Thêm công trình văn hóa phục vụ nhân dân

Xây dựng Con đường ánh sáng (giai đoạn 2), Công trình phun nước nghệ thuật cầu Hóa An, Nhạc nước công viên Biên Hùng, Đường hoa xuân Nguyễn Văn Trị... là những công trình văn hóa sẽ được thành phố Biên Hòa triển khai thực hiện tại các không gian văn hóa công cộng.

Phối cảnh Đường hoa Nguyễn Văn Trị Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: BTC

Phối cảnh Đường hoa Nguyễn Văn Trị Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: BTC

Các công trình không chỉ tạo điểm nhấn, phục vụ cho người dân và du khách dịp Xuân Ất Tỵ 2025, mà qua đó còn góp phần xây dựng một hình ảnh riêng của Biên Hòa với bản sắc văn hóa trên đường hội nhập và phát triển.

Sẽ xây dựng nhiều công trình văn hóa

Theo đơn vị thiết kế, Con đường ánh sáng (giai đoạn 2) dự kiến dài 350m, xây dựng từ cổng chào đường Hoàng Minh Châu đến khu vực vui chơi hiện hữu, gồm cả các đại cảnh của giai đoạn 1. Giai đoạn 2 gồm có 8 khu (khu quảng trường chính và các khu A, B, C, D, E, F, G) kết hợp với đèn Led, cụm cây, cụm đèn chiếu sáng hai bên các lối đi thể hiện sự vươn lên và tỏa sáng, hình ảnh 7 sắc cầu vồng... đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong và ngoài địa phương.

Cùng với Con đường ánh sáng (giai đoạn 2), tại khu vực công viên Nguyễn Văn Trị, thành phố Biên Hòa còn lên ý tưởng thực hiện Công trình phun nước nghệ thuật cầu Hóa An. Đơn vị tư vấn đã đề xuất các phương án thực hiện. Trong đó, giàn phun được bố trí tại trung tâm cây cầu, chia làm 3 phân đoạn, phân đoạn giữa 66 đầu phun, 2 phân đoạn còn lại 67 đầu phun/phân đoạn. Mỗi phân đoạn cách nhau 100m, đầu phun kết hợp đèn Led, tạo hiệu ứng sinh động và bắt mắt về đêm.

Trưởng phòng Văn hóa và thông tin thành phố Biên Hòa Võ Thị Huỳnh Mai cho biết, hướng tới mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025, Đường hoa Nguyễn Văn Trị lấy cảm hứng từ hình tượng con rắn. Đây cũng là năm chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp nên tông màu chủ đạo là đỏ và vàng. Trong thiết kế, cổng chào thể hiện tông màu vàng, với loại hoa mai đặc trưng.

Đường hoa Nguyễn Văn Trị năm nay có 3 chương. Chương 1 - đại cảnh mùa xuân (gồm hình tượng linh vật rắn; hoa sen và các trụ hoa kết hợp màn hình Led); chương 2 - Xuân quê hương (gồm các mô hình Đàn trâu, Nhà lá, Xe ngựa gỗ); chương 3 - Cá chép vượt vũ môn (hình ảnh cá chép vượt vũ môn hóa rồng thể hiện thành phố vượt qua thiên tai, vươn lên phát triển mạnh mẽ; truyền thống ngày Tết Việt Nam).

“Bên cạnh các đại cảnh, đường hoa có nhiều tiểu cảnh dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Trị. Từ khu vực trưng bày hoa lan, kết hợp các loại hoa, pháo hoa cách điệu; khu vực tiểu cảnh hoạt hình thiếu nhi vui nhộn; mô hình quả địa cầu cùng robot máy hướng đến thành phố hiện đại… đến khu vực trưng bày sách tại thư viện xanh. Đường hoa sẽ phục vụ nhân dân từ ngày 23-12 âm lịch đến mùng 6 Tết Ất Tỵ” - bà Huỳnh Mai nói.

UBND thành phố Biên Hòa vừa có buổi làm việc với Hội đồng Tư vấn mỹ thuật thành phố về thực hiện các công trình văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Các công trình được kỳ vọng sẽ là điểm đến thu hút người dân và du khách khi đến Biên Hòa - Đồng Nai.

Tạo điểm nhấn, phục vụ người dân và du khách

Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho hay, năm 2025 là năm chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp nên việc lựa chọn tông màu cho các loại hoa, linh vật phải tính toán cho phù hợp. Việc thiết kế hình tượng con rắn phải mang nét hài hòa, thân thiện, dễ gần. Đặc biệt, cần xây dựng các tiểu cảnh tái hiện một số biểu tượng của thành phố Biên Hòa đã mai một hoặc bị mất đi do quá trình đô thị hóa. Các cụm tiểu cảnh trưng bày phải sử dụng trong một năm, tránh trường hợp lãng phí, bỏ đi sau những ngày Tết.

“Đối với tiểu cảnh phục vụ cho đối tượng trẻ em, thành phố Biên Hòa cần bổ sung con vật của Việt Nam. Tính toán bố trí lại các cụm ánh sáng và việc người dân đi tham quan có thể đạp lên hoa và hộp đèn. Riêng với công trình phun nước cầu Hóa An, cần xử lý đèn sao cho hợp lý hơn” - bà Loan nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai Lý Thành Phương, việc xây dựng Con đường ánh sáng (giai đoạn 2) cần chú trọng yếu tố chiếu sáng bờ kè và mặt sông Đồng Nai. Đây là việc làm rất quan trọng, bởi Con đường ánh sáng là một phần của Con đường di sản, bổ trợ làm cho Đường hoa Nguyễn Văn Trị nổi bật hơn. Đối với Công trình phun nước cầu Hóa An, việc thực hiện cần nguồn kinh phí khá lớn. Do đó, thành phố cần tính toán thiết kế phun nước dọc cây cầu hay chỉ làm một điểm cố định, có chủ đề gắn với các sự kiện để tạo điểm nhấn.

Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, xây dựng các công trình văn hóa tại hệ thống các không gian công cộng đã và đang được thành phố quan tâm, thực hiện nhằm tạo điểm nhấn phục vụ người dân và du khách, kết nối phát triển du lịch. Việc xây dựng này dựa trên nguyên tắc phát huy giá trị các công trình, góp phần nâng cao chất lượng sống, phát triển đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202407/them-cong-trinh-van-hoa-phuc-vu-nhan-dan-9c35508/