thức Olympic để tranh tài ở nội dung này.

Xạ thủ 21 tuổi này là một trong những gương mặt nổi bật trong nhóm xạ thủ trẻ của đội tuyển bắn súng Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Cô hiện nằm trong danh sách các vận động viên được đầu tư trọng điểm của ngành thể thao.

Trần Thị Nhi Yến (sinh năm 2005, đội tuyển điền kinh)

Liên đoàn Điền kinh Việt Nam xác nhận Trần Thị Nhi Yến sẽ đại diện cho Việt Nam thi đấu nội dung 100m nữ tại Olympic 2024, theo suất mời. Chân chạy này được xem là “hiện tượng” điền kinh của châu lục. Ở vòng loại nội dung chạy 200m nữ tại ASIAD 2023, Nhi Yến đã hoàn thành phần thi với thành tích ấn tượng 23 giây 74, xếp thứ 4 chung cuộc. Ngoài ra, thành tích của Nhi Yến ở chung kết 100m nữ tại ASIAD 2023 khá sát với chuẩn Olympic 2024.

Thể thao Việt Nam có 16 vận động viên tham dự Olympic 2024, trong đó 14 suất chính thức và 2 suất mời. Con số này so với nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á còn khá khiêm tốn. Thái Lan có 51 suất dự Olympic Paris, mục tiêu giành tới 9 Huy chương Vàng; Indonesia 28 suất và mục tiêu giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng tương từ thành tích ở Tokyo 2020; Malaysia 23 suất; Singapore 22 suất; Philippines 20 suất...

Khánh Vy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-thao-viet-nam-16-guong-mat-du-olympic-paris-post691423.html