Thêm bước tiến quan trọng trong hợp tác biển ở Đông Nam Á

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhấn mạnh sự cấp thiết duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông. Giới chuyên gia và dư luận quốc tế cũng dành nhiều sự quan tâm về tính cấp thiết của việc khôi phục và tăng cường lòng tin và tin cậy.

Tàu 561 - Bệnh viện trên Biển Đông của QĐND Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tàu 561 - Bệnh viện trên Biển Đông của QĐND Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Khẳng định quan điểm chung của ASEAN về hợp tác biển

Ngày 30/12/2023, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố chung về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á. Văn kiện này một lần nữa khẳng định quan điểm chung của ASEAN về hợp tác biển trong khu vực. ASEAN coi đây là các nguyên tắc căn bản trong ứng xử của các nước trên các vùng biển ở Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông. Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nêu rõ: “Chúng tôi theo dõi sát sao và quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông".

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tái khẳng định tính cấp thiết của việc khôi phục và tăng cường lòng tin và tin cậy; tự kiềm chế khi tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định; tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cam kết hợp tác chặt chẽ để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982. Tuyên bố cũng hoan nghênh những đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề biển diễn ra trong thời gian qua. Cùng với đó là các cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước. Ngoại trưởng các nước ASEAN bày tỏ hy vọng, những đối thoại này sẽ thúc đẩy nỗ lực của ASEAN nhằm tăng cường ổn định và hợp tác trong không gian biển ở khu vực.

Ngay sau khi được ban hành, Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á đã nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia và dư luận quốc tế.

Theo giới chuyên gia, Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN là một tín hiệu tích cực cho hợp tác biển ở Đông Nam Á, bởi nó thể hiện sự đoàn kết, nhất trí và chủ động của ASEAN trong việc đối phó với những thách thức và rủi ro trên biển. Tuyên bố cũng là một cơ sở để ASEAN tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về COC, cũng như thúc đẩy hợp tác với các đối tác khác trong khu vực và quốc tế về các vấn đề liên quan đến biển.

Được biết, đây là lần thứ 5 ASEAN ra một bản tuyên bố riêng về các vấn đề trên biển, kể từ năm 1995. Lần gần đây nhất là vào năm 2014, ASEAN ra tuyên bố về Biển Đông.

Nâng tầm tiếng nói ASEAN

Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng có liên quan tới khu vực Biển Đông, giới chuyên gia nhận định, nếu không có được cơ chế quản trị rủi ro thì sẽ thường trực mối lo về những “cơn sóng ngầm”, nảy sinh nguy cơ đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải. Yêu cầu chung lớn nhất được giới chuyên gia nhìn nhận là cần nhấn mạnh những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982 và những nguyên tắc mà ASEAN đã có, trong đó có những nguyên tắc đã được đề cao trong DOC.

Đoàn công tác số 10 do Bộ Tư lệnh Hải quân và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Đá Đông (thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam). Ảnh: TTXVN

Đoàn công tác số 10 do Bộ Tư lệnh Hải quân và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Đá Đông (thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam). Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, trong khu vực cũng có rất nhiều quy tắc ứng xử mà các bên đều chấp nhận, chẳng hạn như trong khuôn khổ Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC); các tuyên bố của ASEAN về vấn đề Biển Đông, trong đó có “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông” được công bố năm 2012 được các nước, không chỉ ASEAN ủng hộ; hay như DOC. Từ đó cho thấy, nỗ lực của ASEAN cần được quốc tế ủng hộ. Việc hướng tới COC cần phải tính đến yếu tố mới này, trên cơ sở vừa kế thừa, vừa phát triển hơn nữa các nguyên tắc đã được đề ra ở DOC.

Xu hướng chung của quốc tế và khu vực đều ủng hộ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đặc biệt, ASEAN đóng vai trò rất tích cực trong việc thúc đẩy môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực để xây dựng cộng đồng hợp tác, không chỉ trong khối mà còn với các đối tác.

Theo nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh, thực tế không thể phủ nhận rằng, các nước lớn đều coi trọng ASEAN, sẵn sàng hợp tác với ASEAN. Những cường quốc cũng có rất nhiều sáng kiến đóng góp cho khu vực này về hợp tác phát triển, ứng phó với các thách thức về an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, dịch bệnh hay nước biển dâng...

Mục tiêu lớn nhất của ASEAN là hợp tác hòa bình, phát triển, hữu nghị với tất cả các nước, đồng thời ASEAN đi vào xây dựng Cộng đồng. ASEAN có vị trí đặc biệt trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. ASEAN cũng có cơ chế đa phương đề cao các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đề cao hợp tác hòa bình và phát triển. Đồng thời, ASEAN có các cơ chế của mình và cũng có các cơ chế để có thể hợp tác được với các đối tác, trong đó có các nước lớn dù họ cạnh tranh nhau.

Trên thực tế, ASEAN là cơ chế duy nhất trong khu vực kết nối với tất cả các nước lớn và các đối tác chủ chốt trên thế giới để có thể phối hợp xây dựng chương trình nghị sự chung của khu vực cũng như các kế hoạch chung để ứng phó với thách thức chung. Vì vậy, ông Phạm Quang Vinh cho rằng, ASEAN cần phải có tiếng nói để thể hiện những nguyên tắc của mình, đặc biệt đề cao sự ủng hộ cái đúng và phê phán cái sai. Chính tiếng nói của ASEAN được các nước ủng hộ sẽ tạo thành cách ứng xử và những chuẩn mực ở khu vực.

Thời gian qua, ASEAN đã đạt được nhiều thành quả là những văn kiện quan trọng được các nước thừa nhận và ủng hộ. ASEAN sẽ cần phát huy hơn nữa vai trò trong việc xây dựng các chuẩn mực ứng xử ở khu vực.

Mặt khác, ASEAN cần bám sát những xu hướng phát triển hiện nay để đẩy mạnh sự thịnh vượng ở khu vực, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch. Đây là những lĩnh vực mà các nước lớn có tiềm năng và tạo ra nhiều cơ hội hợp tác. Vì vậy, ASEAN phải tranh thủ hơn nữa những xu hướng này để phát triển về công nghệ, phát triển chuỗi cung ứng chất lượng cao hơn, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/them-buoc-tien-quan-trong-trong-hop-tac-bien-o-dong-nam-a-post471181.html