Thêm 2 dự án điện tái tạo phát điện thương mại lên lưới?

Thống kê đến ngày 18/8/2023, đã có 20 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới.

Cụ thể, tính đến ngày 18/8, có 20 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp với tổng công suất 1.171,72MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới. So với tuần trước, có thêm 2 dự án/phần dự án hoàn thành thủ tục COD gồm: 38/40 turbine Nhà máy Điện gió Lạc Hòa 2 (công suất 123,6MW) và 24 turbine còn lại của Nhà máy Điện gió Hưng Hải Gia Lai (96MW).

79/85 dự án với tổng công suất 4.449,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 67 dự án (tổng công suất 3.849,41MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 61/67 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW.

Tình hình thực hiện thủ tục của 85 dự án NLTT chuyển tiếp. (Ảnh: EVN)

Tình hình thực hiện thủ tục của 85 dự án NLTT chuyển tiếp. (Ảnh: EVN)

Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án NLTT chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 17/8/2023 đạt hơn 310 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

23 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Hiện còn 6 dự án với tổng công suất 284,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Liên quan đến cung ứng điện những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, tại văn bản gửi lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp mới đây, Thường trực Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ, thủ tục liên quan đến việc chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương.

Cơ chế điều chỉnh giá điện ra sao khi A0 về Bộ Công Thương

Chủ trương “cho phép điều chỉnh giá điện theo thực tế” như chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, nếu được hiện thực hóa sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành điện. Bởi, đây vẫn là vấn đề đã có trong các văn bản chỉ đạo điều hành nhưng gần như chưa bao giờ được thực thi trong thực tế.

Mọi quyết định liên quan đến giá điện đều được “nhấc lên đặt xuống” kỹ lưỡng, dù mức tăng trong thẩm quyền của EVN hay Bộ Công Thương đều phải xin phép. Do đó, mới xảy ra tình trạng 4 năm không điều chỉnh giá điện, từ tháng 3/2019 đến tận tháng 5/2023.

“Với cơ chế điều tiết giá bán lẻ điện hiện tại của Chính phủ, doanh thu tính theo giá bán lẻ điện bị điều tiết không đủ để EVN bù đắp chi phí nên tập đoàn đang là doanh nghiệp đứng ra chịu toàn bộ khoản lỗ sản xuất kinh doanh cho các khách hàng sử dụng điện”, EVN đánh giá.

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra cơ chế giá bán lẻ điện chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện. Bởi, giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời theo các biến động đầu vào của giá nhiên liệu trong khâu phát điện; cần đảm bảo kinh tế vĩ mô; giá điện chưa được hình thành theo từng khu vực địa lý...

Đối với A0 đang là đơn vị điều hành thống nhất cả hệ thống điện và thị trường điện Việt Nam. Hai chức năng này sẽ chuyển hết về Bộ Công Thương, sau khi A0 rời EVN. Cung ứng đủ điện và mua điện giá nào sẽ là điều Bộ Công Thương phải đối mặt khi A0 tách ra độc lập khỏi EVN.

Chuyên gia năng lượng Trần Anh Thái, chia sẻ về việc A0 rời EVN: Nếu đặt vấn đề an toàn lên cao hơn thì chi phí mua điện sẽ tăng và EVN là đơn vị chịu thiệt hại với cơ chế giá bán lẻ như hiện nay. Nếu không có chỉ đạo từ EVN thì đương nhiên, A0 sẽ đưa ra giải pháp theo xu hướng đảm bảo an toàn cao nhất cho hệ thống điện và EVN sẽ lỗ nặng hơn.

Nghĩa là, sau ngày A0 về Bộ Công Thương, Bộ với mục tiêu cao nhất "đủ điện cho nền kinh tế" nên chỉ đạo A0 mua điện bằng mọi giá. Nhưng đơn vị phải trả tiền mua điện là EVN (?). Vậy, tiền chênh phát sinh do “mua cao bán thấp” ai chịu nếu không có cơ chế điều chỉnh giá hợp lý?

Có thể thấy, việc điều chỉnh giá điện theo thực tế sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề và là cái gốc để tiến hành những bước cải tổ thị trường điện về sau. Nhà nước có thể áp dụng giá trần để kiểm soát giá điện trong một số tình huống đặc biệt, giống như trường hợp giá xăng dầu, để bảo vệ người tiêu dùng.

Theo Quy hoạch điện 8, giai đoạn 2021 - 2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỉ USD; giai đoạn 2031 - 2050 tương đương 399,2 - 523,1 tỉ USD.

Trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4 - 511,2 tỉ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8 - 38,6 tỉ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

Tạ Nhị

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/them-2-du-an-dien-tai-tao-phat-dien-thuong-mai-len-luoi-79990.html