Thêm cơ hội cho nông sản vươn xa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dưa hấu từ Việt Nam sang Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 12/6 tới. Đây là bước quan trọng trong việc chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam nói chung và dưa hấu nói riêng sang thị trường tiềm năng này.

Ngày 12/6, Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dưa hấu từ Việt Nam sang Trung Quốc có hiệu lực. Ảnh: M.H.

Ngày 12/6, Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dưa hấu từ Việt Nam sang Trung Quốc có hiệu lực. Ảnh: M.H.

Rộng cửa xuất khẩu trái dưa hấu

Theo Nghị định thư, dưa hấu tươi của Việt Nam không được nhiễm 5 loài thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống mà Trung Quốc quan tâm.

Tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký và được cả Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Vườn trồng phải áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP); phải bảo đảm giám sát vườn trồng và quy trình đóng gói tại cơ sở đóng gói. Cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo dưa hấu quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng đã được cấp mã số.

Bên cạnh đó, các lô hàng dưa hấu của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây; phải tiến hành kiểm dịch thực vật lấy mẫu 2% và phải phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc khi nhập khẩu vào thị trường này.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Nghị định thư xác định rõ các yêu cầu nhập khẩu từ phía Trung Quốc nhằm đảm bảo quả dưa hấu tươi của Việt Nam tuân thủ các Luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật, từ đó tạo cơ sở cho việc tuân thủ của các đơn vị sản xuất, đóng gói và xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, giữa tháng 4 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản đề nghị Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố; các hiệp hội, ngành hàng liên quan; và các Chi cục kiểm dịch thực vật vùng thông báo, phổ biến nội dung Nghị định thư tới các tổ chức, cá nhân, cơ quan chuyên môn có liên quan để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc áp dụng Nghị định thư này.

“Đến nay, 162 vùng trồng dưa hấu và hơn 1.000 cơ sở đóng gói tại 38 tỉnh được cấp mã số để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là bước quan trọng trong việc chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước” - đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết.

Đánh giá tác động khi Nghị định thư có hiệu lực, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thị trường tiêu thụ phần lớn dưa hấu Việt Nam là Trung Quốc. Tuy nhiên do yếu tố thời tiết, mùa vụ nên dưa hấu chỉ xuất sang nước này được giá nhất là vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Vào mùa hè, do Trung Quốc cũng trồng được dưa hấu nên nhu cầu nhập khẩu thường thấp hơn. Chính vì vậy, khi Nghị định thư có hiệu lực thì giá đầu ra của mặt hàng này ổn định hơn.

“Hiện dưa hấu là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao hơn vải, nhãn, chôm chôm với kim ngạch khoảng hơn 50 triệu USD/năm. Khi Nghị định thư có hiệu lực, xuất khẩu mặt hàng này dự kiến có thể đạt 80-100 triệu USD/năm, từ đó giúp bà con tăng thu nhập và gắn bó hơn với mặt hàng này” - ông Nguyên cho hay.

Gia tăng năng lực xuất khẩu

Theo các chuyên gia kinh tế, với dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho nhiều loại mặt hàng nông lâm thủy sản chất lượng cao. Đây cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần các mặt hàng nông lâm thủy sản tại thị trường này. Hiện có nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó bao gồm 12 mặt hàng rau quả (dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít); tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại. Với mặt hàng sầu riêng, Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Đáng chú ý, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, đạt 79,3 nghìn tấn, trị giá 369,8 triệu USD, tăng 91,0% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi Trung Quốc nhập khẩu.

Bộ NNPTNT cho biết, mới đây, đã diễn ra buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung và ông Triệu Tăng Liên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về thúc đẩy nông sản giữa hai nước qua các nghị định thư mới. Hai bên cam kết sẽ sớm hoàn tất các thủ tục để ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Riêng mặt hàng chanh leo và ớt đã được hai bên thực hiện xuất khẩu thí điểm, Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ thúc đẩy hoàn tất các thủ tục để sớm có thể ký 2 văn kiện này.

Cũng theo thống kê của Bộ NNPTNT, trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa hai nước đạt 6,2 tỷ USD (tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 4,6 tỷ USD (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023), nhập khẩu ước đạt 1,6 USD (tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023).

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/them-co-hoi-cho-nong-san-vuon-xa-10283070.html