THÊM CƠ SỞ ĐỂ MINH BẠCH CÔNG TÁC CÁN BỘ
Bộ Nội vụ sẽ thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) theo nhiệm vụ mà Chính phủ giao là thông tin đang được dư luận quan tâm và thể hiện sự đồng tình.
Theo đó, khi CSDL này được xây dựng sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong truy xuất, quản lý, bổ sung, cập nhật hồ sơ, lý lịch cán bộ, CCVC mà không cần chờ báo cáo, tổng hợp từ cơ sở; khi cần sử dụng hay báo cáo sẽ không mất quá nhiều thời gian đề nghị địa phương, bộ, ngành tra xét lại hồ sơ giấy. Việc trình hồ sơ để đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ cũng không cần chờ địa phương gửi báo cáo, mất nhiều thời gian như hiện nay. Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất là CSDL cán bộ sẽ từng bước thay thế việc quản lý hồ sơ cán bộ, CCVC theo cách thủ công, chủ yếu trên giấy tờ, bảo đảm minh bạch khi đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm. Việc quản lý mới sẽ hạn chế được tình trạng bổ nhiệm cán bộ không có bằng cấp hay thiếu bằng cấp, tiêu chuẩn.
Lâu nay, một trong những hạn chế nhất về quản lý cán bộ, CCVC của ngành nội vụ là không có CSDL đánh giá từ dưới lên, đánh giá đa chiều do việc quản lý hồ sơ chủ yếu trên giấy tờ. Khi cần tra xét, đánh giá, xét chuyển từ viên chức sang công chức; nâng ngạch CCVC; đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại gặp không ít khó khăn và tốn nhiều thời gian, nhất là khâu rà soát về tiêu chuẩn, điều kiện về văn bằng, chứng chỉ nhằm bảo đảm đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, CCVC và phù hợp với thực tiễn, gắn với vị trí việc làm. Vì thế, mới có tình trạng sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc dẫn đến công việc trì trệ, kém hiệu quả. Cùng với đó, tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện… gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm mất lòng tin của người dân.
Thực tế trên cho thấy, yêu cầu xây dựng CSDL quản lý cán bộ, CCVC là cần thiết. Muốn làm được việc này, trước hết, Bộ Nội vụ cần thể hiện rõ vai trò chủ công, chủ chốt, tiên phong trong quá trình triển khai thực hiện, xây dựng quy chế, chính sách, định hướng, hướng dẫn cơ quan quản lý cán bộ các bộ, ngành, địa phương. Quá trình xây dựng cần bám sát nội dung Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định liên quan; lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, cán bộ quản lý cấp cơ sở để hình thành được hệ thống quản lý phù hợp với từng cấp, từng ngành; bảo đảm thống nhất, liên thông, dễ sử dụng, thuận tiện khi tra cứu, cập nhật, trao đổi thông tin.
Dù vậy, nếu chỉ có sự quyết tâm, cố gắng của riêng Bộ Nội vụ là chưa đủ. Để đạt được những mục tiêu nêu trên, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm và nhận thức đúng đắn, đầy đủ của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương về việc xây dựng CSDL quản lý cán bộ, CCVC nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, kịp thời khi cập nhật hồ sơ, lý lịch cán bộ, CCVC thuộc diện quản lý. Ngoài ra, dữ liệu về cán bộ, CCVC rất quan trọng, nhạy cảm nên quá trình xây dựng hệ thống CSDL cần đặc biệt chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn thông tin; cần phải có sự quan tâm, đầu tư phù hợp để tránh bị đánh cắp, lộ lọt.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/them-co-so-de-minh-bach-cong-tac-can-bo-618431