Thêm 1 cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam, thí sinh 'chạy đua' 3 ngày để giành vương miện

Nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng thí sinh, tính minh bạch của cuộc thi hoa hậu khi gấp rút diễn ra trong 3 ngày.

(Video đăng quang của tân Hoa hậu Việt Nam. Chỉ trong vòng 2 đêm (27 và 28/6), Việt Nam có thêm 3 hoa hậu đăng quang. Nguồn: TikTok Trúc Linh)

Chạy đua vương miện: 3 ngày thành Hoa hậu

Những ngày qua, thông tin về cuộc thi Hoa hậu Bông Sen Việt - Miss Vietnam Lotus đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội và các diễn đàn sắc đẹp. Cuộc thi gây chú ý không chỉ bởi tên gọi lạ tai mà còn bởi hình thức tổ chức đặc biệt: 3 vòng thi gồm vòng sơ khảo, bán kết và chung kết gói gọn trong 3 ngày liên tục.

Thêm một cuộc thi hoa hậu mới xuất hiện ở Việt Nam với lịch trình "chạy đua". (Ảnh BTC)

Thêm một cuộc thi hoa hậu mới xuất hiện ở Việt Nam với lịch trình "chạy đua". (Ảnh BTC)

Kể từ buổi họp báo công bố vào cuối tháng 6 tại TP.HCM, cuộc thi đã vấp phải không ít hoài nghi. Lịch trình dự kiến của cuộc thi sẽ diễn ra gấp rút như quảng bá du lịch (5-8), hoạt động môi trường và từ thiện (6-8) và ba vòng thi chính (7-9/8) tại Phan Thiết và Lâm Đồng.

Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng thí sinh, tính minh bạch cũng như sức khỏe của các người đẹp khi phải liên tục tham gia các hoạt động căng thẳng trong thời gian ngắn ngủi.

Trên các diễn đàn sắc đẹp, cuộc thi hoa hậu mới xuất hiện tại Việt Nam đang trở thành tâm điểm bàn tán với nhiều bình luận trái chiều như: "Chắc sắp tới có Hoa hậu Bông Súng, Hoa hậu Bông Vạn Thọ", "Cứ thế này thì danh hiệu hoa hậu sắp thành chuyện thường ngày ở huyện"...

Phản ứng này từ công chúng phần nào cho thấy sự "bội thực" của khán giả với quá nhiều cuộc thi sắc đẹp mọc lên như nấm trong những năm gần đây.

Đâu là giới hạn cho cơn sốt vương miện?

Không thể phủ nhận rằng, thi sắc đẹp từng là niềm tự hào và khát khao của nhiều cô gái trẻ. Từ những cuộc thi nhan sắc lâu đời như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cho tới các sân chơi quốc tế, nhiều hoa hậu Việt đã ghi dấu ấn, mang về niềm tự hào và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, sự xuất hiện ồ ạt của các cuộc thi sắc đẹp với quy mô nhỏ, chất lượng không đồng đều, tổ chức vội vàng đã khiến danh hiệu hoa hậu ngày càng bị “bào mòn” cả về giá trị lẫn uy tín.

Thí sinh được lựa chọn và đào tạo qua loa, ban giám khảo thiếu sức nặng chuyên môn, các hoạt động bên lề chỉ mang tính hình thức khiến nhiều cuộc thi không đạt tới tiêu chuẩn chuyên nghiệp. Không ít người đẹp sau đăng quang lại trở thành nạn nhân của sự hoài nghi, dè bỉu từ công chúng.

Như NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) - đã thẳng thắn chỉ ra tại tọa đàm về Lạm phát hoa hậu trên VietNamNet, hiện nay có hiện tượng “loạn” cuộc thi sắc đẹp và danh xưng hoa hậu, dẫn đến sự nhầm lẫn và hoài nghi trong dư luận. Anh cho rằng, không ít người đẹp đăng quang đã lập tức phải đối diện với nhận xét trái chiều từ dư luận như: “Ơ, hoa hậu gì mà mắt trố thế?”, hoặc bị nghi ngờ về tính minh bạch giải thưởng.

NSND Xuân Bắc cho rằng, hiện nay có hiện tượng “loạn” cuộc thi sắc đẹp và danh xưng hoa hậu, dẫn đến sự nhầm lẫn và hoài nghi trong dư luận. (Ảnh FBNV)

NSND Xuân Bắc cho rằng, hiện nay có hiện tượng “loạn” cuộc thi sắc đẹp và danh xưng hoa hậu, dẫn đến sự nhầm lẫn và hoài nghi trong dư luận. (Ảnh FBNV)

Từ thực trạng trên, theo Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã đến lúc cần tổ chức lại hệ thống các cuộc thi sắc đẹp trên cả hai phương diện: pháp lý và nhận thức xã hội. Pháp lý để siết chặt quy định cấp phép, đảm bảo tiêu chí rõ ràng và chuyên môn hóa; nhận thức xã hội để định hình lại giá trị thực sự của sắc đẹp, đó là không chỉ nhan sắc bên ngoài mà còn là trí tuệ, nhân cách và những đóng góp bền vững cho cộng đồng.

Dư luận cũng đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta đang “pha loãng” hay đang cố “đậm đặc” hóa danh hiệu hoa hậu? NSND Xuân Bắc nhận định, nếu gọi là “pha loãng” thì với số lượng hàng chục cuộc thi mỗi năm, liệu chúng ta đã đủ loãng, hay cần tới con số 80 người đẹp đăng quang mỗi năm mới được xem là “bão hòa”?

Ngược lại, nếu hướng tới sự “đậm đặc”, tức là chất lượng cao, giá trị bền vững thì cần xác định rõ ràng bao nhiêu cuộc thi là đủ, để giữ được sự tôn nghiêm và ý nghĩa cho mỗi vương miện.

Cốt lõi của vấn đề không nằm ở việc “tôn thờ” danh hiệu hoa hậu mà nằm ở việc tôn vinh đúng mức vẻ đẹp và những giá trị thật sự mà vẻ đẹp đó mang lại. Chỉ khi xã hội đồng thuận và gìn giữ những giá trị ấy như điều đáng trân trọng và đáng ghi nhận, các cuộc thi sắc đẹp mới thực sự có ý nghĩa đúng đắn, trở thành bệ phóng xứng đáng cho những cô gái trẻ khao khát chinh phục ước mơ và cống hiến cho cộng đồng.

Bằng không, nếu xu hướng “nở rộ” không kèm theo chất lượng và giá trị thực, danh hiệu hoa hậu sẽ chỉ còn là chiếc vương miện rỗng, một trào lưu chóng phai và những cô gái trẻ sẽ là những người chịu thiệt thòi đầu tiên trong hành trình tìm kiếm điều vốn dĩ từng rất quý giá.

Nếu xu hướng “nở rộ” các cuộc thi nhan sắc không kèm theo chất lượng và giá trị thực, danh hiệu hoa hậu sẽ chỉ còn là chiếc vương miện rỗng. (Ảnh minh họa)

Nếu xu hướng “nở rộ” các cuộc thi nhan sắc không kèm theo chất lượng và giá trị thực, danh hiệu hoa hậu sẽ chỉ còn là chiếc vương miện rỗng. (Ảnh minh họa)

Minh Huy

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/nguoi-mau-hoa-hau/thi-sinh-1-cuoc-thi-hoa-hau-o-viet-nam-chay-dua-3-ngay-lay-vuong-mien-202507041921337673.html