Thêm 2 mặt hàng chiến lược của Nga bị Ba Lan đưa vào tầm ngắm trừng phạt

Ngày 18/9, Ba Lan đề xuất Liên minh châu Âu (EU) đưa thêm kim cương và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của Nga vào gói trừng phạt mới liên quan tới xung đột ở Ukraine.

Nhân viên công ty Alrosa (Nga) kiểm tra một viên kim cương thô 242 carat được đưa ra đấu giá vào năm 2021. (Nguồn: Reuters).

Nhân viên công ty Alrosa (Nga) kiểm tra một viên kim cương thô 242 carat được đưa ra đấu giá vào năm 2021. (Nguồn: Reuters).

Warsaw cũng đề nghị khối trên điều chỉnh các biện pháp trừng phạt Belarus phù hợp với các biện pháp chống lại Moscow.

Cụ thể, Ba Lan kêu gọi cấm nhập khẩu kim cương của Nga, đồng thời đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với công ty kim cương Alrosa của Moscow. Trong năm 2021, xuất khẩu kim cương đã mang lại nguồn thu 4,5 tỷ USD cho ngân sách của Nga.

Theo truyền thông Ba Lan, “Alrosa đã hỗ trợ lực lượng quân sự Nga và các nỗ lực của Nga ở Ukraine, cả trực tiếp và gián tiếp, trong nhiều năm”.

Bên cạnh đó, Warsaw đề xuất EU ngừng mua LPG của Nga để bảo vệ tính toàn vẹn và minh bạch của thị trường, đồng thời cho rằng nên cấm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông cho các thực thể từ Nga, bao gồm phần mềm máy tính, dịch vụ an ninh mạng và các dịch vụ khác.

Hiện phía Nga chưa có bình luận gì về đề xuất mới nhất của Ba Lan.

Theo các biện pháp trừng phạt hiện tại của EU, đá quý tổng hợp hoặc tái tạo của Nga phải chịu lệnh cấm, trong khi các loại đá quý và kim cương khác không bị hạn chế nhập khẩu trừ khi chúng được đặt trong đồ trang sức bằng vàng.

EU đang hợp tác với các quốc gia G7 và các đối tác quan trọng khác để đảm bảo các biện pháp hạn chế với kim cương Nga hiệu quả, bao gồm cả phương án theo dõi kim cương. Đây là quy trình cho phép các bên có thể kiểm tra nguồn gốc của đá quý, cũng như quy trình kim cương được đưa từ mỏ tới tay thợ kim hoàn.

Hồi tháng 5/2023, Nga từng tuyên bố nếu EU trừng phạt kim cương của nước này, Moscow sẽ tìm người mua ở nơi khác.

Nga chiếm khoảng 10% nguồn cung vàng và 30% nguồn cung kim cương toàn cầu.

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/them-2-mat-hang-chien-luoc-cua-nga-bi-ba-lan-dua-vao-tam-ngam-trung-phat-242675.html