Thể thao Việt Nam hướng tới Olympic: Thiếu hiệu quả
Dù có nhiều nỗ lực, các kế hoạch và hành động ngành thể thao đưa ra để đưa Việt Nam hướng tới đấu trường Olympic chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Kình ngư Ánh Viên được coi là “viên ngọc quý” của thể thao Việt Nam nhưng đã không có được sự đầu tư đúng hướng cho đấu trường châu lục và thế giới Ảnh: GETTY IMAGES
Nỗ lực bất thành của VĐV Hoàng Thị Duyên ở hạng cân 59kg môn cử tạ hôm qua gần như khép lại hy vọng đoạt huy chương của đoàn thể thao Việt Nam tại Thế vận hội Tokyo 2020 (Nhật Bản).
Trên thực tế, dù dự tranh giải với 18 VĐV, hy vọng huy chương của Việt Nam chỉ đặt vào 3 cái tên là Hoàng Thị Duyên, Thạch Kim Tuấn (cử tạ) và Hoàng Xuân Vinh (bắn súng). Cả Xuân Vinh và Thạch Kim Tuấn trước đó đều thi đấu không thành công.
Trong số 3 VĐV kể trên, dù sa sút phong độ nhưng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh được đánh giá là người duy nhất có đẳng cấp ở tầm Olympic khi từng đoạt 1 HCV, 1 HCB ở Thế vận hội Rio de Janeiro 2016. Ở tuổi 47, Xuân Vinh dù vậy đã thuộc diện “dừ”, bộ môn bắn súng cũng đã có kế hoạch để anh chuyển hẳn sang công tác huấn luyện.
Thạch Kim Tuấn được kỳ vọng cao, nhưng chỉ khi thi đấu ở hạng cân 56kg. Khi bị đôn lên hạng cân 61kg do Olympic không có nội dung 56kg, Kim Tuấn phải đối điện với quá nhiều đối thủ mạnh trên thế giới và cũng không có “cửa” để cạnh tranh huy chương.
Trong các kỳ SEA Games gần đây, ngành thể thao vẫn thường đưa ra các báo cáo về thành tích huy chương, với tỉ lệ môn Olympic đạt kết quả ngày càng cao. Các kết quả này tạo nên sự lạc quan nhất định, và được mang ra làm minh chứng cho hiệu quả chiến lược đầu tư hướng tới đấu trường Olympic lâu nay. Đã có cả một chiến lược đầu tư trọng điểm được vạch ra. Việt Nam cũng thường xuyên giữ vị trí trong tốp 3 ở mỗi kỳ đại hội khu vực Đông Nam Á.
Tại Olympic Tokyo 2020, số VĐV dự tranh của Việt Nam thấp nhất trong các quốc gia tốp đầu ở Đông Nam Á. Cụ thể, Thái Lan tiếp tục khẳng định vị trí số 1 với 30 VĐV. Các vị trí tiếp theo thuộc về Indonesia (28), Singapore (23), Philippines (19) rồi mới tới Việt Nam (18), Lào (4), Campuchia (3)…Quân số dự Olympic của Thái Lan có thể cao hơn nếu cử tạ nước này không bị cấm.
Nhìn ở khía cạnh này, có thể thấy chúng ta đang thua sút so với các đối thủ trong khu vực ở cuộc đua hướng tới đấu trường Thế vận hội. Số liệu thống kê tại các kỳ SEA Games gần đây chưa phản ánh đúng thực tế sự phát triển của thể thao Việt Nam.
Ba kỳ gần nhất, Việt Nam đã bứt lên chiếm vị trí thứ 3 nhờ sự tỏa sáng của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Hai môn đóng góp nhiều số huy chương cho Việt Nam nhất tại các kỳ SEA Games là điền kinh và bơi lội. Nhưng cả 2 môn này, các VĐV Việt Nam hầu như không có cơ hội tranh đoạt huy chương Thế vận hội. Cho tới lúc này, chỉ có võ (Taekwondo), cử tạ và bắn súng là những môn giúp Việt Nam giành được huy chương Olympic.
Ánh Viên là một trường hợp cho thấy sự thiếu hiệu quả trong kế hoạch đầu tư của Việt Nam, hay chính xác hơn, thiếu tham vọng của ngành thể thao. Kình ngư Quân đội từng được ví như viên ngọc quý của thể thao Việt Nam, sở hữu nhiều tố chất nhất để phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên kể từ sau SEA Games 2015, quá trình tập huấn vừa tốn kém, vừa thiếu hiệu quả của Ánh Viên tại Mỹ, dù được báo chí chỉ ra nhiều lần nhưng ngành thể thao không có sự thay đổi. Kết quả, phong độ của Viên ngày một sa sút nhưng không ai phải chịu trách nhiệm.
Điều đáng lo ngại, sau Hoàng Xuân Vinh, chúng ta chưa nhìn ra VĐV có triển vọng cho mục tiêu Thế vận hội. Con đường hướng tới đấu trường Olympic của thể thao Việt Nam thực sự rất gian nan.