Thêm 308 bệnh nhân COVID-19 tử vong, còn 6.491 ca nặng, nguy kịch
Tối 3/9 Bộ Y tế cho biết, trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cổng thông tin của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho thấy ghi nhận 308 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố.
Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh (250), Bình Dương (44), Đồng Tháp (5), Hà Nội (2), Đắk Lắk (2), Tiền Giang (2), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Khánh Hòa (1).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.476 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.491 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 4.122; thở ô xy dòng cao HFNC: 1.295; thở máy không xâm lấn: 179; thở máy xâm lấn: 867; ECMO: 28.
Ngày 3/9, làm việc với Tổ công tác Bộ Y tế, bác sĩ Trần Thanh Linh đang túc trực tại BV Hồi sức COVID-19 TPHCM cho biết: Hiện đã có gần 800/1000 giường đi vào hoạt động. Trong đó có gần 200 bệnh nhân phải thở máy. Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM thuộc tuyến điều trị cao nhất, nên số bệnh nhân trên 50 tuổi có chuyển biến nặng rất nhiều. Đây là đối tượng đòi hỏi cần kết hợp nhiều biện pháp vừa điều trị, vừa chăm sóc nâng cao thể trạng. Một tín hiệu tích cực là số ca tử vong ngày càng giảm mạnh.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay đã có gần 2.000 bệnh nhân chuyển nhẹ và xuất viện. Ngay trong ngày 3/9 cũng đã có 18 bệnh nhân nặng, nguy kịch, lớn tuổi, nhiều bệnh nền đã được điều trị khỏi và cho ra viện.
Để sàng lọc và tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM kết nối trực tuyến để hội chẩn thường xuyên với các bệnh viện tuyến dưới để nắm chắc tình hình các ca bệnh nặng trước khi họ được chuyển lên. Ngược lại, khi một số ca bệnh thoát khỏi tình trạng nguy hiểm mà tầng dưới (tuyến dưới) có thể chăm sóc, điều trị được thì Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM lại chuyển xuống để nhường giường cho bệnh nhân nguy kịch khác.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) dẫn đầu Tổ công tác Bộ Y tế cho biết, các tuyến dưới cần nắm chắc từng chuyển biến của các ca bệnh. Vì nếu chuyển thành nguy kịch rồi thì cứu chữa rất khó khăn. "Có ca bệnh đưa lên đây phổi đã xơ cứng. Quét siêu âm đã xơ hóa hết. Có bệnh nhân đến bên "cửa tử" khi mới ngoài 20 tuổi. Cho nên từng y bác sĩ tại đây phải chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho người bệnh. Ngoài lực lượng y tế thì các tình nguyện viên tôn giáo đã hỗ trợ chăm sóc người bệnh rất nhiều".