Thêm cơ chế, chính sách cho phát triển công trình xanh
ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành xây dựng Việt Nam phát triển theo mục tiêu chống biến đổi khí hậu và xây dựng thị trường tài chính bằng các mối quan hệ hợp tác để kết nối cung cầu tài chính xanh.
Tại tọa đàm “Tài chính xanh: Hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản tiếp cận nguồn vốn xanh”, do Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 28/9, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: Tài chính xanh là một trong những giải pháp rất quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy cũng như làm “bà đỡ” cho các dự án phát triển công trình xanh nói riêng, các dự án trong lĩnh vực xây dựng hướng tới mục tiêu giảm phát thải. Qua đó, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và thực hiện mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết.
Theo ông Nguyễn Công Thịnh, sau hơn 15 năm phát triển, Việt Nam hiện có khoảng 300 công trình xanh, một con số đáng kể so với thời điểm 2005-2010 lúc đầu phát triển. Tuy nhiên, so với tiềm năng, dư địa và yêu cầu cần chuyển đổi xanh nhanh hơn nữa theo cam kết của Chính phủ thì còn rất nhiều việc phải làm. Tài chính xanh là một trong những giải pháp rất quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy cho các các dự án trong lĩnh vực xây dựng hướng tới mục tiêu giảm phát thải nhanh hơn.
Trong thời gian qua, đã có nhiều quyết sách, văn bản chỉ đạo liên quan đến việc hỗ trợ các dự án thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải. Tuy nhiên, với nhu cầu rất lớn như hiện nay và những yêu cầu liên quan đến cam kết trung hòa carbon thì cần thiết phải xây dựng thêm các cơ chế chính sách mạnh mẽ hơn nữa.
Trong đó, cần có sự vào cuộc của các tổ chức tài chính để hình thành các quỹ, gói tín dụng xanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp từ doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất thiết bị công nghệ, tiết kiệm năng lượng, môi trường, đến các chủ đầu tư dự án, công trình đạt tiêu chí công trình xanh, giảm phát thải… có thể tiếp cận nguồn tín dụng này.
“Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp xây dựng dự thảo Quyết định của Chính phủ liên quan đến tiêu chí môi trường và xác nhận dự án đầu tư có thể tiếp cận tài chính xanh. Thị trường đang rất mong chờ quy định này sẽ sớm được thông qua để tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các tổ chức tài chính cũng như chủ đầu tư tham gia thúc đẩy các dự án xanh với các nguồn tín dụng ưu đãi. Từ đó, đẩy nhanh hơn để giá thành các công trình xanh phù hợp hơn với người thuê, người mua”, ông Thịnh cho biết.
Bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình Công trình xanh và Thích ứng biến đổi khí hậu của IFC cho rằng, khái niệm công trình xanh không chỉ nói riêng về các dự án bất động sản mà bao gồm tất cả các dự án xây dựng khác như nhà xưởng, nhà kho… Có nhiều thông tin cho rằng, chi phí xây dựng công trình xanh rất đắt đỏ, nhưng thực tế không phải vậy. Nhà đầu tư, doanh nghiệp chỉ cần so sánh chi phí xây dựng với các công trình bình thường ở cùng phân khúc, thì có thể nhận thấy rõ điều này.
Theo bà Diệp, việc đầu tư công trình xanh chưa chắc có thể tiếp cận được với nguồn vốn rẻ hơn, nhưng có thể khẳng định điều này sẽ giúp doanh nghiệp, chủ đầu tư tiết kiệm chi phí vận hành, tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn.
Chẳng hạn như tại Công ty cổ phần BIM Land có công trình đạt tiêu chuẩn EDGE - hệ thống chứng nhận công trình xanh của IFC, nhờ đó công ty này có thể dễ dàng phát hành lô trái phiếu xanh quốc tế 200 triệu USD trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Mới đây, công ty này tiếp tục được IFC đầu tư 150 triệu USD thông qua việc mua trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên ở Việt Nam.
Đại diện IFC cho biết, hiện IFC đang muốn đẩy mạnh đầu tư xanh vào các ngân hàng để cung ứng cho thi trường một cách đa dạng hơn. Các nhà phát triển bất động sản, các doanh nghiệp có dự án công trình xanh có thể liên hệ với IFC để tìm hiểu cũng như tiếp cận với các nguồn vốn xanh. Thông qua IFC, hiện các công trình xanh đạt chứng nhận EDGE sẽ được tài trợ vốn từ Chính phủ Australia và Chính phủ Anh mà không cần mất nhiều chi phí.
Theo bà Maria Joao Pateguana, Chuyên gia phát triển khối tư nhân của ADB, thực tế cho thấy việc đầu tư tài chính xanh và bền vững sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn, tuy nhiên hiện chưa có nhiều hoạt động đầu tư tài chính phổ biến trên thị trường. Một trong những lý do được cho là việc đầu tư này còn nhiều phức tạp, các sản phẩm tài chính chưa đáp ứng nhu cầu người sử dụng.
Một nghiên cứu đang thực hiện của ADB cho thấy, Việt Nam còn thiếu cơ chế, chính sách trong việc phát triển các công trình xanh, đặc biệt là chưa có hệ thống thuế xanh và các quy phạm pháp luật để khuyến khích phát triển xanh. Bên cạnh đó, lỗ hổng về thiếu thông tin, cấu trúc thị trường, nguồn nhân lực am hiểu phát triển xanh, tài chính… là những lí do khiến cho việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn nhiều thách thức.
Trước những khó khăn này, đại diện ADB cho biết, ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành xây dựng Việt Nam phát triển theo hướng đảm bảo mục tiêu chống biến đổi khí hậu mà Chính phủ đã cam kết. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam xây dựng thị trường tài chính bằng cách xây dựng các mối quan hệ hợp tác để kết nối cung cầu tài chính xanh; xây dựng, nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia trong ngành…/.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/them-co-che-chinh-sach-cho-phat-trien-cong-trinh-xanh/308002.html