The Washington Post: Ít nhất 15 cựu tướng cấp cao Mỹ từng làm cố vấn cho Saudi Arabia
Tờ The Washington Post cho biết có hơn 500 cựu quân nhân Mỹ đã trở thành chuyên gia tư vấn cho các chính phủ nước ngoài với mức lương hàng năm cao hơn cả mức lương cao nhất mà một đại tướng Mỹ nhận được.
Ngày 18-10, tờ The Washington Post đã đưa ra một bản báo cáo cho thấy có ít nhất 15 cựu tướng lĩnh và cựu đô đốc Mỹ từng nhận các khoản tiền tài trợ cố vấn từ Bộ Quốc phòng Saudi Arabia kể từ năm 2016.
Theo tờ báo, có hơn 500 cựu binh sĩ Mỹ đã trở thành chuyên gia tư vấn cho các chính phủ nước ngoài với mức thu nhập hàng năm cao hơn cả mức lương cao nhất mà một đại tướng Mỹ nhận được (hơn 200.000 USD).
Theo luật pháp Mỹ, các quân nhân đã nghỉ hưu phải xin phép chính phủ để nhận bất kỳ nguồn tài trợ hoặc quà tặng nào từ các chính phủ nước ngoài hoặc các công ty quốc doanh bên ngoài.
Tuy nhiên, yêu cầu này chủ yếu chỉ là hình thức và việc phê duyệt đơn xin phép "gần như tự động", với 95% yêu cầu đều được chấp thuận, tờ The Washington Post cho hay.
Theo tờ báo, một trong số những người có trong danh sách trên bao gồm cựu giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) - ông Keith Alexander, người đã được trả một số tiền lớn để giúp xây dựng và điều hành chương trình đào tạo đại học đầu tiên về chiến tranh mạng ở Saudi Arabia vào năm 2018.
Ông Alexander từng làm việc với ông Saud al-Qahtani - cố vấn thân cận của Thái tử Mohammed bin Salman và có lúc bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt với cáo buộc tham gia âm mưu sát hại ông Jamal Khashoggi - một nhà báo của The Washington Post thường chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Saudi Arabia.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama - ông James Jones cũng có tên trong danh sách trên. Tờ The Washington Post cho biết ông Jones giữ vai trò tư vấn an ninh cho chính quyền Riyadh bắt đầu từ năm 2016.
Ngoài ra, tờ báo còn phát hiện ít nhất 20 cựu quân nhân vẫn hợp tác với chính phủ Saudi Arabia (thông qua các công ty tư vấn của ông Jones) dù không được chính phủ Mỹ chấp thuận.
Tuy nhiên, thực chất không có hình phạt hình sự nào đối với người vi phạm quy định này, một số nhà thầu quân sự thậm chí còn không cần sự cho phép của chính phủ Mỹ để có thể hợp tác với chính quyền Saudi Arabia nói riêng và nước ngoài nói chung.
Mặc dù sự hợp tác giữa hai nước đã tồn tại trong nhiều năm qua, song Arab Saudi hiện đang bị Mỹ chỉ trích vì quyết định cắt giảm sản lượng dầu bất chấp áp lực từ Washington.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đe dọa sẽ “cắt đứt mối quan hệ với Riyadh", cáo buộc Saudi Arabia tài trợ hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine bằng cách giảm lượng dầu xuất khẩu khiến giá khí đốt có nguy cơ tăng vọt.