Thêm 960 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc

Đến nay, Việt Nam đang có 1.396 mã số vùng trồng và 188 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Ảnh: Bích Hồng/Bnews/vnanet.vn

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Ảnh: Bích Hồng/Bnews/vnanet.vn

Sáng 22/5, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin: Trung Quốc vừa phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam.

Như vậy, đến nay, Việt Nam đang có 1.396 mã số vùng trồng và 188 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, việc được Trung Quốc chấp thuận thêm nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực mở rộng quy mô xuất khẩu chính ngạch sản phẩm trồng riêng sang thị trường Trung Quốc.
“Có được kết quả này nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc chỉ đạo quyết liệt để Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ, chính quyền địa phương và hiệp hội ngành hàng cũng như người nông dân để có giải pháp đồng bộ nhằm hoàn thiện các yêu cầu về tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc, đặc biệt là yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và hệ thống truy xuất nguồn gốc với sản phẩm sầu riêng”, ông Huỳnh Tấn Đạt chia sẻ.
Ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết thêm, đây cũng là kết quả của quá trình làm việc chặt chẽ, chủ động giữa Bộ Nông nghiệp Môi trường Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Điều này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, bao gồm cả các yêu cầu mới về kiểm soát an toàn phẩm đối với các kim loại nặng như cadimi và vàng O.
Đồng thời, chứng minh rằng sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống từ cơ quan Trung ương đến địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, người dân đã tạo ra một giải pháp đồng bộ, để nước nhập khẩu phê duyệt và chấp thuận những biện pháp Việt Nam đưa ra và áp dụng.
Việc mở rộng danh sách mã số đã tạo điều kiện để tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của trái sầu riêng, đặc biệt khi mùa vụ thu hoạch sầu riêng ở Tây Nguyên sắp vào vụ. Đồng thời, góp phần giảm áp lực với các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được phê duyệt trước đó.

Nhà vườn xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Công Trí-TTXVN

Nhà vườn xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Công Trí-TTXVN

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và nông dân chủ động tận dụng cơ hội này, đồng thời nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu nhằm bảo vệ uy tín, thương hiệu và chất lượng sản phẩm sầu riêng Việt Nam để duy trì thị trường bền vững. Để duy trì và tiếp tục mở rộng thành quả trên, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật mong muốn, tất cả các thành phần tham gia trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu sầu riêng phải duy trì nghiêm túc quy trình sản xuất, đóng gói và kiểm dịch theo đúng quy định đã đăng ký với phía Trung Quốc, nhằm đảm bảo tính bền vững trong hoạt động xuất khẩu chính ngạch. Tiếp tục có thêm các mã số được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, 3 tháng/lần Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ cập nhật các mã số vùng trồng, mã số đóng gói của các địa phương cấp và gửi sang Tổng cục Hải quan Trung quốc để phê duyệt. Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, cả nước đang có 12 phòng kiểm định Cadimi và 8 phòng kiểm định chất vàng O đủ điều kiện xét nghiệm sầu riêng xuất khẩu. Đây là cơ sở quan trọng giúp các doanh nghiệp chủ động kiểm tra chất lượng, đáp ứng yêu cầu phía Trung Quốc, đồng thời góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/them-960-ma-so-vung-trong-co-so-dong-goi-sau-rieng-duoc-xuat-khau-sang-trung-quoc/374409.html