Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ
Khi mà Nhà Trắng còn đang loay hoay chiến đấu với dịch bệnh COVID-19 thì cú sốc giá lại bùng lên trên thị trường dầu mỏ.
>> Phần 1: Đâu là kẻ thắng-người thua trong cuộc chiến giá dầu?
>> Phần 2: OPEC+ và những bế tắc trong việc duy trì giá dầu mỏ
>> Phần 3: Viễn cảnh u ám
Tổng thống Donald Trump, người nổi tiếng là thẳng thắn, bản lĩnh và khó lường dường như cũng cảm thấy “khó thở”. Điều này được thể hiện qua những phát ngôn và động thái tiền hậu bất nhất của người đứng đầu nước Mỹ.
Ngay sau khi Riyadh tuyên bố sẽ “đóng cầu dao cho các máy bơm làm việc tối đa” và giá dầu bắt đầu lao dốc, ông Trump đã viết trên Twitter: “Người dân Mỹ hân hoan khi giá dầu giảm” nhưng chỉ vài ngày sau đó (11/3 ), theo Politico, Tổng thống Mỹ đã có cuộc điện đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman nhằm tìm kiếm giải pháp giảm thiểu thiệt hại cho cả hai bên đồng thời gây khó tối đa buộc Nga phải ngồi vào bàn đàn phán và chịu nhượng bộ.
Tại sao ông chủ tòa Bạch ốc lại có những phát ngôn trái chiều như thế? Nền kinh tế lớn nhất hành tinh và người tiêu dùng của mình rất cần giá xăng dầu không cao, thậm chí là rẻ.
Theo phân tích của Oil Price, giá dầu rẻ với nước Mỹ không chỉ có lợi về kinh tế mà còn rất có ý nghĩa về mặt chính trị. Nếu cứ một thùng dầu mỏ (159 l) giá giảm bớt 10 USD thì GDP của Mỹ lại tăng thêm 0,2-0,25%. Giá dầu rẻ ắt giá xăng sẽ rẻ. Giá 1 gallon xăng (3,79 l) giảm 1 cent sẽ kích thích người tiêu dùng chi thêm 1 tỷ USD. Giá xăng dầu thấp tạo cơ hội cho hàng hóa Made in USA có thêm cơ hội cạnh tranh. Ông Trump cũng có lý khi nói người tiêu dùng Mỹ hân hoan bởi họ hài lòng khi cuộc sống có thêm cơ hội, hầu bao không bị sứt mẻ thậm chí có phần còn ít nhiều rủng rỉnh. Họ chính là những người sẽ đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống vào ngày 3/11 năm nay. Nếu cử tri Mỹ hài lòng thì cơ hội để ông Trump tái đắc cử sẽ rất cao.
Suốt trong quá trình chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai, tất cả chương trình tranh cử của đương kim Tổng thống Mỹ đều tập trung vào việc ca ngợi những thành tựu kinh tế đạt được trong vòng 3 năm qua, nhất là tăng trưởng trên thị trường chứng khoán.
Dịch COVID-19 khiến cho ông chủ Nhà Trắng lúng túng, giờ lại thêm khủng hoảng dầu mỏ chưa biết khi nào mới tạm yên. Nếu không xử lý tốt để vượt qua thì mọi thành quả đã tạo dựng được sẽ đổ xuống sông xuống biển.
Phát biểu trước báo giới mới đây, người phát ngôn của Hạ viện thuộc đảng Dân chủ Evan Hollander đã tuyên bố: “Dù các tỷ phú dầu mỏ có ‘cháy túi’ đến bao nhiêu và dù họ có van vỉ cầu viện Tổng thống Trump thế nào thì mối quan tâm hàng đầu của đảng Dân chủ sẽ tập trung chủ yếu đến nhu cầu thực sự của người dân Mỹ và bảo đảm an ninh tài chính cho các gia đình người lao động”.
Số liệu điều tra mới đây của PredictI, trang dự báo online lớn nhất tại Mỹ cho thấy, chỉ trong vòng một tuần kể từ khi Saudi Arabia “tuyên chiến”, lần đầu tiên Joe Biden - đối thủ cạnh tranh thuộc đảng Dân chủ đã vượt lên trên ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với tỉ lệ tín nhiệm 48% (với ông Trump - 45%). Các nhà phân tích của PredictI cũng chỉ ra rằng, thực ra số ủng hộ ông Biden chỉ tăng thêm 1% trong khi sự tín nhiệm đối với đương kim Tổng thống bị giảm tới 5%!
Kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đến nay, lịch sử đã chứng minh rằng đã có 11 đời Tổng thống Mỹ tái đắc cử nếu nền kinh tế nước này trong vòng 2 năm trước ngày bầu cử không bị suy thoái. Chỉ có duy nhất Calvin Coolidge – một trong số 7 Tổng thống đã “vượt hạn” để tái đắc cử khi mà nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng cùng quẫn.
Liệu ông Trump có bước qua được “lời nguyền” trong hoàn cảnh mà ông thực sự lực bất tòng tâm?
Vị thế của nước Mỹ cũng không mong muốn giá dầu thực sự cao chí ít là vào thời điểm hiện tại. Trong giai đoạn thỏa thuận OPEC+ có hiệu lực (1/2017-3/2020), nhờ những tiến bộ công nghệ mới mà giá thành bình quân của dầu đá phiến từ mức 55-60 USD/thùng trước đó đã giảm xuống mức 42-45 USD giúp Mỹ trở thành quốc gia số một trên hành tinh về sản xuất dầu mỏ. Theo số liệu của EIA, từ mức 8,4 triệu thùng/ngày (chiếm 8% dung lượng thị trường), sau hơn 3 năm, con số này hiện nay là 12,2 triệu thùng/ngày (chiếm 12% thị trường). Mỹ đã chính thức tự túc được năng lượng và Tổng thống.Trump chủ trương duy trì chính sách “an ninh năng lượng”.
Ngay sau khi giá dầu mỏ lao dốc, thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo, cổ phiếu của các công ty dầu đá phiến mất giá thê thảm: EOG giảm 35%, Continental Resourser - 40%, Occidental Petroleum - 44%, các công ty quy mô nhỏ hơn - trên 50% và rơi vào trạng thái ngừng sản xuất.
Tổng nợ mà các công ty dầu đá phiến Mỹ cần phải hoàn trả trong vòng 4 năm tới là 86 tỷ USD và một nửa số này phải được thực hiện ngay trong năm nay. Không chỉ vậy, nếu ngành công nghiệp dầu mỏ rơi vào suy thoái kéo theo nạn thất nghiệp tăng, bất ổn xã hội sẽ khiến cơ hội tái đắc cử của ông Trump tiệm cận con số 0!
Vì lý do này mà ông chủ Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ bằng mọi cách để bảo đảm “an ninh năng lượng” cho quốc gia. Một trong những biện pháp đó, theo đánh giá có thể là thỏa thuận với Saudi Arabia, mua ngay 77 triệu thùng cho kho dự trữ quốc gia, cấp tín dụng giá rẻ và thậm chí bảo lãnh cho các khoản nợ của các doanh nghiệp dầu đá phiến (tuy nhiên sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ đảng Dân chủ). Ngoài ra, đã có những đề nghị áp thêm các biện pháp trừng phạt lên LB Nga nhưng xem ra tác dụng của các hành động tương tự từ phía Mỹ và phương Tây trong thời gian gần đây càng trở nên kém hiệu quả.
Giá dầu mỏ cao, thậm chí rất cao là niềm mơ ước của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, giá cao lại chính là con dao hai lưỡi, đặc biệt với Mỹ, nơi mà tỷ trọng của công nghiệp dầu mỏ chỉ chiếm có 1% GDP thì ngưỡng giá đủ để ngành công nghiệp dầu mỏ vừa trụ được, vừa ít nhiều có lời và phát triển có vẻ dễ chấp nhận hơn là mức cao hoặc rất cao.
Năm 2018, nhờ có thỏa thuận OPEC+ mà từ tháng 3 đến tháng 10, giá dầu Brent luôn trên 70 USD/thùng (trong tháng Chín thậm chí có lúc giá còn lên tới 85 USD). Tổng thống Donald Trump đã không ngần ngại nói thẳng với Quốc vương Saudi Arabia Salman rằng nếu không có sự trợ giúp của quân đội Mỹ thì ông ta khó có thể tại vị quá 2 tuần!
Tại Mỹ, các kinh tế gia đều cho rằng nếu giá dầu trên 70 USD duy trì suốt một quá trình dài thì mọi lợi thế của công nghiệp dầu đá phiến cũng không thể bù đắp nổi những thiệt hại bởi giá xăng dầu đắt đỏ. Mỗi thùng dầu đắt thêm 10 USD sẽ kéo theo 1 gallon xăng tăng thêm 25-30 cent. Mà cứ mỗi gallon xăng đắt thêm 1cent thì sức mua của người dân xứ cờ hoa sẽ giảm mất 1 tỷ USD.
Chả thế mà cố vấn về năng lượng thời Tổng thống Bush, Bob McNally đã nhận định: “Với tất cả các tổng thống Hoa Kỳ, chả có gì đáng sợ bằng giá xăng dầu leo thang!”.
Lượng sở hữu ô tô tại Mỹ là 838 xe/1000 người (số liệu năm 2017), con số này cũng tiềm ẩn những bất ổn nếu giá xăng dầu vượt ngưỡng mà họ chấp nhận được.
Dầu mỏ quả là một loại hàng hóa đặc biệt. Nó càng trở nên đặc biệt hơn đối với những quốc gia đã và đang chiếm tỷ trọng hơn 10% dung lượng thị trường thế giới như Mỹ, Nga và Saudi Arabia.
Mặc dù mọi nỗ lực áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang nhắm tới các công ty dầu khí lớn nhất của Nga nhưng ai cũng hiểu đích chủ yếu chính là vị thế của quốc gia mà các công ty này mang quốc tịch. Tuy nhiên, giả sử nguồn cung cấp khoảng 11-12 triệu thùng/ngày của Nga bị ngắt thì Mỹ sẽ phải “lộn túi” để bù đắp đúng số lượng thiếu hụt đó? Hệ quả là chính sách “an ninh năng lượng” mà Nhà Trắng đang theo đuổi liệu có còn được bảo đảm? Theo đánh giá, Mỹ muốn thông qua Nga để buộc Iran và Venezuela phải nhượng bộ và chấp nhận các điều kiện do Mỹ đặt ra.
“Cuộc chiến về giá” đang kỳ cao trào, ai sẽ là kẻ thắng người thua thì chỉ có thời gian mới có thể trả lời được.
Khi nói về “cuộc chơi đầu tư”, Warren Buffett – bậc thầy trong lĩnh vực này đã có câu nói nổi tiếng: “Chỉ khi thủy triều xuống, chúng ta mới nhận ra ai là người không còn mảnh vải che thân”.
Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/the-tien-thoai-luong-nan-cua-my/390901.vgp