Thêm con đường thêm tình nghĩa
Băng băng trên những tuyến đường trải thảm nhựa láng bóng đến tận các ngõ ngách ở thành phố Tuyên Quang, ít ai biết, chỉ cách đây chưa lâu, các tuyến đường này còn là những con đường chật hẹp, mặt đường bê tông xuống cấp. Kết quả ấy được khởi nguồn từ một chủ trương đúng, trúng nhờ biết huy động, phát huy nguồn lực trong dân.
Từ một chủ trương đúng
Dù trong thời điểm nào, ở thành thị hay nông thôn, đất đai luôn là tài sản quan trọng. Thế nhưng, khi thành phố Tuyên Quang triển khai thực hiện dự án Chương trình nông thôn miền núi phía Bắc về đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông khu dân cư thuộc địa bàn các phường Tân Hà, An Tường, Ỷ La và xã Kim Phú, người dân nơi đây đã sẵn sàng tháo dỡ tường rào, hiến đất làm đường.
Nhiều năm trong nghề, hiểu rõ trình tự, quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng các dự án giao thông, đồng chí Phạm Tuấn Hùng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Tuyên Quang nhẩm một phép tính: Nếu làm theo quy trình từ việc giới thiệu dự án, gửi thông báo thu hồi đất, thông báo các quy định của Nhà nước về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, đến các bước kiểm đếm tài sản, đất đai, chi trả bồi thường, hỗ trợ phải mất từ 6 tháng đến một năm. Vậy mà với dự án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường ngõ, xóm chỉ mất chục ngày đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Anh Hùng quả quyết: “Gắn bó với nghề, có lẽ đây là dự án có thời gian giải phóng mặt bằng nhanh và dân đồng thuận nhiều nhất”.
Thực tế thi công các tuyến đường trên địa bàn thành phố những năm qua cho thấy, chi phí giải phóng mặt bằng gồm tiền đền bù đất, đất ở nông nghiệp, tài sản xây dựng, cây trồng trên đất chiếm 20 - 40% tổng mức đầu tư. Như vậy, càng làm cho công tác đầu tư nâng cấp các công trình giao thông thêm khó khăn. Giải quyết bài toán khó trên những cung đường này, không còn cách nào khác đó là phải huy động nguồn lực trong dân. Chỉ có nhân dân đồng thuận, ủng hộ thì mới có thể rút ngắn thời gian, tiết kiệm ngân sách được.
Với tinh thần ấy, Ban quản lý Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Tuyên Quang đã phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể vận động nhân dân tự nguyện hiến đất. Địa phương nào có 100% hộ dân trên tuyến đường đồng thuận, tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình để mở rộng đường, chính quyền sẽ ưu tiên đầu tư làm đường trước. Nguồn vốn của chương trình sẽ hỗ trợ tài sản xây dựng và cây trồng hình thành hợp pháp trên diện tích đất đã tự nguyện hiến để làm đường. Nhờ vậy mà giai đoạn 2020 -2021, Ban Quản lý đã triển khai thi công làm được 13 tuyến đường ngõ, xóm. Trong năm 2022, Ban Quan lý đang triển khai thi công 3,9 km thuộc 7 tuyến đường phường Tân Hà; 3 tuyến đường phường An Tường có tổng chiều dài hơn 2 km và tuyến đường Nguyễn Chí Thanh ở phường Ỷ La dài 1,8 km.
Hộ gia đình ông Hà Văn Quý, tổ 12, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang)
sẵn sàng tháo dỡ tường bao trước nhà phục vụ làm đường.
Khi lòng dân đã thuận
Con đường thảm nhựa asphalt láng bóng dài khoảng 3 km chạy vòng quanh tổ 16, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang), hai bên đường nắng như dát vàng trên những bức tường xây còn thơm mùi sơn mới.
Đón chúng tôi vào nhà, rót cốc trà thơm mời khách, bà Nguyễn Thị Tuyên, 71 tuổi, hướng mắt ra con đường phẳng đẹp trước nhà, lòng tràn đầy mãn nguyện. để con đường ngõ xóm rộng hơn bà đã tình nguyện tháo dỡ tường rào, hiến 100 m2 đất trồng cây lâu năm và cả đất thổ cư. “Đặt bút ký vào biên bản hiến đất, nhiều người khuyên tôi nên làm đơn đề nghị hỗ trợ tiền bồi thường đất” - bà Tuyên bảo.
Thế nhưng bà Tuyên không làm vậy. Cái lý mà bà đưa ra cũng rất chân chất. “Đất đai là của Nhà nước mình, khi cần thì phải thu hồi. Hơn thế, bao nhiêu năm nay, tuyến đường này nhỏ hẹp, lại gấp khúc, khuất tầm nhìn. Giờ có con đường đẹp thế này thì người hưởng lợi chính là gia đình mình, nhân dân trong tổ mình thì tại sao phải băn khoăn thiệt hơn”.
Suy nghĩ của bà Tuyên cũng là tâm ý của gần 200 hộ dân trên các tuyến đường được làm trong tổ 16, phường Tân Hà. Nhờ vậy tuyến đường của tổ được triển khai rất nhanh chóng. Đơn vị thi công làm đường đến đâu, 100% các hộ trong tổ đã tự nguyện tháo dỡ công trình, vật, kiến trúc trên đất và hiến đất làm đường đến đó.
Người dân tổ 16, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) phấn khởi đi trên con đường mới
được trải nhựa asphalt khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Hải Hương
Lan tỏa tinh thần của người dân tổ 16, phường Tân Hà, tháng 5-2022, 100% hộ dân ở ngõ 294, đường Trường Chinh, tổ 14, phường Tân Hà được Nhà nước đầu tư làm đường đã đồng thuận tháo dỡ vật, kiến trúc, hiến đất làm đường. Hiện công trình đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, việc lắp đặt rãnh thoát nước đã hoàn thiện. Dự kiến hết tháng 6-2022 tuyến đường sẽ hoàn thành.
Phường Minh Xuân hiện đang triển khai làm tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và ngõ 38 Nguyễn Thị Minh Khai. Ngay khi có chủ trương làm đường giao thông, nhân dân tổ 12, phường Minh Xuân cũng đã tổ chức họp dân, tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai thực hiện. Đồng chí Tạ Quang Vinh, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ 12, phường Minh Xuân thông tin: Tuyến đường được chọn đổ asphalt là tuyến trung tâm của tổ nên có đông người dân, phương tiện qua lại, hiện đã xuống cấp và nhiều ổ gà, đường hẹp, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân. Được Nhà nước đầu tư làm đường người dân rất phấn khởi, vui mừng. Lúc đầu nói đến việc hiến đất làm đường, người dân cũng băn khoăn, nhưng khi hiểu rằng có đường thuận tiện thì đời sống được nâng cao, giá trị đất cũng nhờ thế mà tăng, nên người dân rất đồng thuận. Điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, bà Hoàng Thị Huấn, Nông Thị Khanh, Đào Thị Thu Hằng...
Từ sự đồng thuận, chung sức của nhân dân, hạ tầng giao thông ở các tuyến đường ngõ xóm trên địa bàn thành phố từng bước được hoàn thiện khang trang, sạch đẹp hơn. Những con đường sẽ là khởi đầu cho những nét vẽ nhiều màu sắc với những công trình mới, tạo dựng không gian đô thị hiện đại, góp phần giúp thành phố Tuyên Quang nâng cao các tiêu chí đô thị loại II, tiến tới thực hiện các tiêu chí đô thị loại I.