Thêm cơ hội cho nghề lồng tiếng
Công việc lồng tiếng đang có nhu cầu rất lớn, mở thêm cơ hội làm việc trên các nền tảng xuyên biên giới, các phim hoạt hình nước ngoài ra rạp Việt
Nghề lồng tiếng từng có giai đoạn hoàng kim cùng sự nở rộ của các phim cổ trang thuộc hãng TVB. Tuy nhiên, khi thị trường phim TVB thoái trào ở Việt Nam, nhường chỗ cho phim Hàn Quốc, Ấn Độ thì nghề lồng tiếng cũng trở nên lặng lẽ, không còn sôi động như xưa.
Nhu cầu tăng trở lại
Sau khi các phim TVB hết ăn khách tại thị trường Việt, người làm nghề lồng tiếng đa phần chuyển sang lồng tiếng cho phim truyền hình, quảng cáo. Nhưng dần dần, phim truyền hình cũng chuyển sang thu tiếng trực tiếp để đồng bộ giữa âm thanh và cảm xúc, tạo sự chân thật hơn. Khi nhiều lo lắng rằng nghề lồng tiếng sẽ ngày càng khó khăn thì cơ hội khác lại đến với điểm nhấn là phim hoạt hình phát trên truyền hình, phim hoạt hình chiếu rạp của hãng Walt Disney, phim truyền hình Hàn Quốc phát sóng trên HTV3.
Hiện tại, nghề lồng tiếng còn tăng thêm cơ hội từ nhu cầu của các nền tảng thu phí xuyên biên giới như Netflix. Phim "Lỗ sâu sự thật" do Thái Lan sản xuất chiếu trên Netflix là tác phẩm gần đây được lồng tiếng Việt do ê-kíp Đạt Phi Media thực hiện. Việc lồng tiếng bản địa giúp phim gần gũi và tiếp cận nhiều hơn các đối tượng khán giả là lý do khiến các nền tảng bắt đầu lồng tiếng những nội dung nước ngoài bổ sung thêm kho sản phẩm Việt đáp ứng nhu cầu của nhiều khán giả.
Sau khi tìm ra được 6 thí sinh xuất sắc, thắng giải thưởng cao của chương trình truyền hình thực tế "Thanh âm diệu kỳ", Netflix phối hợp Công ty BHD bắt đầu chuỗi hoạt động đào tạo 3 tháng cho các thí sinh này. "Thanh âm diệu kỳ" là một cuộc thi về lồng tiếng được tổ chức nhằm nâng cao về chuyên môn lồng tiếng trong ngành công nghiệp điện ảnh. Đây là một trong những sân chơi khá hiếm hoi cho những người trẻ yêu thích nghề lồng tiếng. Trước đó, chương trình "Thanh âm quyền năng" được phát sóng trên HTV cũng là gameshow đầu tiên giới thiệu với khán giả chi tiết về lồng tiếng. Ông Dennis Chau - Giám đốc lồng tiếng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Netflix, cho biết các thí sinh thắng giải của chương trình "Thanh âm diệu kỳ" sẽ được đào tạo và sẽ có cơ hội tham gia lồng tiếng cho các dự án của Netflix.
Cần đào tạo chính quy
Dù thu hút không ít người trẻ nhưng lồng tiếng vẫn không được xem là nghề chính. Nhiều người đam mê, bỏ công sức theo đuổi nghề thông qua các công ty đào tạo nhưng rồi chỉ xem đây là nghề tay trái, thỏa mãn sở thích.
Nghề lồng tiếng cũng chưa được đào tạo chính quy mà chỉ được đào tạo theo kiểu nghề dạy nghề. Vì thế, người trẻ cảm thấy chưa đủ tự tin để họ dấn thân dù có sẵn đam mê.
"Lồng tiếng không phải đọc lời bình, thuyết minh. Nó khó hơn nhiều so với diễn xuất trên sân khấu hay trường quay bởi diễn viên lồng tiếng phải diễn mà không có sự tương tác của bạn diễn. Phim ảnh sẽ hay hơn, hấp dẫn hơn khi có sự hòa quyện của âm thanh và hình ảnh" - NSND Lan Hương nhận định.
Ông Dennis Chau cho rằng lồng tiếng không đơn thuần chỉ là nhái giọng, đọc thoại bằng giọng nói tùy theo giới tính, độ tuổi nhân vật mình thể hiện. Diễn viên lồng tiếng phải diễn xuất bằng giọng nói của mình để truyền tải cảm xúc nhân vật cần thể hiện trong từng phân cảnh, tình huống khác nhau. Ngoài ra, một số tác phẩm còn đòi hỏi người lồng tiếng phải biết ca hát.
Việc có các cuộc thi, sân chơi góp phần giúp khán giả hiểu hơn về nghề lồng tiếng, tìm được những bạn trẻ có năng khiếu để trải qua các lớp đào tạo là những bước đầu tiên trong hành trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghề.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/them-co-hoi-cho-nghe-long-tieng-20220506195706783.htm