Thêm 1,3 tỷ USD vốn nước ngoài vừa được đầu tư vào Hải Phòng
Hải Phòng vừa trao chứng nhận đầu tư cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD.
Trung tâm Hội nghị thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 9/2023 cho các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp, Khu kinh tế (KCN, KKT) Hải Phòng.
Đến nay, Hải Phòng đã thu hút hơn 1.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 28 tỷ USD. Trong các KCN, KKT thu hút 708 dự án với tổng vốn đầu tư 38,1 tỷ USD.
Trong 8 tháng năm 2023, đã cấp mới 45 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 2,1 tỷ USD và 11 dự án DI đạt gần 15 nghìn tỷ đồng (gần 600 triệu USD). Trong năm 2022: doanh thu đạt 34,8 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập đạt 24,46tỷ USD và nộp ngân sách đạt 17,8 nghìn tỷ đồng. 8 tháng năm 2023: doanh thu đạt 19,9 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 14,6 tỷ USD và nộp ngân sách 8,7 nghìn tỷ đồng.
Tại Hội nghị, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án (tổng vốn đầu tư của các dự án là gần 1,4 tỷ USD).
Trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cấp mới cho Dự án nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance của Tập đoàn SK (Hàn Quốc) có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. Dự án có mục tiêu sản xuất vật liệu phân hủy sinh học PBAT, PBS, PBATS trên diện tích 32.089 m2, lô đất CN5.5G2, KCN DEEP C Hải Phòng I (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải).
Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điểu chỉnh tăng vốn 237,5 triệu USD cho Dự án sản xuất máy và thiết bị của nhà đầu tư Kyocera Document Solutions Inc. (Nhật Bản) tại Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, nâng tổng vốn đầu tư của Dự án lên 425 triệu USD.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án: Dự án đầu tư phát triển nhà xưởng xây sẵn BW (61 triệu USD), Dự án chế tạo phụ tùng ô tô của nhà đầu tư CCTY Bearing Company (Trung Quốc) (40 triệu USD); Dự án sản xuất van và phụ kiện ống nước của nhà đầu tư Ningbo Huaping Intelligent Control Technology (Trung Quốc) (30 triệu USD); Dự án Lắp ráp pin Li-ion và Ni-MH của nhà đầu tư Highpower Technology (Singapore) (20 triệu USD); Dự án sản xuất sàn SPC của nhà đầu tư Yibin Tianyi New Material Technology (Trung Quốc) (19,5 triệu USD); Dự án Mở rộng đầu tư dự án về xây dựng kho chứa, bồn chứa của nhà đầu tư Công ty TNHH Công nghiệp Soft (Nhật Bản) (15,2 triệu USD); Dự án sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô của nhà đầu tư Daimay Investment (Hồng Kông) (15 triệu USD); Dự án kho chứa, bồn bể của nhà đầu tư Công ty TNHH Top Solvent Việt Nam (Thái Lan) (12,8 triệu USD); Dự án sản xuất thiết bị quang học của nhà đầu tư Goodwe Singapore (10 triệu USD).