Thể thao Việt Nam cần gì để có thành tích ổn định ở đấu trường Olympic?
Đoàn thể thao Việt Nam đã khép lại chiến dịch Olympic Paris 2024 mà không có được tấm huy chương nào. Trên thực tế, khả năng cạnh tranh huy chương của 16 vận động viên tham dự 11 môn thi đấu với 18 nội dung đã được dự báo là rất khó khăn trước khi Olympic Paris 2024 diễn ra. Thể thao thành tích cao Việt Nam lúc này thật sự cần những nguồn lực mạnh mẽ và chiến lược hợp lý hơn để cải thiện thành tích ở đấu trường khắc nghiệt nhất hành tinh.
Bức tranh toàn cục của khu vực
Góc nhìn khách quan nhất về thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 chính là từ sự so sánh với các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á. Tại Olympic Paris 2024, 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á đã cử 182 vận động viên tham dự các môn thi đấu. 5 đoàn đã có được huy chương, trong đó có 3 đoàn giành Huy chương Vàng, gồm Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Các vận động viên giành Huy chương Vàng của 3 đoàn này đều đã để lại ấn tượng mạnh với thành tích của mình. Carlos Yulo, vận động viên thể dục dụng cụ của Philippines lập cú đúp Huy chương Vàng chỉ trong 1 ngày ở hai nội dung thi đấu khác nhau. Carlos Yulo đứng đầu nội dung thể dục trên sàn với số điểm 15.000, vượt qua vận động viên đương kim vô địch Artem Dolgopyat (Israel). Sau đó, anh tiếp tục đánh bại vận động viên Artur Davtyan (Armenia) với điểm số trung bình 15.116 điểm ở nội dung nhảy chống.
Nữ võ sĩ Taekwondo người Thái Lan Panipak Wongpattanakit cũng đã làm nên lịch sử cho thể thao Đông Nam Á khi trở thành vận động viên đầu tiên của khu vực bảo vệ thành công tấm Huy chương Vàng. Panipak đã giành tấm Huy chương Vàng nội dung 49kg cho nữ ở hai kỳ Olympic liên tiếp, tại Tokyo 2020 và Paris 2024.
Một trong 2 người giành tấm Huy chương Vàng cho đoàn thể thao Indonesia là lực sĩ cử tạ Rizki Juniansyah. Ở hạng cân 73kg cho nam, Rizki có thành tích tổng cộng 354kg sau hai nội dung cử giật và cử đẩy. Riêng mức tạ ấn tượng 199kg ở nội dung cử đẩy đã giúp Rizki phá kỷ lục Olympic ở hạng cân của mình.
Hai đoàn thể thao Malaysia và Singapore không có Huy chương Vàng, song họ cũng có thể tự hào vì những gì đã làm được. Đoàn thể thao Malaysia có 2 Huy chương Đồng đều ở môn cầu lông, trong các nội dung đơn nam và đôi nam. Thể thao Singapore cũng có 1 tấm Huy chương Đồng khi vận động viên mới 17 tuổi Maximilian Maeder về thứ ba ở nội dung diều nam môn đua thuyền buồm.
Tổng kết lại, đây là kỳ Olympic thành công nhất của thể thao Đông Nam Á từ trước tới nay khi các đoàn trong khu vực mang về 15 tấm huy chương các loại. Tiếc rằng, đoàn thể thao Việt Nam lại không có đóng góp gì trong thành tích chung đáng tự hào đó. Người tiệm cận gần nhất với tấm huy chương Olympic là Trịnh Thu Vinh chỉ về thứ 4 ở nội dung 10m súng ngắn hơi. Các vận động viên còn lại đều đã không thể vượt ngưỡng để đem về thành tích cho đoàn thể thao Việt Nam.
Bài toán hóc búa
Việc đoàn thể thao Việt Nam không có huy chương ở Olympic Paris 2024 trên thực tế không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn. Các vận động viên tham dự Olympic năm nay đều không nằm trong nhóm những người xuất sắc vượt trội ở nội dung thi đấu của mình. Tất nhiên trong thể thao luôn có những bất ngờ, nhưng tại một đấu trường khắc nghiệt như Olympic, cơ hội để tạo nên những cú sốc về thành tích là rất mong manh.
Không thể nói rằng, các vận động viên Việt Nam đã không nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo. Họ đã làm hết khả năng có thể, vấn đề chỉ nằm ở mặt trình độ. Các vận động viên giành huy chương đều là những người xuất sắc nhất trong nội dung thi đấu của mình và đạt được đúng điểm rơi phong độ.
Thành tích của Olympic là sự phản ánh chính xác nhất sức mạnh của một nền thể thao. Từ đánh giá đó, thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 mang đến nhiều câu hỏi. Trong hai kỳ SEA Games gần nhất, Việt Nam đều đứng nhất trong bảng xếp hạng huy chương. Các vận động viên đã đem về tới 205 Huy chương Vàng ở SEA Games 31 và 136 Huy chương Vàng ở SEA Games 32. Thế nhưng ở 2 kỳ Olympic vừa qua là Olympic Tokyo 2020 và Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam đều trắng tay.
Việc dẫn đầu ở khu vực nhưng lại không có thành công trên đấu trường quốc tế cho thấy, vấn đề trong chiến lược đầu tư trọng điểm của ngành thể thao. Dường như việc đua tranh thành tích tại SEA Games vẫn chiếm một phần lớn sự quan tâm, đầu tư. Trong khi đó, tất cả đều hiểu rõ, tấm huy chương Olympic có giá trị quan trọng như thế nào với một nền thể thao quốc gia.
Đầu tư trọng điểm cũng chỉ là một phần của vấn đề. Theo đánh giá của giới chuyên môn, thể thao Việt Nam nói chung đang thiếu đi chân đế vững chắc để xây dựng một môi trường chuyên nghiệp, bài bản giúp ươm mầm những tài năng hàng đầu. Ngoại trừ một số môn mang tính phổ biến như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ..., hầu hết các môn thể thao khác gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng phong trào, thu hút đầu tư và đặc biệt là tuyển chọn lớp trẻ năng khiếu để đào tạo và rèn giũa. Trong những năm qua, khá nhiều vận động viên xuất sắc của thể thao Việt Nam được phát hiện một cách tình cờ chứ không phải là sản phẩm của một quá trình tuyển lựa, đào tạo bài bản. Họ đem về những thành tích ấn tượng nhờ vào tài năng đặc biệt của mình, nhưng khi những vận động viên này đi qua giai đoạn đỉnh cao, khoảng trống về đội ngũ kế cận ngay lập tức lộ rõ. Trường hợp của Nguyễn Tiến Minh trong môn cầu lông là ví dụ dễ nhận thấy nhất.
Để có được thành tích ổn định hơn ở những đấu trường quốc tế như Olympic hay các giải vô địch thế giới, rõ ràng thể thao Việt Nam cần một sự đầu tư căn cơ, bài bản và có kế hoạch rõ ràng hơn ở tất cả các khâu. Quả ngọt chỉ có được nhờ sự vun trồng đúng cách, không còn con đường nào khác.
Ngân sách cho thể thao Việt Nam, bao gồm cả thể thao phong trào và thể thao thành tích cao ở 4/5 năm gần nhất không vượt quá 900 tỷ đồng, cụ thể là 893 tỉ đồng năm 2020, 890 tỷ đồng năm 2021, 893 tỷ đồng năm 2023 và 826,2 tỷ đồng năm 2024. Chỉ có năm 2022, mức chi lên 1.242 tỷ đồng khi Việt Nam đăng cai SEA Games 31. Con số này thấp hơn so với các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á. Các chuyên gia về thể thao thành tích cao ước tính rằng, để có một tấm Huy chương Vàng Olympic, khoản đầu tư vào một vận động viên có thể lên tới triệu USD, bao gồm chi phí đào tạo, thuê huấn luyện viên, dinh dưỡng, thi đấu cọ xát...