Thêm cơ hội cho bệnh nhân bị bệnh tim mạch

Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) vừa trở thành bệnh viện thứ 3 trong tỉnh đưa vào hoạt động Đơn vị Tim mạch can thiệp.

GS-TS-BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (bìa phải) trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật đặt stent mạch vành cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark. Ảnh: Hạnh Dung

GS-TS-BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (bìa phải) trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật đặt stent mạch vành cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark. Ảnh: Hạnh Dung

Điều này đồng nghĩa với việc người dân trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận có cơ hội để lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh khi mắc các bệnh lý về tim mạch.

* Sức khỏe cải thiện sau phẫu thuật

Là một trong 2 bệnh nhân đầu tiên được đặt stent mạch vành tại Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark, bà T.T.H. (65 tuổi, ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) cho biết, gần 2 năm qua, bà thường xuyên cảm thấy các cơn đau thắt ngực không ổn định. Bà có đi khám tại bệnh viện và được kê thuốc về nhà uống. Khoảng 1 tháng nay, các cơn đau ngực với mức độ tăng dần, càng lúc càng đau, không làm được việc gì, có khi chỉ cần ăn hơi no cũng có cảm giác khó chịu, đang nằm phải ngồi dậy vì các cơn đau hành hạ.

Ngày 1-12, bà H. nhập viện. Qua thăm khám tại Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark, bà H. được bác sĩ chẩn đoán bị cơn đau thắt ngực không ổn định kèm theo bệnh tăng huyết áp, tăng lipid máu, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Bà H. được chỉ định phẫu thuật đặt stent mạch vành.

Bệnh nhân thứ 2 được can thiệp là ông H.H.H. (55 tuổi, người Đài Loan), đang làm việc tại TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

ThS-BS Võ Anh Minh, phụ trách Đơn vị Tim mạch can thiệp (thuộc Khoa Nội tim mạch) cho biết, bệnh nhân thường xuyên bị các cơn đau thắt ngực. Tuy nhiên, do rào cản về ngôn ngữ nên chưa tìm được bệnh viện thích hợp để điều trị cho đến khi đến Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark. Sau ca phẫu thuật nong bóng, đặt stent, cả 2 bệnh nhân bớt đau ngực nhiều, tiếp tục được chăm sóc tại Phòng Hậu phẫu.

Cũng theo ThS-BS Võ Anh Minh, Đơn vị Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark hiện có 1 bác sĩ tim mạch can thiệp chính, 3 bác sĩ nội tim mạch và 4 điều dưỡng có kinh nghiệm hồi sức cấp cứu, được đào tạo về can thiệp nội mạch. Bên cạnh nhân lực tại chỗ, bệnh viện đã ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp với Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Đơn vị có đầy đủ các phòng chức năng cần thiết như: phòng siêu âm tim, phòng khám tim mạch, phòng ECG gắng sức, phòng tiền phẫu, hậu phẫu, phòng hồi sức tim mạch cùng các trang thiết bị như: phòng máy DSA, bơm thuốc cản quang, máy truyền dịch, máy siêu âm tim, máy monitor, máy sốc điện, máy ECG, máy ECG gắng sức, máy tạo nhịp tạm thời.

* Nâng cao chất lượng điều trị toàn tỉnh

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình đánh giá, việc Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark đưa vào hoạt động Đơn vị Tim mạch can thiệp góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa các bệnh liên quan đến bệnh tim mạch nói chung của toàn tỉnh.

Đến thời điểm này, sau 5 năm triển khai Đơn vị Tim mạch can thiệp, cả 2 bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Đa khoa Thống Nhất đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Đơn vị Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện được hơn 4,2 ngàn ca liên quan đến bệnh tim, trong đó tim mạch can thiệp hơn 3,5 ngàn ca, chụp mạch vành gần 1 ngàn ca; Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã triển khai được 2,5 ngàn ca tim mạch can thiệp và gần 1 ngàn ca chụp mạch vành; đồng thời triển khai kỹ thuật điện sinh lý điều trị rối loạn nhịp tim cho hơn 100 bệnh nhân. Cả 2 bệnh viện này đang tiến hành mổ tim hở, đem đến nhiều cơ hội sống cho các bệnh nhân bị bệnh tim trên địa bàn tỉnh.

Là người trực tiếp chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp cho Đơn vị Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark, GS-TS-BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay: “Đây là một kỹ thuật cao, khi thực hiện sẽ cấp cứu thành công cho nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nếu có dấu hiệu bị bệnh tim từ nay đã có thêm một cơ sở y tế để lựa chọn và được điều trị. Điều này cũng đánh dấu bước tiến mới của một bệnh viện tư nhân trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch. Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cam kết sẽ hỗ trợ Bệnh viện Đại học Y dược Sing Mark thực hiện kỹ thuật này đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất cho người bệnh”.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 20 triệu người tử vong do bệnh tim mạch. Tại Việt Nam, các bệnh lý về tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200 ngàn người mỗi năm.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202012/them-co-hoi-cho-benh-nhan-bi-benh-tim-mach-3034374/