Thể thao Việt Nam nhìn từ Asiad 19: Tay không ra biển lớn

Từ tấm huy chương vàng (HCV) Asiad đầu tiên của võ sĩ Trần Quang Hạ ở môn taekwondo tại Asiad Hiroshima 1994, đến nay đã có 9 môn khác nhau mang về 16 HCV cho Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN), tức trung bình mỗi môn chưa đạt đến 2 HCV. Thống kê này chỉ ra thực tế, không thể xác định được đâu là môn thế mạnh của TTVN trên đấu trường châu Á.

Khó xác định môn thế mạnh

Suốt hành trình lịch sử tham dự Asiad, thể thao đảo quốc Singapore có đến 26 HCV ở 2 môn bơi lội và đua thuyền. Thái Lan có 26 HCV cầu mây, 20 HCV quyền Anh và 15 HCV môn xe đạp. Đoàn Philippines nổi bật với 15 HCV ở môn quyền Anh và 12 HCV điền kinh. Với Indonesia, chúng ta cũng dễ đoán về sức mạnh ở 2 môn cầu lông và pencak silat, còn đoàn Malaysia thì mạnh các môn võ. Các đoàn Đông Nam Á có sự trồi sụt về thành tích ở mỗi kỳ Asiad, nhưng các tấm HCV quan trọng nhất của họ luôn đến từ môn thế mạnh.

Bắn súng đã đem về tấm huy chương đầu tiên cho Việt Nam khi hội nhập quốc tế, đó là huy chương đồng ở Asiad New Delhi 1982. Bắn súng cũng là môn đoạt HCV đầu tiên khi TTVN dự SEA Games, nhưng phải đến Asiad 19 lần này mới có tấm HCV đầu tiên, dù 7 năm trước chúng ta từng đoạt HCV Olympic.

Tương tự, chúng ta có liên tiếp 2 HCV ở taekwondo, rồi sau đó không thể chiến thắng thêm lần nào nữa tính đến Asiad 19; kế tiếp là các môn wushu, xe đạp, rowing… Thế mới có chuyện là trước Asiad 19, chỉ tiêu HCV của chúng ta dao động từ 2-5, tức là rất mông lung trong việc xác định các môn trọng điểm.

Nếu quan sát các tấm HCV của những đoàn Đông Nam Á, sẽ thấy tập trung vào những môn mang tính đồng đội, đề cao sự khéo léo và phổ biến, nhất là các môn thi đấu theo hạng cân. Đây chính là lộ trình phù hợp nhất để những nền thể thao Đông Nam Á có cơ may vươn tầm thế giới mà không bị giới hạn bởi bất lợi về thể chất. Có không ít các môn như vậy, từ bắn súng, cầu mây, võ thuật đối kháng, quyền biểu diễn, xe đạp địa hình, cử tạ, quyền Anh, hoặc điền kinh (các cự ly trung bình).

Trong số 28 môn cốt lõi của Olympic, hoặc khoảng 33 môn thường xuyên tổ chức ở Asiad thì vẫn có ít nhất 50% các môn, hạng cân thi đấu phù hợp với thể trạng của VĐV Đông Nam Á. Trên thực tế, trong số 16 HCV mà TTVN đã từng giành được ở Asiad, thì ngoại trừ 2 HCV môn điền kinh ở Asiad 18 có yếu tố đột biến, phần còn lại thuộc về các môn mà chúng ta có thể duy trì đầu tư lâu dài như rowing, xe đạp địa hình, taekwondo, karate, quyền Anh, cử tạ, bắn súng… hoặc có tiềm năng lớn như đấu kiếm, thể dục dụng cụ, thể thao điện tử…

Hầu như không có các môn thế mạnh và cũng không thể duy trì được những môn thi đã thành công ở các kỳ Asiad trước, là một chi tiết cho thấy cách làm của TTVN vẫn còn manh mún, ngắn hạn. Điền kinh là môn thi đấu tiêu biểu của trạng thái này khi cử đến Asiad những VĐV bên kia sườn dốc sự nghiệp, không ở điểm rơi phong độ, trong khi các môn mà Đông Nam Á có thế mạnh thì chúng ta lại không thể tận dụng tốt.

Đầu tư dàn trải

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thành tích cao (Ủy ban TDTT), cựu Trưởng đoàn TTVN tại nhiều kỳ đại hội, khẳng định: Ngân sách nhà nước không bao giờ đủ cho công tác đầu tư đỉnh cao, vì vậy mới cần có chiến lược cụ thể cho toàn bộ nền thể thao và cho từng môn thi đấu trọng điểm. Trong đó, dứt khoát phải đẩy mạnh xã hội hóa và xác định đúng các môn có thể vươn tầm châu lục, thế giới.

Theo ông Minh, để có VĐV đạt đến tầm châu Á thì phải sàng lọc tối thiểu 10 năm liên tục, có môn lên đến 20 năm như điền kinh. Nghĩa là vô cùng tốn kém, không phân bổ ngân sách hợp lý thì mọi thứ chẳng đâu vào đâu.

Bài học từ bắn súng và cử tạ

SEA Games 31 năm 2019, nếu Đoàn TTVN lần đầu vượt qua Thái Lan khi sân chơi này tổ chức ngoài Việt Nam, thì môn bắn súng rơi vào cảnh “trắng” HCV. Mất 5 năm trẻ hóa, cuối cùng bắn súng đã hưởng thành quả từ tấm HCV của xạ thủ Phạm Quang Huy ở chính nội dung xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV tại Olympic Rio de Janeiro 2016.

Trong khi đó, từ khi Olympic và Asiad không còn các hạng cân dưới 60kg, cử tạ của Việt Nam cũng mất dần thành tích. Ngược lại, Philippines có HCV Olympic Tokyo 2020, cũng như Indonesia đoạt HCV Asiad ở các hạng cân thấp nhất mà các đại hội này tổ chức. Việc họ linh hoạt thay đổi các hạng cân phù hợp là điều mà chúng ta không làm được.

Còn theo chuyên gia Dương Đức Thủy, nguyên Trưởng Bộ môn Điền kinh Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua SEA Games, vì thành tích thi đấu ở đấu trường này vẫn có giá trị. Nhưng đặc thù của điền kinh hay ở một số môn có thông số kỹ thuật (bơi, cử tạ) thì yếu tố tập luyện quan trọng không kém. Nghĩa là sẽ có những nội dung, VĐV chọn lọc phải được đầu tư tập huấn và thi đấu liên tục trong môi trường có tiêu chuẩn thế giới, chứ không thể “cào bằng” các nội dung. VĐV được chọn lọc cho tầm châu Á, thế giới, thậm chí không cần phải chịu trách nhiệm thành tích, hoặc có thể không cần thi đấu tại SEA Games.

Rất tiếc, dù từ sau thành công ở Asiad 18, TTVN đã xác định cần đầu tư trọng điểm để vươn tầm, nhưng khi triển khai thì “gạch đầu dòng” đầu tiên vẫn là chiến thắng ở SEA Games. Một trong những nguyên nhân nằm ở nguồn thu nhập từ huy chương SEA Games sẽ giúp một số bộ môn duy trì hoạt động của mình. VĐV càng chiến thắng nhiều ở SEA Games, càng có thu nhập cao. Đây là hệ lụy của việc dựa quá nhiều vào ngân sách nhà nước phân bổ qua tập luyện và khen thưởng.

Ông ĐẶNG HÀ VIỆT, Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19:

TTVN vất vả “đãi cát tìm vàng”

Tại Asiad 19, đội cầu mây nữ Việt Nam, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, xạ thủ Phạm Quang Huy là số ít vận động viên vươn đến tầm châu lục và thế giới. Chưa kể, xác suất giành huy chương dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố khác như chấn thương, kết quả bốc thăm, tâm lý nhập cuộc, nên có thể thấy chất lượng VĐV vẫn là yếu tố chính quyết định thành tích. Ví dụ, trường hợp VĐV Nguyễn Thị Thật từng vô địch châu Á và giành vé dự Olympic môn đua xe đạp đường trường nữ, nhưng không may chấn thương trước khi bước vào Asiad 19 nên không thể hoàn thành nhiệm vụ giành HCV. Hoặc như nhà đương kim á quân thế giới môn quyền Anh nữ Nguyễn Thị Tâm mới trở lại sau chấn thương và đụng đương kim vô địch thế giới người Ấn Độ ngay vòng đầu tiên nên không thể tiến xa…

Các nhà nghiên cứu về khoa học thể dục thể thao trên thế giới đã chỉ ra rằng, thể thao thành tích cao chính là sự cạnh tranh quyết liệt của những nền kinh tế lớn. Ví dụ tại Olympic Tokyo 2020, sự cạnh tranh đó sẽ diễn ra giữa các nền thể thao Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, thể hiện rõ trên bảng tổng sắp. Asiad chính là cuộc cạnh tranh của các nền kinh tế lớn nhất châu lục như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây cũng là 3 cường quốc thể thao dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương tại Asiad 19 (Trung Quốc giành 201 HCV, Nhật Bản giành 52 HCV và Hàn Quốc giành 42 HCV). Các nền kinh tế lớn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của thể thao thành tích cao. Đó là sự đầu tư, sự áp dụng khoa học công nghệ, đội ngũ nhân lực chất lượng cao, việc kêu gọi các nguồn tài trợ đầu tư cho thể thao thành tích cao...

TTVN, mặc dù được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm nhưng thành tích vẫn chưa đạt được như mong muốn, vì chúng ta còn giải quyết thêm nhiều yếu tố, từ đầu tư tới công tác đào tạo, tuyển chọn, hệ thống các giải đấu. Quy trình để đào tạo 1 tài năng thể thao thường mất khoảng 10 năm. Trong quá trình đó, vẫn diễn ra việc “đãi cát tìm vàng”, có khi hàng ngàn VĐV tham gia tập luyện chuyên nghiệp mới có được 1 tài năng cấp châu lục và thế giới, việc này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và cách làm việc khoa học, bài bản.

PHƯƠNG MINH ghi

ĐĂNG LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/the-thao-viet-nam-nhin-tu-asiad-19-tay-khong-ra-bien-lon-post709286.html