Thể thao Việt Nam vươn mình cùng đất nước

Quá trình phát triển của đất nước trong suốt 75 năm qua, đặc biệt từ giai đoạn hội nhập trở lại với thế giới, thể thao Việt Nam luôn là một trong những bức tranh phản chiếu. Để đến lúc này, khi đất nước đã có vị thế và nền tảng vững chắc để tự tin ra thế giới thì thể thao Việt Nam cũng hướng đến những mục tiêu xa hơn.

Chuyển mình cùng đất nước

Ngành thể thao đã có vai trò không thể thiếu từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào năm 1945. Chỉ gần 5 tháng sau ngày 2/9 lịch sử ấy, ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời đã ký Sắc lệnh số 14 thiết lập tại Bộ Thanh niên một Nha Thể dục Trung ương. Đến ngày 27/3/1946 một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh lại thay mặt Chính phủ mới ký Sắc lệnh số 38 về việc thành lập một Nha Thanh niên và Thể dục gồm Phòng Thanh niên Trung ương và phòng Thể dục Trung ương trong Bộ Quốc gia giáo dục. Cũng vì thế, ngày 27/3 mới được công nhận là “Ngày Thể thao Việt Nam”.

Thực tế, trong suốt hành trình thống nhất đất nước, thể thao luôn có sức sống mãnh liệt ở khắp Việt Nam trong đó nổi bật là thành tích 4 HCV tại Đại hội Thể thao các nước mới trỗi dậy năm 1966 ở Campuchia hay ngôi vô địch ở Cúp bóng đá Merdeka cũng trong năm 1966 ở Malaysia…

Nhưng đúng là khi non sông liền một dải kể từ sau ngày 30/4/1975 thì thể thao Việt Nam mới được cộng hưởng sức mạnh từ mọi miền đất nước. Thế nên, kể cả khi kinh tế đất nước còn khó khăn thì các hoạt động thể thao vẫn diễn ra sôi nổi, hào hứng. Những cuộc đấu bóng đá, bóng bàn… giữa các đội bóng, tay vợt đỉnh cao trên khắp mọi miền đất nước thực sự khiến người dân có món ăn tinh thần quý giá để cùng đất nước vượt qua khó khăn.

Khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới từ năm 1986, thể thao Việt Nam cũng có những điều kiện cần thiết để làm mới. Trước đó, những lần tham dự Olympic 1980, ASIAD 1982 đã cho thấy những tụt hậu của thể thao Việt Nam so với thể thao thế giới, châu lục nhất là về công tác huấn luyện cũng như chuẩn bị tâm lý thi đấu. Đây cũng là điều bình thường khi VĐV hầu như không cọ xát quốc tế dẫn đến “ngợp” tại đấu trường đỉnh cao như Olympic, ASIAD.

Thầy trò HLV Park Hang-seo làm nên lịch sử cho bóng đá VIệt Nam với tấm Huy chương Vàng SEA Games đầu tiên sau 60 năm chờ đợi.

Thầy trò HLV Park Hang-seo làm nên lịch sử cho bóng đá VIệt Nam với tấm Huy chương Vàng SEA Games đầu tiên sau 60 năm chờ đợi.

Nhưng rồi quá trình thi đấu quốc tế liên tục nhờ chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước đã mang đến cơ hội phát triển cho ngành Thể thao cũng như nhiều ngành khác. Trong đó, thể thao thành tích cao đương nhiên được hưởng thành quả bắt đầu từ việc tham dự Olympic 1988 tại Hàn Quốc và sau đó là SEA Games năm 1989 tại Malaysia.

Đó thực sự là những dấu mốc đáng nhớ của thể thao Việt Nam bởi từ đây, thể thao Việt Nam liên tục có mặt ở các sân chơi này, cũng như ASIAD và nhiều sân chơi quốc tế khác. Tất cả khẳng định sự góp mặt của thể thao Việt Nam trong mọi hoạt động của làng thể thao thế giới. Mặt khác, từ việc được tham dự liên tục các sân chơi quốc tế, thể thao Việt Nam cũng nhận được nhiều hơn sự đầu tư từ Nhà nước và sau này có thêm nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao…

Những dấu mốc tự hào

Thế nên, từ việc chỉ tham dự các kỳ cuộc thể thao quốc tế với mục tiêu học hỏi, cọ xát, các VĐV Việt Nam dần tự tin đặt những mục tiêu cao hơn để không phải đóng vai “kép phụ”. Sân chơi SEA Games năm 1989 quá rộng lớn với thể thao Việt Nam nhưng đến năm 2003 đã hoàn toàn là đất diễn của đoàn thể thao Việt Nam với màn lên ngôi Nhất toàn đoàn lần đầu tiên trong lịch sự tham dự SEA Games.

Cũng từ đó đến nay, thể thao Việt Nam thường xuyên trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu SEA Games. Rồi ngay cả tấm HCV bóng đá thường xuyên “trong mơ” với thể thao Việt Nam cũng đã về tay đoàn thể thao Việt Nam vào năm 2019. Hay ngôi vô địch bóng đá AFF Cup tưởng còn lâu mới thuộc về bóng đá Việt Nam nhưng rồi sự bền bỉ sau 12 năm đã đưa bóng đá Việt Nam lên ngôi vương vào năm 2008. Xa hơn, còn có thể kể đến tấm HCB ở Giải U23 châu Á năm 2018, vào bán kết ASIAD 2018 của bóng đá Việt Nam, vào tứ kết Giải vô địch bóng đá châu Á năm 2007, 2019…

Ở sân chơi ASIAD, cũng từng được ví là quá tầm với thể thao Việt Nam trong những kỳ đầu tham dự kể từ sau khi đất nước thu về một mối nhưng cũng chỉ đến năm 1994, thể thao Việt Nam đã có tấm HCV ở môn Taekwondo bởi võ sĩ Trần Quang Hạ. Đến ASIAD 2018, thể thao Việt Nam đã giành tới 5 HCV.

Rồi tấm huy chương Olympic tưởng quá xa vời với thể thao Việt Nam bởi năm 1980, thể thao Việt Nam dự Olympic chỉ bằng suất vé mời, đến sau đó cũng chỉ đặt mục tiêu giành vé dự Olympic thay vì tranh huy chương. Nhưng đến năm 2000 đã có VĐV Việt Nam giành được (VĐV Trần Hiếu Ngân giành HCB môn Taekwondo). Đến năm 2016, Hoàng Xuân Vinh lập dấu mốc mới cho thể thao Việt Nam khi giành HCV tại Olympic Rio ở Brazil. Đấy thực sự là “đỉnh cao của đỉnh cao” bởi đó là ước mong của biết bao thế hệ VĐV kể từ khi thể thao Việt Nam lần đầu dự Olympic vào năm 1980.

Trong những thành tích đáng nhớ ấy của thể thao Việt Nam, có sự đóng góp không nhỏ của các VĐV CAND với cả liên tiếp những tấm HCV tại sân chơi SEA Games cũng như tại những sân chơi đẳng cấp hơn như ASIAD. Đáng kể nhất vẫn là tấm HCV ASIAD 2018 của võ sĩ Pencak Silat Nguyễn Văn Trí. Đó cũng là tấm HCV đầu tiên của thể thao CAND tại đấu trường ASIAD, góp phần giúp thể thao Việt Nam có một trong những kỳ thi đấu thành công nhất ở đấu trường ASIAD.

Những cái tên khác của thể thao CAND đã đặt dấu ấn đậm nét trên hành trình chinh phục những tấm huy chương quốc tế đều được công nhận về tài năng như: Nguyễn Mạnh Tường (bắn súng), Phạm Hồng Hà (karatedo), Trịnh Văn Vinh (cử tạ)…

Tất cả sự thành công của thể thao Việt Nam tại đấu trường quốc tế trong suốt chiều dài phát triển đất nước, đặt biệt từ sau khi đất nước vào thời kỳ đổi mới, rõ ràng đã phản ánh rõ sự phát triển, vị thế của đất nước. Đấy là điều đáng kể với thể thao Việt Nam.

Vượt khó để chinh phục những đỉnh cao mới

Những đỉnh cao trong thể thao luôn hiện hữu phía trước. Với những VĐV đã chạm tới đỉnh cao thì vẫn mang trong mình ước mong chinh phục thêm. Đấy là những giá trị trân quý của thể thao. Cũng bởi vậy, khát vọng đạt đến một tầm vóc khác, mạnh mẽ hơn luôn được thể thao Việt Nam bộc lộ dù đang đối mặt không ít khó khăn.

Cái khó đến từ cơ chế khi nhiều môn thể thao vẫn chưa thể xã hội hóa như mong muốn để san sẻ gánh nặng kinh phí cho đơn vị quản lý Nhà nước. Trong khi đó, nguồn kinh phí nhà nước cũng chỉ đáp ứng một phần yêu cầu phát triển, chinh phục những tấm HCV Olympic, ASIAD, SEA Games của thể thao đỉnh cao. Bài toàn này đã song hành với thể thao Việt Nam trong nhiều năm qua. Các nhà quản lý cũng đã “liệu cơm gắp mắm”, cố gắng đầu tư cho những VĐV, môn trọng điểm nhưng đúng là vẫn cần những bước tiến mới trong cách đầu tư cho thể thao đỉnh cao.

Không kể, trong hơn 8 tháng qua, thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ mang tên “COVID-19”. Hệ thống thi đấu quốc gia bị xáo trộn liên tục, hàng chục giải đấu bị hoãn, hủy; kế hoạch tập luyện và thi đấu của các đội tuyển quốc gia cũng không thể như dự kiến. Các giải đấu quốc tế được coi là sân chơi đáp ứng nhu cầu phát triển của các VĐV Việt Nam cũng hoãn, hủy khiến VĐV hầu như mất cảm giác thi đấu.

Trong khi đó, hàng loạt nhiệm vụ trước mắt của thể thao Việt Nam đang gần tới ngày khai mạc trong đó rõ nhất là SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam hay việc phải chinh phục 16-20 vé dự Olympic năm 2021 (hiện thể thao Việt Nam mới giành 5 vé).

Tất cả đang đặt ra bài toán khó với những người làm công tác quản lý TDTT, những HLV và VĐV. Nhưng khó mấy cũng phải giải được bài toán. Ở đây, khả năng thích ứng, sự linh hoạt của thể thao Việt Nam cần được đề cao bởi trước đây, không ít lần thể thao Việt Nam vượt qua khó khăn cũng nhờ những yếu tố này. Chỉ có vậy mới thể hiện rõ việc đồng hành cùng sự phát triển của đất nước mà thể thao Việt Nam đã thể hiện trong nhiều năm qua.

Thể hiện rõ vai trò của thể thao quần chúng

Cùng với thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng cũng có sự phát triển khi hiện nay, số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc ước tính đạt 33,5%, số gia đình tập luyện TDTT ước đạt 24,6%. Hệ thống thi đấu, tập luyện thể thao quần chúng ngày càng được mở rộng với 57.218 câu lạc bộ và có trên 45.000 cuộc thi đấu được tổ chức hằng năm. Ngay trong giai đoạn diễn ra dịch COVID-19 hiện nay, ngành Thể thao cũng chung tay cùng xã hội khi có những hướng dẫn người dân lựa chọn các hình thức tập luyện thể thao phù hợp để vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, vừa giữ gìn sức khỏe.(Minh Khuê)

Minh Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao-24h/the-thao-viet-nam-vuon-minh-cung-dat-nuoc-609901/