Thể thao Việt Nam trắng tay 2 kỳ Olympic liên tiếp. Bài 1: Tụt hậu ở… 'vùng trũng'

Olympic Paris 2024 khép lại và không có phép màu cũng như câu chuyện thần kỳ xảy ra với đoàn thể thao Việt Nam.

Đô cử Trịnh Văn Vinh không thành công trong 3 lần cử giật đầu tiên và sớm bị loại khỏi nội dung thi đấu hạng cân 61 kg nam cử tạ Olympic 2024. Ảnh: ITN.

Đô cử Trịnh Văn Vinh không thành công trong 3 lần cử giật đầu tiên và sớm bị loại khỏi nội dung thi đấu hạng cân 61 kg nam cử tạ Olympic 2024. Ảnh: ITN.

Như vậy, thêm một kỳ Thế vận hội mà chúng ta hoàn toàn tay trắng và điều quan trọng nữa, cơ hội huy chương Olympic phía trước cũng rất mông lung.

Người hâm mộ có lý do để thất vọng “toàn tập” khi thể thao Việt Nam đứng đầu 2 kỳ SEA Games gần đây với số huy chương vàng kỷ lục, lên đến hơn 300 chiếc nhưng thua xa chính các đối thủ trong khu vực khi bước ra những đấu trường lớn, danh giá nhất hành tinh như Olympic.

Lực bất tòng tâm

Đoàn thể thao Việt Nam lên đường đến Pháp với hy vọng sẽ giành huy chương ở những môn thể thao mũi nhọn và được đầu tư trọng điểm như bắn súng, cử tạ và canoeing. Tuy nhiên, hy vọng mong manh cứ lần lượt tan vỡ và để rồi chúng ta đối mặt với sự thật phũ phàng, không có huy chương trên đất Pháp.

Chia sẻ với truyền thông Việt Nam, ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục TDTT (Bộ VH-TT&DL), Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 cho biết: Tôi nghĩ một chút tiếc nuối đối với thể thao Việt Nam ở kỳ Thế vận hội lần này là cử tạ. Đây là bộ môn chúng tôi kỳ vọng sẽ có huy chương tại kỳ Olympic 2024.

Trong quá trình tập luyện, Trịnh Văn Vinh đã đạt trọng lượng tạ trên 300 kg (cử giật trên 130 kg, cử đẩy trên 170 kg). Nhưng vào thi đấu, một chút xao động khiến Vinh không kiểm soát được. Một số vận động viên Việt Nam đã có sự tiến bộ nhất định và đạt được thành tích như Trịnh Thu Vinh (môn bắn súng), 2 lần lọt vào chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nữ và 25m súng ngắn thể thao nữ.

Vậy là 24 năm trôi qua kể từ khi thể thao Việt Nam giành tấm huy chương Thế vận hội đầu tiên tại Sydney 2000, năm 2024 đánh dấu lần đầu tiên chúng ta trắng tay ở 2 kỳ Olympic liên tiếp. Tại Tokyo (Nhật Bản) cách đây 3 năm, đoàn Việt Nam có 18 vận động viên tham gia tranh tài nhưng không ai có thể giành huy chương.

Tại Thế vận hội 2024, chiều 8/8, Nguyễn Thị Hương – vận động viên cuối cùng của thể thao Việt Nam bước vào đường đua trong sự mong chờ về điều thần kỳ sẽ đến. Nhưng với cuộc chơi mà yếu tố bản lĩnh và tài năng mang tính quyết định thì câu chuyện phép màu cũng chỉ là thứ vô vọng.

Ở vòng loại, tuyển thủ canoeing Việt Nam về cuối với thành tích 49 giây 74, không giành suất vào bán kết. Đến vòng tranh vé vớt vào bán kết, Nguyễn Thị Hương cán đích thứ 6/7 vận động viên với thời gian 49 giây 09, qua đó dừng bước tại Olympic 2024. Đây là kết quả không bất ngờ bởi ngay từ đầu, Hương được dự đoán khó làm nên chuyện ở nội dung này.

Một trong những niềm hy vọng giành huy chương lớn nhất của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 là Trịnh Văn Vinh, hạng 61 kg. Đô cử này đã được tạo điều kiện tốt nhất về tập luyện, tập huấn cũng như tính toán về điểm rơi phong độ.

Mặc dù vậy, Trịnh Văn Vinh thực hiện hỏng cả 3 lần cử giật (mức 128 kg) và kết quả này khiến anh không thể bước tiếp vào phần thi cử đẩy để tính mức tổng cử xếp hạng chung cuộc. Hình ảnh lực sĩ Trịnh Văn Vinh bật ngửa ra sàn đấu vì thất bại trong cả 3 lần nâng tạ có lẽ còn được nói nhiều, như thông điệp đầy sức nặng và ý nghĩa cảnh báo về sự tụt hậu của thể thao Việt Nam khi ra biển lớn như Olympic.

Bắn súng là môn đầu tiên mang về Huy chương Vàng cho Việt Nam ở Olympic (2016), là môn giải cơn khát vàng ở ASIAD 19 (Hàng Châu, Trung Quốc) năm ngoái. Và khi bước vào Olympic Paris, bắn súng cũng gánh trọng trách huy chương với cơ hội được nhận định khả năng thành công xấp xỉ như cử tạ.

Thực tế đã chứng minh điều đó, Trịnh Thu Vinh giành quyền vào chung kết ở cả 2 nội dung thi đấu. Ở vòng tranh chấp huy chương nội dung 10m súng ngắn hơi nữ, xạ thủ 23 tuổi Việt Nam đứng hạng 4 (198,6 điểm). Nhưng số điểm của Vinh còn khoảng cách rất xa so với nhóm huy chương, cụ thể: Huy chương Vàng - Oh Ye-jin (Hàn Quốc, 222,6 điểm); Huy chương Bạc - Kim Ye-ji (Hàn Quốc, 221,8); Huy chương Đồng - Bhaker Manu (Ấn Độ, 221,7).

Ở nội dung chung kết 25m súng ngắn thể thao nữ, Trịnh Thu Vinh dừng bước ở vị trí thứ 7 trong 8 vận động viên tham dự. Với 16 điểm, xạ thủ Việt Nam chưa đạt đến ngưỡng 1/2 số điểm của nhà vô địch nội dung này.

Cụ thể, Huy chương Vàng thuộc về xạ thủ Yang Ji In (Hàn Quốc) sau khi thắng Camille Jedrzejewski (Pháp) ở loạt bắn luân lưu - đều có 37 điểm sau 10 loạt bắn. Huy chương Đồng thuộc về Major Veronika (Hungary) với 31 điểm. Với những thông số chuyên môn rất sâu như vậy, Trịnh Thu Vinh cũng như bắn súng Việt Nam chưa thể nhìn ra cửa có thể giành huy chương ở kỳ Olympic tiếp theo.

Ngay cả nhà vô địch nội dung 10m súng ngắn hơi nam ASIAD 19 Phạm Quang Huy, sau khi trượt vé đến Pháp anh cũng chỉ mong có thể giành suất tham dự Thế vận hội 2028 chứ không dám mơ xa đến thành tích huy chương sân chơi như Olympic.

Với xe đạp, Nguyễn Thị Thật những năm gần đây đạt được thành tích khá ấn tượng và không ít người kỳ vọng nữ cua-rơ này sẽ làm nên chuyện ở Olympic 2024. Nhưng ra sân chơi lớn mới thấy, khoảng cách chuyên môn của những gương mặt hàng đầu của thể thao Việt Nam so với thế giới vẫn còn rất xa.

Điều đó có thể thấy rõ hơn ở kết quả các môn khác mà Việt Nam có đại diện tranh tài. Hoàng Thị Tình (judo) thua và bị loại ngay trận đầu; Võ Thị Kim Ánh cũng vậy ở môn boxing, môn này Hà Thị Linh khá hơn với việc vào đến vòng 1/8; Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát thắng 1 trận tại vòng bảng môn cầu lông, nhưng trước đối thủ mạnh hơn ở trận 2, kết quả là thất bại và bị loại sớm.

Và cũng cần phải nhìn lại thất bại của “kình ngư” Nguyễn Huy Hoàng ở hai nội dung 800m tự do và 1.500m tự do như là bài học quan trọng sau Olympic Paris 2024. Kình ngư Việt Nam đến Pháp với mục tiêu giành suất vào vòng chung kết. Nhưng ở cả hai nội dung tham dự, Hoàng đều có thành tích đáng thất vọng.

 Panipak Wongpattanakit (Thái Lan, hạng 49 kg) giành Huy chương Vàng taekwondo nữ Olympic Paris. Ảnh: ITN.

Panipak Wongpattanakit (Thái Lan, hạng 49 kg) giành Huy chương Vàng taekwondo nữ Olympic Paris. Ảnh: ITN.

Theo đó, ở nội dung 800m tự do nam, anh về đích với thông số 8 phút 08 giây 39, kém gần 20 giây so với người về đích đầu tiên tại vòng loại là Auboeck Felix (Áo, 7 phút 48 giây 49). Tại ASIAD 19, Hoàng giành Huy chương Đồng với thông số 7 phút 51 giây 44. Xa hơn, tại Olympic Tokyo 2020, cũng ở nội dung 800m, kình ngư sinh năm 2000 đạt thông số 7 phút 54 giây 16.

Với nội dung 1.500m tự do nam, kình ngư quê Quảng Bình chỉ đạt thành tích 15 phút 18 giây 63, kém rất xa thông số tốt nhất của anh là 14 phút 58 giây 14. Ngay cả khi so với thành tích 15 phút 00 giây 24 ở Olympic Tokyo, Huy Hoàng cũng kém chính mình tới gần 18 giây.

Như vậy, tính từ đầu năm 2024, các chỉ số thành tích của Huy Hoàng đều “lao dốc” không phanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc tay bơi số 1 Việt Nam sa sút một cách khó hiểu cần phải phân tích kỹ, trong đó có những vấn đề thuộc về huấn luyện, tập huấn và quá trình chuẩn bị. Huy Hoàng mới 24 tuổi, anh vẫn có thể cải thiện và nâng cao thành tích ở những giải đấu phía trước, trong đó có cả vòng loại Olympic 2028…

Thất thế từ… vạch xuất phát

Những con số thống kê nghèo nàn tại Olympic 2024 cho thấy chiến lược phát triển của thể thao Việt Nam còn có nhiều bất cập. Thế mới nảy sinh nghịch lý, 2 kỳ SEA Games 31 (2022) và SEA Games 32 (2023), thể thao Việt Nam thống trị ngôi đầu khu vực Đông Nam Á.

Đơn cử như kỳ đại hội năm ngoái, chúng ta về đích với 136 Huy chương Vàng, trong khi Thái Lan về nhì với 108 Huy chương Vàng, Indonesia hạng Ba (86 Huy chương Vàng), Philippines (hạng 5, 58 Huy chương Vàng), Singapore (hạng 6, 51 Huy chương Vàng) và Malaysia (hạng 7, 34 Huy chương Vàng).

 Trịnh Thu Vinh tiếc nuối ở vị trí thứ 4 chung kết 10m súng ngắn hơi nữ Olympic 2024. Ảnh: ITN.

Trịnh Thu Vinh tiếc nuối ở vị trí thứ 4 chung kết 10m súng ngắn hơi nữ Olympic 2024. Ảnh: ITN.

Nhưng bước vào Olympic Paris 2024, Việt Nam có 16 vận động viên, trong đó có 2 vé mời, đứng bét bảng so với những “bại tướng” ở SEA Games, như Thái Lan (51 vận động viên), Indonesia (29), Malaysia (26), Singapore (23), Philippines (22).

Không chỉ thua về số lượng vận động viên, Olympic Paris 2024 khép lại, nền thể thao đứng đầu Đông Nam Á những năm gần đây tiếp tục ngậm ngùi đứng dưới những đối thủ kể trên.

Theo thống kê, đoàn thể thao Đông Nam Á mới nhất giành huy chương tại Olympic 2024 là Singapore, với tấm Huy chương Đồng ở môn thuyền buồm nam nhờ công vận động viên 17 tuổi Maximilian Maeder. Philippines đứng đầu với 2 Huy chương Vàng (thể dục dụng cụ), 2 Huy chương Đồng (quyền anh).

Indonesia giành 2 Huy chương Vàng (cử tạ và leo núi thể thao tốc độ nam), 1 Huy chương Đồng (cầu lông). Thái Lan có 1 Huy chương Vàng (taekwondo), 3 Huy chương Bạc (1 cầu lông, 2 cử tạ) và 2 Huy chương Đồng (quyền anh và cử tạ). Malaysia kết thúc Thế vận hội năm nay với 2 Huy chương Đồng (cầu lông).

Để nhìn rõ hơn tương quan chiến lược phát triển của “vùng trũng” Đông Nam Á thì thể thao Việt Nam 2 lần vô địch SEA Games với tổng số 341 Huy chương Vàng nhưng trắng tay ở 2 kỳ Olympic 2020 và 2024. Kết thúc 2 kỳ Thế vận hội gần đây, 4 đoàn thể thao thua Việt Nam ở đấu trường khu vực đều giành huy chương Olympic.

Cụ thể, Philippines đứng đầu với 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng; Indonesia đứng thứ 2 (3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng); Thái Lan hạng Ba (2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng); Malaysia giành 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng.

Singapore sau khi giành Huy chương Vàng Olympic 2016 (bơi, 100m bướm) đã trắng tay ở Olympic Tokyo 2020. Nhưng đến Paris, đoàn thể thao quốc đảo Sư tử chấm dứt cơn khát huy chương ở môn thuyền buồm nam, và nhờ đó họ xếp trên đoàn Việt Nam.

Để thấy rõ hơn sự tụt hậu của thể thao Việt Nam, hãy so sánh về thành tích tại sân chơi châu lục, ASIAD 19 năm 2023. Tại đấu trường này, Thái Lan đứng đầu khu vực Đông Nam Á với thành tích 12 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 32 Huy chương Đồng (hạng 8 châu Á, vị trí cao nhất của Đông Nam Á so với tương quan các châu lục); Indonesia 7 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc và 18 Huy chương Đồng; Malaysia 6 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 18 Huy chương Đồng; Philippines 4 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng; Singapore 3 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 7 Huy chương Đồng.

Trong khi đó, Việt Nam xếp thứ 6 Đông Nam Á và thứ 21 châu Á khi chỉ giành được 3 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc và 19 Huy chương Đồng. Như vậy, ngoài SEA Games, khi bước ra sân chơi lớn những năm qua, thể thao Việt Nam rơi thẳng đứng xuống nhóm cuối, với sự hiện diện của Brunei, Campuchia, Timor Leste, Lào và Myanmar, những đoàn không có huy chương Olympic.

Phải mất 2 thập kỷ, từ lần đầu tham dự Olympic Moscow 1980 đến Olympic Sydney 2000, thể thao Việt Nam mới có huy chương Thế vận hội, đó là tấm Huy chương Bạc lịch sử của nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân. Từ đó cho đến trước Olympic 2024, thể thao Việt Nam chưa bao giờ rơi vào tình trạng kém cỏi như hiện nay.

Sau Olympic Athens 2004 không giành được huy chương, Việt Nam đã giành huy chương ở 3 kỳ Olympic liên tiếp, gồm: Huy chương Bạc cử tạ Olympic Bắc Kinh 2008 (Hoàng Anh Tuấn); Huy chương Đồng cử tạ Olympic London 2012 (Trần Lê Quốc Toàn) và đặc biệt tại Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trở thành người hùng với 1 Huy chương Vàng 10m súng ngắn hơi và 1 Huy chương Bạc 50m súng ngắn bắn chậm.

___________

Bài 2: Vì sao Olympic quá tầm?

Khánh Vy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-thao-viet-nam-trang-tay-2-ky-olympic-lien-tiep-bai-1-tut-hau-o-vung-trung-post696820.html