Thêm doanh nghiệp 'chỉnh' kế hoạch kinh doanh trước thềm năm mới
Thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới tiếp tục xuất hiện những doanh nghiệp họp và hạ kế hoạch kinh doanh.
Tại ngày làm việc cuối cùng của năm 2023 (29/12), Công ty Cổ phần Lilama 3 đã họp hội đồng quản trị và quyết định điều chỉnh cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Mục tiêu doanh thu giảm từ 100 tỷ đồng xuống 80 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm từ 0,6 tỷ đồng xuống còn 0,1 tỷ đồng, mức giảm còn sâu hơn nhưng thực chất đều chỉ ở sát mức hòa vốn.
Hội đồng quản trị giao ban điều hành chỉ đạo, tổ chức thực hiện để đạt được chỉ tiêu đề ra, quyết nghị nêu.
Lilama 3 có quy mô nhỏ với vốn điều lệ đạt 51,5 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu đã âm tới 143,8 tỷ đồng. Cũng bởi quy mô bé và cổ phiếu chỉ đang giao dịch trên sàn UPCoM, doanh nghiệp này không công bô báo cáo tài chính hàng quý.
Cổ phiếu LM3 từng niêm yết trên sàn HNX nhưng thuộc diện hủy niêm yết từ năm 2015 do kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp. Đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu LM3 tiếp tục nằm trong diện hạn chế giao dịch do Tổ chức kiểm toán từ chối và vốn chủ sở hữu âm.
Tuy nhiên, câu chuyện điều chỉnh kế hoạch kinh doanh ngay sát thời điểm chuyển giao không chỉ xảy ra ở những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.
Kế hoạch kinh doanh hợp nhất của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam một lần nữa lại được điều chỉnh ngay trước thời điểm kết thúc năm tài chính 2023 vỏn vẹn một tuần. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đều giảm so với mục tiêu đầu năm, lần lượt gần 12% và 21,13%, còn 24.243 tỷ đồng và 3.363 tỷ đồng. Dù điều chỉnh kế hoạch kinh doanh hợp nhất, Hội đồng quản trị đã thống nhất vẫn phải hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty mẹ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên giao với doanh thu 3.792 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.395 tỷ đồng. Với kế hoạch mới được điều chỉnh, nhiều khả năng, tập đoàn lại có thêm một năm đi lùi.
Tương tự Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã DCM) đến nay đã có năm thứ ba liên tiếp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vào phút chót.
Đạm Cà Mau điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế xuống gần 30%, từ 1.460,5 tỷ còn 1.029,3 tỷ đồng. Tương tự, lợi nhuận sau thuế giảm từ 1.383,1 tỷ xuống 915,99 tỷ đồng, mức giảm là 34%. Về kế hoạch công ty mẹ, lợi nhuận trước thuế và sau thuế cũng đồng loạt giảm khoảng 30%, lần lượt xuống 1.027 tỷ và 915 tỷ đồng.
Khá nhiều doanh nghiệp cũng đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 trong bối cảnh kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm gặp nhiều khó khăn, nhất là khi nhiều yếu tố vĩ mô, xung đột địa chính trị vượt ra ngoài dự tính ban đầu. Tuy nhiên, thời gian họp và quyết định thay đổi rải rác trong tháng 11 trước đó.
Cuối tháng 10/2023, HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) đã thống nhất điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023, giảm ở cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Sau thay đổi, tổng doanh thu kế hoạch giảm 17,46%, còn lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 300 tỷ đồng, giảm 25% so với mục tiêu đề ra tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) hạ 6% mục tiêu doanh thu, từ mức 17.500 tỷ đồng theo kế hoạch cũ, xuống 16.500 tỷ đồng. Đồng thời, Vinatex giảm mục tiêu lợi nhuận trước thuế tới 39%, từ mức 610 tỷ đồng xuống còn 370 tỷ đồng. Hay Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel) cũng đã được cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận mới, từ 52 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng.
Theo thống kê của Hãng phân tích dữ liệu tài chính FiinGroup, chỉ có 411/1.109 tổ chức niêm yết, tương ứng tỷ lệ 37%, hoàn thành trên 75% kế hoạch năm sau 9 tháng. Bình quân toàn thị trường hoàn thành 70% kế hoạch năm, trong đó ngành bất động sản ghi nhận kết quả đột biến chủ yếu nhờ hoạt động bán buôn dự án trong quý II/2023 của Vinhomes. Nhóm có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận ở mức thấp là ngân hàng và các ngành hàng có kỳ vọng hồi phục nhờ xuất khẩu, cầu tiêu dùng như thực phẩm và đồ uống, hàng cá nhân và gia dụng, bán lẻ, tài nguyên cơ bản hay giải ngân vốn đầu tư công như xây dựng và vật liệu.